"Cầu nối" đưa vốn vay ưu đãi đến phụ nữ nghèo

  • 08:33 | Thứ Hai, 29/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được sự ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình về tín dụng chính sách (TDCS), thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn đồng hành, sát cánh với hội viên để đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Chị Trần Thị Hồng Phương, hội viên Hội LHPN xã Quảng Phương (Quảng Trạch) trước đây là hộ cận nghèo, gia đình có xưởng cơ khí tổng hợp nhưng quy mô sản xuất nhỏ, trang thiết bị thô sơ nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Chia sẻ với khó khăn của gia đình chị, năm 2016, Hội LHPN xã bình xét và tín chấp với NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình hộ cận nghèo. Nhờ vậy, gia đình chị đã đầu tư mua một số máy móc cần thiết, trong quá trình vay vốn, chị Phương luôn trả lãi, gốc và gửi tiết kiệm đầy đủ, kịp thời và chấp hành tốt các quy định vay vốn.
 
Năm 2020, gia đình chị tiếp tục được bình xét cho vay vốn nâng cấp của hộ cận nghèo với số tiền 90 triệu đồng nhằm đầu tư thêm máy mài công nghệ cao. Từ một xưởng nhỏ, đến nay gia đình chị Phương đã phát triển thành một xưởng cơ khí lớn với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng. Không những vươn lên làm giàu, gia đình chị còn tạo việc làm ổn định cho 3 lao động với thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023 gia đình chị Phương là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Trần Thị Hồng Phương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị Trần Thị Hồng Phương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Chị Trần Thị Hồng Phương cho biết: “Vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững, có được công việc ổn định, thu nhập khá. Thu nhập từ xưởng cơ khí, gia đình tôi đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mở thêm được quán tạp hóa để tăng thêm thu nhập".
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Phương Nguyễn Thị Phương cho biết, những năm qua, nhằm giúp đỡ hội viên phụ nữ tạo việc làm, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, Hội LHPN xã đã tích cực nhận ủy thác vốn TDCS cho hội viên. Tính đến nay, xã có 259 hội viên phụ nữ vay vốn chính sách với tổng dư nợ hơn 17 tỷ đồng, trong đó, 100% hội viên gửi tiết kiệm để trả nợ gốc với số tiền hơn 900 triệu đồng. Hiện địa phương không có trường hợp nợ xấu, nợ quá hạn.
 
Chị Hồ Thị Lợi, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) trước đây cũng thuộc hộ cận nghèo, nghề chính của vợ chồng là trồng lúa. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá lúa bấp bênh, phân bón tăng giá nên không có lãi. Nhận thấy mô hình trồng nấm sò, nấm bào ngư vốn đầu tư ít lại sẵn nguyên liệu ở địa phương. Với quyết tâm chiến thắng cái nghèo, năm 2019, chị mạnh dạn đề xuất và được Hội LHPN xã Mỹ Thủy tín chấp hỗ trợ vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện 20 triệu đồng để xây dựng nhà trồng nấm trên diện tích 50m2.
 
Sau 3 năm thực hiện mô hình, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, chị đã mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo với mô hình trồng nấm, mỗi năm cho lợi nhuận khoảng hơn 70 triệu đồng.
 
Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách có liên quan đến TDCS ưu đãi, vận động thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm theo quy ước của tổ đề ra, huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã nhằm nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm đối với nguồn tiền làm ra và khách hàng dành dụm được một khoản tiền lớn để trả nợ ngân hàng khi đến hạn.
 
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp hội triển khai khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn; duy trì sinh hoạt tổ vay vốn, đôn đốc thu lãi và gốc vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả; chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác và tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) những kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng; kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích...
 
Năm 2023, tổng dư nợ nguồn ủy thác qua Hội LHPN các cấp hơn 1.817 tỷ đồng với 30.338 hộ dư nợ, trong đó, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm là 566 tỷ đồng, doanh số thu nợ lũy kế từ đầu năm gần 272 tỷ đồng. 

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Châu Thị Định cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn ủy thác, thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TDCS xã hội; thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH cùng cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động TDCS xã hội; hướng dẫn việc bình xét và bình xét các đối tượng vay vốn công khai, dân chủ; hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả; đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng hạn; tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, Hội LHPN các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ viên thực hành tiết kiệm theo quy ước hoạt động của tổ TK-VV và gửi tiết kiệm tại NHCSXH; xây dựng phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng với các đơn vị có chất lượng tín dụng còn thấp hoặc chưa ổn định; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủ y thác theo quy định, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK-VV…
 Thanh Hoa

tin liên quan

"Điểm tựa" của người nghèo

(QBĐT) - Những năm qua, từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Ninh, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện đã được vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Kế hoạch thực hiện xây dựng TX. Ba Đồn đạt tiêu chí đô thị loại III thuộc tỉnh vào năm 2026

(QBĐT) - Ngày 25/1, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 13/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phấn đấu xây dựng thị xã Ba Đồn đạt tiêu chí đô thị loại III thuộc tỉnh vào năm 2026.

Tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hưởng ứng Ngày đất ngập nước (ĐNN) thế giới (2/2) năm 2024, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các vùng ĐNN.