Cầu Nhật Lệ 2, điểm nhấn phát triển đô thị về phía đông

Cập nhật lúc 07:51, Thứ Năm, 30/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Không nói quá khi chiếc cầu tương lai sẽ mang trọng trách lớn lao là cú hích, là điểm nhấn cho phát triển đô thị du lịch về phía đông của thành phố Đồng Hới. Bởi nó sẽ là nhịp nối thành phố Đồng Hới hiện hữu với cả một vùng đất đầy tiềm năng đang khát khao đầu tư, khát khao khai phá để biến cát thành vàng bên kia sông Nhật Lệ, để Bảo Ninh trở thành một mảng lớn trong cấu trúc đô thị loại 2 của thành phố Đồng Hới...
 

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đang khảo sát hướng tuyến đường trục đông-tây đi qua cầu Nhật Lệ 2.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đang khảo sát hướng tuyến đường trục đông-tây đi qua cầu Nhật Lệ 2.

Sau chẵn 10 năm, một chiếc cầu thứ hai mới lại được khởi công ngay trên dòng sông Nhật Lệ, đoạn qua thành phố Đồng Hới. Vâng, cách đây 10 năm, vào một ngày hè nắng lửa, cầu Nhật Lệ đã được khởi công trong niềm hân hoan của người dân thành phố Đồng Hới và nhân dân cả tỉnh. Còn với người dân Bảo Ninh, niềm vui được nhân lên gấp bội.

Cầu Nhật Lệ (và từ đây gọi cầu hiện có là Nhật Lệ 1) là ước mơ ngàn đời của người dân trên bán đảo bên kia sông. Sự cách đò trở giang lâu nay đã làm cho vùng đất này trở thành “vùng sâu, vùng xa” là nỗi ám ảnh của những ai phải về đây công tác. Cũng chỉ mới cách đây mười năm không ít giáo viên khi được phân công sang Bảo Ninh dạy học đã phải bật khóc tức tưởi, chuyện bây giờ kể lại như là... cổ tích. Dòng sông dù đẹp đẽ, nên thơ như tên gọi của nó, nhưng đó cũng là ranh giới của sự thua thiệt phía bên những cồn cát trắng...

Ngày khởi công cầu Nhật Lệ, bên kia cũng chỉ là những cồn cát trắng, những ngôi nhà đủ che nắng mưa, những bãi biển biếc xanh nhưng thưa thớt bóng người... Cơ ngơi sầm uất cuả Tập đoàn Trường Thịnh đang hiện hữu trước biển, lúc ấy có chăng chỉ mới nằm trong ý tưởng của chủ đầu tư. Và chỉ khi chiếc cầu này được khởi công xây dựng, ý tưởng đó mới hiện hình, những viên gạch đầu tiên đặt xuống trên vùng cát trắng xoá trong sự nghi hoặc của bàn dân thiên hạ...

Trong gần một thập kỷ qua, nói chính xác là hơn 8 năm đi vào hoạt động, cầu Nhật Lệ 1 đã làm tròn trọng trách nối đôi bờ và là “cú hích” cho Bảo Ninh khởi đầu của hành trình biến cát thành... vàng. Những đổi thay đến kỳ lạ bên kia dòng Nhật Lệ, không chỉ một resort mà hàng loạt biệt thự, nhà hàng sang trọng, những bãi tắm hút hồn du khách...đang ngày một chen dày trên cát.

Trong sự chuyển động đến khó dự đoán đó, các nhà quản lý đã nhận thấy những đặc điểm nổi trội của bán đảo cát, vì vậy công tác quy hoạch chi tiết đã được hoàn thiện để phát huy và nâng cao lợi thế của vùng đất này. Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đồng Hới do Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản thực hiện đã nhấn mạnh việc xây dựng các đô thị mới trên vùng cát Bảo Ninh với hàng loạt resort ven biển, khu nghỉ dưỡng, cây xanh, hồ nước... Vùng đất ở Bảo Ninh với diện tích 1630 ha sẽ tạo bước phát triển thành phố về phía đông, một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển du lịch biển, một lợi thế của các tỉnh duyên hải miền Trung của đất nước...

