Hoạt động khai thác khoáng sản và những hệ lụy - Kỳ 2: Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản

Cập nhật lúc 07:59, Thứ Hai, 27/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Khoáng sản là nguồn tài nguyên không thể tái tạo và ngày càng trở nên khan hiếm do quá trình khai thác và sử dụng. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, ngoài việc sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản thì đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác và sau khi kết thúc là những việc làm hết sức cần thiết...

>> Kỳ 1: Thực trạng hoạt động khai thác khoáng sản

Gắn khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường

Hoạt động quản lý, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ không ít những tồn tại và bất cập. Vì vậy, việc gắn khai thác khoáng sản với bảo vệ, phục hồi môi trường là hoạt động cấp thiết, cần sự chung tay góp sức của nhiều người và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh.

Một thực tế hiện nay là không dễ dàng kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế- xã hội với bảo vệ môi trường, giữa khai thác và sử dụng một cách hiệu qủa nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo nhiều chuyên gia, khai thác khoáng sản làm mất đi vĩnh viễn nguồn tài nguyên không tái tạo, làm suy thoái, cạn kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên sinh học. Bởi sau khi khai thác, môi trường vùng mỏ hầu như không thể hoàn nguyên và phục hồi vì đòi hỏi công nghệ và đầu tư chi phí lớn.

Tuy vậy, nếu quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản ngay từ khâu cấp phép, có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư một cách nghiêm túc, nhất là khai thác, sử dụng triệt để nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác, chế biến thì việc phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản sẽ ít gặp trở ngại và được quan tâm đầu tư hơn.

Công ty cổ phần XNK Quảng Bình đã trồng hàng nghìn cây xanh sau khai thác titan ở Sen thủy (Lệ Thủy)
Công ty cổ phần XNK Quảng Bình đã trồng hàng nghìn cây xanh sau khai thác titan ở Sen thủy (Lệ Thủy).

Một trong những điển hình của việc khai thác khoáng sản gắn liền với bảo vệ môi trường là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình. Doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên nhiều mỏ, trong đó mỏ khai thác, chế biến titan sa khoáng tại thôn Bàu Dum, xã Sen Thủy (Lệ Thủy) có diện tích tương đối lớn (24 ha) và trữ lượng được cấp là 5.000 m3.

Bên cạnh khai thác khoáng sản đem lại hiệu quả kinh tế, doanh nghiệp đã chú trọng hoạt động bảo vệ môi trường, môi sinh trong quá trình khai thác nên đã giảm thiểu tác động đến môi trường. Đến nay, hàng nghìn cây xanh đã được doanh nghiệp trồng và phủ kín những đồi cát trắng của vùng cát Sen Thủy.

Như vậy, trong khi một số doanh nghiệp chậm trễ trong việc phục hồi môi trường sau khi khai thác khoáng sản thì vẫn có nhiều doanh nghiệp đã có những động thái tích cực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong khai thác khoáng sản và hoàn nguyên theo đúng quy định.

Chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản

Ông Đặng Văn Hòa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thì  việc cấp phép khai thác khoáng sản cần phải đặt lên hàng đầu tiêu chí hiệu quả đóng góp vào ngân sách nhà nước, địa phương, đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống dân cư trên địa bàn. Đồng thời, cơ quan chức năng ban hành cơ chế thu hút công nghệ cao về chế biến khoáng sản và thực hiện nghiêm túc các quy định trong quá trình cấp phép khai thác để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn khoáng sản cũng như bảo vệ môi trường.

Cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong giấy phép của đơn vị hoạt động khoáng sản. Phối hợp với các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao sự hiểu biết về chính sách pháp luật khoáng sản cho các đơn vị khai thác khoáng sản và nhân dân trong vùng có tài nguyên, khoáng sản. Kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và  xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động khoáng sản không phép trên địa bàn.

Cũng theo ông Đặng Văn Hòa, để ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép cần phải có sự chung tay tích cực của chính quyền địa phương và sự vào cuộc quyết liệt các ngành chức năng. Cụ thể, chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác quản lý khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản trên địa bàn và phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa phương mình. Đồng thời, bộ máy chính quyền ở các địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra các quy định về bảo vệ trật tự công cộng, về quản lý nhân khẩu các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý kịp thời. Cuối cùng, để ngăn chặn lợi ích nhóm, nên tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.

                                                                                    N. L






 

,
.
.
.