HTX dịch vụ nông nghiệp: Chỗ dựa vững chắc cho xã viên

Cập nhật lúc 07:35, Thứ Sáu, 07/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta phát triển mạnh, nhờ vậy, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp (DVNN) với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất…

Hiện nay, toàn tỉnh có 283 HTX, với tổng số 135.799 xã viên, trong đó có 134 HTX dịch vụ nông nghiệp, 38 HTX tiểu thủ công nghiệp, 12 HTX thương mại - dịch vụ, 7 HTX thủy sản, 16 HTX xây dựng, 8 HTX giao thông - vận tải, 21 quỹ tín dụng nhân dân, 47 HTX dịch vụ điện.

Những năm qua, các HTX DVNN đã giúp người nông dân thực hiện 14 khâu dịch vụ sản xuất, đó là: làm đất, cây giống, con giống, thú y, bảo vệ thực vật, thủy lợi, khuyến nông - khuyến lâm, bảo vệ đồng ruộng, phơi sấy, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng và dịch vụ khác.

Nhờ hoạt động hiệu quả các khâu dịch vụ, năm 2011, HTX DVNN có vốn hoạt động trên 174 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2005; doanh thu đạt 90 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm 2005. Từ khi thực hiện Luật HTX đến nay, đa số HTX DVNN phát huy vai trò sản xuất cho kinh tế hộ, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đáp ứng được các khâu cơ bản của dịch vụ sản xuất nông nghiệp.

Làm đất, một trong những khâu dịch vụ sản xuất quan trọng.
Làm đất, một trong những khâu dịch vụ sản xuất quan trọng.

Ông Võ Văn Thắng, Chủ nhiệm HTX DVNN Mỹ Lộc Thượng (An Thủy, Lệ Thủy), một trong những HTX DVNN ăn nên làm ra của tỉnh cho biết: Về khâu dịch vụ làm đất, Ban quản trị HTX tính toán đơn giá làm đất, trình đại hội đại biểu xã viên, đại hội đồng ý giao lại cho Ban quản trị HTX điều hành. HTX mời các hộ có máy cày họp để thông qua đơn giá làm đất. Việc điều hành chung của khâu làm đất nhằm tạo ra sự thống nhất, bảo đảm tiến độ để xã viên xuống giống đúng lịch thời vụ.

Nhờ vậy, với 9 chiếc máy cày hiện có, HTX Mỹ Lộc Thượng đã đáp ứng yêu cầu về sản xuất cho bà con xã viên một cách tích cực nhất. Ngoài ra, HTX Mỹ Lộc Thượng còn có dịch vụ cho vay vốn, làm giảm khó khăn, tạo điều kiện phát triển sản xuất cho các hộ nghèo.

Để nâng cao chất lượng sản xuất, HTX DVNN đã hướng dẫn các hộ sản xuất theo quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, góp phần quan trọng vào tăng sản lượng lương thực của tỉnh. Một số nơi đang mở ra hướng dịch vụ, kinh doanh tổng hợp, xúc tiến thành lập HTX trang trại, HTX sản xuất rau sạch. Các HTX năng động, thích ứng tốt trong cơ chế mới, mở rộng thêm nhiều ngành nghề nhằm đa dạng các hình thức hoạt động, tăng thêm nguồn thu từ dịch vụ, trở thành những HTX điểm của tỉnh như: HTX Đại Phong, Tuy Lộc, Mỹ Lộc Thượng, Mỹ Lộc Hạ (huyện Lệ Thủy); Thống Nhất (huyện Quảng Ninh)...

Đặc biệt, HTX DVNN Thượng Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy) đã thực hiện dồn điền, đổi thửa phù hợp với nguyện vọng của xã viên, tránh lãng phí diện tích đất và thuận lợi hơn trong thâm canh; đưa cơ giới hóa vào sản xuất, bảo đảm chất lượng dịch vụ, thời vụ gieo trồng; chú trọng đến giống cây trồng và vật nuôi.

Trong những năm qua, HTX Thượng Phong đã tiếp nhận và ứng dụng các mô hình như: lúa có năng suất chất lượng cao, trồng lạc có che phủ ni lon, lạc mật độ dày cho năng suất cao, nuôi cá trên ruộng lúa, trồng cây vụ đông... HTX cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn giúp xã viên sớm tiếp cận khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2011 tổng doanh thu của HTX là 4,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/năm/người. Trong sản xuất đã xuất hiện nhiều xã viên làm ăn, kinh doanh giỏi có thu nhập cao, như gia đình anh Phạm Hữu Cường, làm nông nghiệp kết hợp kinh doanh dịch vụ, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; anh Võ Văn Thu, chăn nuôi vịt đàn, làm trang trại, thu nhập khoảng 70 - 100 triệu đồng/năm; gia đình anh Trần Đăng Vẹ, nuôi trâu, làm ruộng và tham gia làm dịch vụ cày đất, mỗi năm thu nhập trên 80 triệu đồng.

“HTX là nhân tố hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, không chỉ riêng ở Thượng Phong mà ở những nơi khác cũng vậy. Không có HTX thì đời sống người nông dân sẽ vô cùng khó khăn”, ông Võ Văn Khinh, Chủ nhiệm HTX DVNN Thượng Phong chia sẻ.

                                                                               Lê Mai









 

,
.
.
.