Vâng, khó có nơi nào như ở đây thuận lợi cho đầu tư phát triển du lịch. Một vùng cát trắng, bờ biển dài quyến rũ, nước xanh trong gần như quanh năm, khí hậu mát mẻ, trong lành... Cùng với những lợi thế trên, vùng đất này có một diện tích rất lớn khoảng 500ha gần như hoang hoá, là một lợi thế trong đầu tư tránh được công việc nặng nhọc, tốn kém và mất nhiều thời gian là giải phóng mặt bằng. Và cùng với đó phát triển đô thị trên cát sẽ là cơ hội để triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu vừa tiết kiệm đất nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.

Trong quy hoạch của Công ty Nikken Sekkei vừa nói ở trên, có đến 3 chiếc cầu vượt sông Nhật Lệ đoạn qua thành phố. Không phải người Nhật tiện tay vẽ ra như vậy, mà đó là tất yếu của sự phát triển khi thành phố Đồng Hới vươn về phía đông, hướng ra biển. Đó là những chiếc cầu trên 3 trục liên kết đông- tây nối liền giữa các vùng của thành phố với bờ biển phía đông, với những trung tâm nghỉ dưỡng, khu đô thị mới... Không những thế, cầu Nhật Lệ 2 sẽ kết nối với tuyến đường ven biển, chạy song song với Quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, sắp tới sẽ đầu tư, tạo nên mạng lưới giao thông ven biển, góp phần bảo đảm và tăng cường quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn...

Mô hình cầu Nhật Lệ 2.
Mô hình cầu Nhật Lệ 2.

Từ tháng 02-2010, trong chuyến vào thăm và làm việc tại tỉnh ta, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép tỉnh ta đầu tư xây dựng cầu Nhật Lệ 2.  Điều băn khoăn là chiếc cầu thứ hai này sẽ như thế nào? Tất nhiên nó không thể là “bản sao” của cầu Nhật Lệ 1. Cũng phải nhắc lại lúc xây dựng cầu Nhật Lệ 1 đã có nhiều ý kiến, rằng phải làm thật “hoành tráng” ít nhất là phải rộng đủ 4 làn xe...

Nhưng cái nghèo trì kéo cái khôn, sức chúng ta không thể “hoành tráng” được nên đành phải chấp nhận một chiếc cầu “bình dân” như hiện tại. Có người “lãng mạn” hơn và cũng để an ủi nhau (lúc ấy) rằng sau này xây cây cầu khác ta sẽ cố gắng làm đẹp hơn. Còn lúc này, dẫu chưa giàu có nhưng tiềm lực của chúng ta đã có bước tiến vượt bậc so với một thập kỷ trước, hơn nữa trọng trách của Nhật Lệ 2 đã khác nhiều với Nhật Lệ 1.

Không chỉ chia sẻ với cây cầu cũ về giao thông, tạo sự thông suốt, thuận tiện khi đi lại từ đông sang tây và ngược lại, mà Nhật Lệ 2 còn là là biểu tượng của quá trình đổi mới đi lên của tỉnh, là điểm nhấn cảnh quan, là thương hiệu cho du lịch biển của thành phố Đồng Hới. Đấy là những lý do để chúng ta có thể mơ ước Nhật Lệ 2 phải như cầu Trần Thị Lý trên sông Hàn, hay một Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn hoặc hoành tráng như cầu Bãi Cháy của tỉnh Quảng Ninh ở phía bắc...

Hiểu được tầm vóc của cây cầu và đọc được tâm tư nguyện vọng của người dân và những ai quan tâm đến sự phát triển của thành phố Đồng Hới hôm nay và mai sau, lãnh đạo tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải đã có nhiều trăn trở sau khi Thủ tướng Chính phủ đã bút phê cho phép xây dựng chiếc cầu có nhiều trọng trách này. Trong Nghị quyết 05 của Tỉnh uỷ về phát triển thành phố Đồng Hới đã nhấn mạnh đến xây dựng cầu Nhật Lệ 2. Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm vóc cầu Nhật Lệ 2 và chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải bằng mọi cách để có cây cầu đúng tầm, thực sự là điểm nhấn cho phát triển thành phố...

