Khi dịch cúm gia cầm đi qua

Cập nhật lúc 08:05, Thứ Ba, 11/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến thời điểm hiện tại, dịch cúm gia cầm H5N1 đã được dập tắt trên địa bàn toàn tỉnh, việc giết mổ, mua, bán, tiêu thụ, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm khỏe mạnh trở lại nhịp sống bình thường. Thế nhưng, đối với người chăn nuôi gia cầm ở xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) và những địa phương trong vùng có dịch, “cơn ác mộng” dường như mới chỉ bắt đầu.

Gia đình anh Hoàng Văn Ỷ và chị Nguyễn Thị Phúc (thôn Lăng Chùa, xã Hoa Thủy) đã mất 3.000 con vịt chỉ trong vòng mấy ngày, trong đó 1.000 con buộc tiêu hủy và 2.000 con xử lý môi trường. Buồn hơn, đàn vịt nhiễm bệnh cúm chết hàng loạt, trong khi chỉ cần 10 ngày nữa là chúng có thể được xuất chuồng, bán với giá cao.

Đây là gia đình gặp nhiều thiệt hại nhất trong đợt dịch vừa qua ở xã Hoa Thủy. Toàn bộ tiền bạc, công sức mồ hôi nước mắt của cả gia đình đã đầu tư vào lứa vịt này với hy vọng kiếm đủ tiền nuôi 1 cháu đang học đại học, 2 cháu học THPT và 1 cháu đang đợi xin việc.

Chị Nguyễn Thị Phúc cho biết số tiền “đổ” vào vào đàn vịt đã lên đến hơn 250 triệu đồng, chủ yếu anh chị vay nóng từ anh em bè bạn, số còn lại lấy uy tín xin khất nợ với chủ cửa hàng giống, bột, đạm... Đầu năm 2012, với 4 tấn lúa mới thu hoạch xong anh chị cũng bán hết để đầu tư vào đàn vịt. Bởi xác định đây là thời điểm tiêu thụ vịt nhiều, lại có nguồn thức ăn là lúa tái sinh, nên anh chị mạnh dạn đầu tư với tổng đàn lớn gấp đôi so với mọi lần. Chị Nguyễn Thị Phúc nhẩm tính đàn vịt sẽ mang lại ít nhất cho gia đình chị hơn 100 triệu đồng tiền lãi.

Thế nhưng, giờ đây, khi cả đàn vịt “đội nón ra đi”, nợ cũ chồng nợ mới, vốn liếng không còn để tái sản xuất, gia đình anh chị lại lâm vào tình cảnh bế tắc. Chị Nguyễn Thị Phúc ngậm ngùi cho hay hằng ngày, các chủ nợ đều đến để thúc hối chuyện trả nợ. Thậm chí, một tuần nay chị không dám ra khỏi nhà, bởi đi đâu cũng sẽ có người nhận ra và đòi nợ. Người ta còn đồn đại rằng gia đình chị đang chuẩn bị “bỏ làng chạy trốn” vì không có khả năng trả được các khoản nợ.

Anh Hoàng Văn Ỷ (thôn Lăng Chùa, xã Hoa Thủy) ngậm ngùi bên khu trang trại chăn nuôi vịt giờ đã “trống trơn” của gia đình.
Anh Hoàng Văn Ỷ (thôn Lăng Chùa, xã Hoa Thủy) ngậm ngùi bên khu trang trại chăn nuôi vịt giờ đã “trống trơn” của gia đình.

­Dẫu biết khó khăn là vậy, nhưng anh Hoàng Văn Ỷ khẳng định gia đình mình sẽ tái sản xuất trở lại với hy vọng mong manh sẽ “gỡ gạc lại thất bát để trả nợ dần cho người ta”. Nếu không tiếp tục chăn nuôi, anh chị không có nghề gì để kiếm sống nuôi con ăn học ngoài mấy mẫu ruộng nhà nông. Vấn đề lớn nhất của anh chị chính nằm ở khâu vốn. Trước mắt, anh chị sẽ cầm cố nhà của người thân trong gia đình để vay ngân hàng. Sau đó, anh chị rất mong muốn sẽ có sự hỗ trợ vốn từ Nhà nước để thuận lợi hơn trong tái sản xuất chăn nuôi.

