Kỳ vọng ở Ka Ai

Cập nhật lúc 14:17, Thứ Năm, 30/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện tại, cuộc sống của người dân bản Ka Ai, (Dân Hóa- Minh Hóa) vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai một số dự án trọng điểm ở đây. Đó sẽ là những kỳ vọng lớn để Ka Ai đổi thay trong một ngày không xa.

Bản nghèo heo hút

Từ quốc lộ 12A nhìn xuống, bản Ka Ai hiện lên với hàng chục ngôi nhà lá còn tạm bợ, tuềnh toàng, ảm đạm trong cơn mưa chiều biên giới. Ka Ai là địa bàn định cư của 66 hộ, 318 nhân khẩu đồng bào dân tộc người Khùa và Mày.

Mặc dù nằm bên quốc lộ 12A, giao thông thuận lợi nhưng đây vẫn là bản được xếp vào hạng nghèo nhất của xã Dân Hoá. Xét cho cùng là do thiên nhiên ở đây rất khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, có độ dốc lớn cùng với đó lối sản xuất của đồng bào còn nhiều lạc hậu. Bởi họ chỉ quen với việc trồng lúa trên nương rẫy. Có thu hoạch được hạt lúa về nhà hay không thì cũng chỉ biết "cầu trời". Chính vì thế mà các hộ dân ở bản Ka Ai mỗi năm có 6 tháng phải trông chờ vào gạo cứu đói của Chính phủ, còn lại là tránh "đứt bữa" bằng cơm trộn sắn, ngô ăn với rau rừng.

BĐBP Quảng Bình thí điểm trồng cây lúa nước ở Ka Ai.
BĐBP Quảng Bình thí điểm trồng cây lúa nước ở Ka Ai.

Không chỉ đói ăn mà đời sống tinh thần của đồng bào Mày, Khùa ở bản Ka Ai vẫn còn nhiều thiếu thốn. Đã có thời gian dài, người dân ở đây phải thay nhau để được nằm trong một tấm chăn khi mùa đông về. Suốt cả mùa rét buốt, phần lớn người dân phải chịu cảnh ngủ ngồi bên những bếp lửa không được phép tắt. Không chỉ khó khăn về đời sống vật chất, nơi đây vẫn còn một số hủ tục lạc hậu ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Họ vẫn tin vào sự tồn tại của con ma rừng. Dân bản vẫn cúng ma khi có thành viên trong gia đình ốm đau, bệnh tật...

Thượng tá Phan Thanh Tâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cho biết: Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã tổ chức một tổ công tác địa bàn ở bản Ka Ai để nắm tình hình an ninh trật tự và có nhiệm vụ triển khai các hoạt động giúp dân. Nhưng phải nói thật, để cuộc sống của đồng bào có sự thay đổi, đột phá thì không thể là chuyện ngày một, ngày hai. Trước đây cũng có một số ban, ngành, đoàn thể địa phương đã cố gắng triển khai một số mô hình phát triển kinh tế ở Ka Ai như: giúp đồng bào chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả... nhưng đã không đạt được kết quả như mong đợi.

Hướng đi mới cho bản Ka Ai

"Ka Ai sẽ đổi thay trong một ngày không xa" - Đó là khẳng định của đại tá Hồ Thái Sơn, Chính ủy BĐBP tỉnh với chúng tôi trong một chuyến công tác lên vùng biên giới này. Bởi trong thời gian tới, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ triển khai một số biện pháp căn cơ ở bản làng của đồng bào Khùa, Mày vốn còn nhiều khó khăn này. Ở đây, sẽ có Trạm xá quân dân y kết hợp, nhiều hộ gia đình sẽ có nhà mới, kiên cố để ở, cải tạo diện tích đất rộng lớn để nhân dân sản xuất.

Trước đây với nguồn vốn từ Chương trình 134 và 135 của Chính phủ đã giúp bản Ka Ai xây dựng được một số ngôi nhà kiên cố cho nhân dân. Thế nhưng vẫn còn một số hộ gia đình vẫn phải sống trong những ngôi nhà tạm. Sắp tới, Chương trình nghĩa tình Trường Sơn, Báo Sài gòn giải phóng và sự đầu tư của BĐBP tỉnh, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ làm 14 căn nhà kiên cố cho các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quan trọng hơn, ở đây sẽ có một Trạm xá quân dân y kết hợp để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào.

Thượng tá Phan Thanh Tâm cho biết thêm. Hiện đơn vị chúng tôi trồng lúa nước thí điểm ở đây. Nếu thành công thì sẽ tiếp tục khai hoang nhân rộng. Đại tá Hồ Thái Sơn cũng phấn khích: "Đất ở đây có vẻ "ngon" hơn ở Cà Xèng đấy, rễ của cây lúa cũng ăn sâu hơn. Vùng đất này cũng bằng phẳng hơn, dễ cải tạo hơn nhiều". Lại nhắc đến Cà Xèng, đó là nơi mà BĐBP tỉnh ta đã rất thành công trong việc giúp đồng bào Rục trồng thành công cây lúa nước. Và cây lúa nước đang giúp đồng bào từng ngày rời xa cái đói của họ vốn tồn tại từ bao đời nay. Quan trọng hơn, sau những mùa vụ đầu tiên được BĐBP hướng dẫn, hiện nay ruộng lúa nước ở Cà Xèng đã được giao cho nhân dân tự canh tác, sản xuất.

"Theo tính toán của chúng tôi, nước sẽ được dẫn về từ đầu nguồn con suối Ka Ai vừa phục vụ sinh hoạt cho dân bản, vừa bảo đảm cung cấp tưới cho cánh đồng lúa", đại tá Sơn khẳng định chắc nịch. Nếu như các dự án trên được triển khai thì đó sẽ là hướng đi mới cho bản Ka Ai. Và chắc chắn, Ka Ai sẽ thay đổi trong một ngày không xa...

                                                                      Xuân Vương
 



 

,
.
.
.