Với tầm quan trọng đó, một cuộc thi kiến trúc bài bản đã diễn ra. Có nhiều phương án của các đơn vị tư vấn có thương hiệu lớn đưa ra, bao gồm các kết cấu dây văng một trụ tháp, hai trụ tháp; kết cấu vòm thép, vòm bê tông chạy dưới, chạy trên; kết cấu đúc hẫng cân bằng... Cuối cùng mẫu cầu đẹp, phù hợp, thực sự tạo nên điểm nhấn cho thành phố từ phía nam đã được trao giải nhất thuộc về Công ty CP tư vấn xây dựng 533, Tổng công ty XDGT V, Bộ GT-VT.

Nhiều resort đang mọc lên trên vùng đất cát Bảo Ninh.
Nhiều resort đang mọc lên trên vùng đất cát Bảo Ninh.

Trên cơ sở phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc và Quyết định đầu tư xây dựng cầu Nhật Lệ 2 của UBND tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải, chủ đầu tư công trình đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình cầu Nhật Lệ 2.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết, đây là công trình cầu đường bộ, cấp 1, vĩnh cửu, kết cấu nhịp chính là cầu dây văng một trụ tháp, gồm 2 nhịp, chiều dài mỗi nhịp là 150 mét, có tháp cầu cao 98 mét dạng chữ A, hệ thống dây văng bố trí hình rẽ quạt 2 mặt phẳng dây đối xứng qua tim dọc cầu; nhịp dẫn bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; trong tải thiết kế HL-93, tĩnh không thông thuyền H > 7 mét, B > 50m; mặt cầu gồm 4 làn xe cùng dải an toàn và lề đường với bề rộng 23,6 mét; tổng chiều dài toàn cầu là 515,2 mét, đường nối cầu dài 1.783 mét, kết cấu mặt đường cấp cao A1, tổng mức đầu tư 936,6 tỷ đồng, nối từ phường Phú Hải qua xã Bảo Ninh.

Và ngày khởi công đã định vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nô nức kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Những đơn vị mạnh trong ngành giao thông lại tiếp tục đảm trách thực thi công việc hệ trọng này.

Đó là Công ty cầu 12 thuộc Thuộc Tổng công ty xây dựng giao thông I, Bộ Giao thông-Vận tải. Đơn vị này là “người quen”, bởi những người thợ của công ty  đã “nếm mật nằm gai” trên dòng Nhật Lệ  tám trăm ngày có lẻ để xây Nhật Lệ1. Là Công ty CP Tổng công ty XDCT Đường Sắt, một đơn vị lâu nay tham gia nhiều công trình lớn về cầu, đường trên địa bàn tỉnh. Về xây dựng cầu dẫn và đường hai đầu cầu có sự góp mặt của các doanh nghiệp quen thuộc trong tỉnh đó là Tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP Đầu tư Thương mại Miền Trung...

Sẽ còn bộn bề khó khăn ở phía trước, nhưng với ý nghĩa lớn lao của công trình trọng điểm, nhất định chúng ta sẽ vượt qua và sớm có chiếc cầu hiện đại, tạo điểm nhấn cho đô thị trẻ vươn dậy.

Một số thông tin chính về cầu Nhật Lệ 2


- Cấp quyết định đầu tư: UBND tỉnh Quảng Bình.
- Chủ đầu tư: Sở Giao thông vận tải QB.
- Đại diện CĐT: BQLDA khu vực chuyên ngành GTVT QB.
- Tư vấn thiết kế: Công ty CP TVXD 533.
- Tư vấn giám sát: BQLDA khu vực chuyên ngành GTVT QB.
 Các đơn vị thi công:
- Cầu chính: Liên danh Công ty CP cầu 12 và Công ty CP Tổng công ty CP Đường Sắt.
- Cầu dẫn: Công ty CP ĐTXDTH và TM Miền Trung.
- Đường dẫn hai đầu cầu: Tập đoàn Sơn Hải.
Quy mô cầu:
- Trọng tải thiết kế: HL 93; đoàn người 3,0 KN/m2.
- Tần suất thiết kế: P= 1%.
- Cấp động đất: Cấp VII (theo thang MSK- 64).
-Tĩnh không thông thuyền: H>= 7,0 m; B= 50 m.
- Bề rộng cầu B=23,6 mét; chiều dài cầu L= 515,2 mét.
- Tổng mức đầu tư 936,5 tỷ đồng.
-Thời gian thực hiện 3 năm.

                                                                            Văn Hoàng











 

,
.
.
.