Cùng chung cảnh ngộ tương tự là gia đình anh Hoàng Xuân Thủy, chị Bùi Thị Hồng (thôn Mã, xã Hoa Thủy). Đợt dịch vừa qua lấy đi của gia đình anh chị 2.500 con vịt, tổng thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Mọi vốn liếng đều đổ vào đàn vịt khiến anh chị bây giờ lao đao trong việc tìm nguồn vốn hỗ trợ cho tái sản xuất. Tình trạng chung này diễn ra ở nhiều hộ nuôi vịt xã Hoa Thủy.

Chị Nguyễn Thị Tình, trưởng ban Thú y xã Hoa Thủy cho biết, đây là đợt dịch bệnh lớn nhất từ trước đến giờ trên địa bàn xã, do đó gây sự lo lắng, hoang mang lớn trong người chăn nuôi. Trước dịch, tâm lý bà con cũng khá chủ quan vì cho rằng dịch cúm H5N1 ít khi xảy ra trên địa bàn. Thêm vào đó, vịt thường chỉ cần nuôi nhanh chóng trong vòng 2 tháng là có thể xuất bán, nên không lo ngại nhiều về dịch bệnh. Điều này càng khiến bà con lơ là trong công tác phòng dịch cúm gia cầm H5N1.

Mặt khác, tháng 7, tháng 8 vừa qua là thời điểm “vàng” trong năm bà con đầu tư mạnh vào đàn vịt, cho nên lượng tổng đàn khá lớn, thiệt hại vì thế lại càng tăng cao. Hầu hết vịt chết đều ở độ từ 40 – 50 ngày tuổi, trọng lượng hơn 2 kg, có thể bán được, nên bà con rất xót xa với mất mát này. Theo thống kê, toàn xã có 25 hộ chăn nuôi với 56.500 con gia cầm (gà, vịt). Trong đợt dịch vừa qua, 7 hộ chăn nuôi xảy ra dịch cúm, với 14.000 con vịt bị tiêu hủy và xử lý môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy, cho biết sau khi khống chế và dập tắt được dịch cúm gia cầm H5N1, xã theo chỉ đạo của Chi cục Thú y tỉnh, đã tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh để bà con yên tâm tái sản xuất.

Tuy nhiên, do thiệt hại lớn lại diễn ra quá nhanh, tâm lý bà con chăn nuôi không khỏi hoang mang, lo lắng. Đối với khó khăn về vốn trong quá trình tái đàn, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 719/QĐ-TTg và 1442/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm, xã cũng tư vấn cho bà con những địa chỉ tin cậy để vay vốn. Trong bối cảnh người chăn nuôi gặp khó về vốn, các ngân hàng cũng cần tạo mọi điều kiện giúp đỡ bà con được vay vốn để tiếp tục sản xuất chăn nuôi. Nếu có điều kiện, người chăn nuôi rất cần một nguồn quỹ hỗ trợ cho việc tái sản xuất, hoặc được tham gia bảo hiểm chăn nuôi nhằm hạn chế rủi ro xảy ra do dịch bệnh.

Sau đợt dịch, xã Hoa Thủy rút ra nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích. Trước hết, Nhà nước cần có chế tài quy định chặt chẽ đối với người chăn nuôi gia súc, gia cầm như đăng ký tổng đàn; chấp hành các nghĩa vụ như tiêm phòng, vệ sinh môi trường...; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương... Có như vậy, bà con mới không chủ quan lơ là với công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu dịch xảy ra.

Bên cạnh đó, việc tập huấn riêng về cúm gia cầm H5N1 đối với bà con chăn nuôi vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, khiến nhận thức về dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Chị Nguyễn Thị Tình, trưởng ban Thú y xã khẳng định, bà con thực hiện đầy đủ tiêm phòng viêm gan, dịch tả cho vịt, nhưng chỉ vắc xin ngừa cúm gia cầm H5N1 là không. Bà con một mặt chủ quan với dịch bệnh, một mặt lo ngại vắc xin sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vịt, trong khi chỉ cần nuôi 2 tháng là đã có thể xuất bán. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần kiểm soát và quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt cơ sở cung cấp giống và quá trình kiểm dịch lưu thông loại hàng hóa này.

                                                                         Mai Nhân












 

,
.
.
.