Trắc trở Quảng Tiến

Cập nhật lúc 07:55, Thứ Tư, 05/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Quảng Tiến (Quảng Trạch) có đến 459 hộ nghèo, chiếm 42,46%. Vì thế xây dựng nông thôn mới ở Quảng Tiến đang là một hành trình dài đầy thách thức.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cho biết, hiện nay Quảng Tiến chỉ mới đạt 2/19 tiêu chí của xã nông thôn mới là: hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Các tiêu chí khác dự kiến đến năm 2020 mới có thể hoàn thành hết, khó khăn nhất là tiêu chí về giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa.

Trong những năm qua, mặc dù chính quyền địa phương đã rất cố gắng huy động các nguồn lực để xây dựng, tu bổ những con đường của thôn, xã. Tuy nhiên, với địa hình đồi núi, phức tạp, Quảng Tiến gặp rất nhiều khó khăn trong việc quy hoạch giao thông nông thôn.

Hiện tại, toàn xã chỉ có 3,5 km đường được đổ nhựa và bê tông hóa, các tuyến đường khác đều là đường đất đỏ, lầy lội về mùa mưa và bụi mù khi nắng hạn, mặt đường hẹp không bảo đảm khi có 2 xe cùng lưu thông. Ông Phan Đình Chiểu, phụ trách Văn phòng UBND xã Quảng Tiến cho hay: “Việc đi lại trên đường đất, đường núi hàng ngày đã khó khăn, đến mùa mưa lũ, nước tràn ngập đường, nhiều nơi bị sạt lở, việc đi lại rất vất vả, thậm chí có những nơi phải gửi xe đi bộ. Giao thông trắc trở đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất, phát triển kinh tế của toàn xã”.

Những ruộng lúa phải bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất.
Những ruộng lúa phải bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất.

Để thoát nghèo, chính quyền xã Quảng Tiến đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước chuyển đổi cơ cấu, thành phần kinh tế cho phù hợp với điều kiện của địa phương, đẩy mạnh trồng rừng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm 2012, thu nhập về tiểu thủ công nghiệp (làm nón, sản xuất mây tre xuất khẩu) đạt hơn 3 tỷ đồng; chăm sóc rừng tập trung được 115/200 ha (đạt 57,5% kế hoạch), trồng cây phân tán 35.000 cây, có 47 hộ hợp đồng trồng cao su và khai thác nhựa thông; thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đạt gần 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn cao chiếm tới 42,46%, thu nhập bình quân đầu người thấp, khoảng 551.000 đồng/người/tháng. Trăn trở lớn nhất của xã hiện nay vẫn là vấn đề giải quyết việc làm cho người dân. Cả xã 4 thôn, thì đã có 3 thôn làm tiểu thủ công nghiệp, nhưng nhìn chung hiệu quả từ công việc này chưa cao do thị trường tiêu thụ hạn hẹp, chất lượng sản phẩm còn thấp. Về sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nhưng do thiếu nước trầm trọng nên một năm chỉ làm được một vụ với diện tích khoảng 35 ha. Vì vậy tỉ lệ lao động nhàn rỗi, thiếu việc làm của xã còn nhiều, khoảng 160 người, chiếm 9,93% tổng số người trong độ tuổi lao động.

Đặc biệt mỗi khi mùa mùa đến, 4.069 người dân Quảng Tiến còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Người dân ở đây cho biết: Nhiều nơi đào giếng sâu đến 20m vẫn không có nước, vùng gần khe suối có nước thì lại bị đục hoặc phèn nên không dùng được, phải vận chuyển nước ở các thôn khác rất vất vả và mất thời gian, thậm chí nhiều hộ dân ở thôn Văn Hà còn phải mua nước với giá 100.000đồng/m3.

Bên cạnh đó, vấn đề về cơ sở hạ tầng của Quảng Tiến cũng còn nhiều hạn chế. Về giáo dục, xã đã có Trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1; tuy nhiên cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, một số khu vực lẻ, phòng học thiếu và đang xuống cấp trầm trọng. Về y tế, đạt chuẩn quốc gia về chăm sóc sức khoẻ của người dân nhưng trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, đang là mối quan tâm, lo lắng của chính quyền xã. Không chỉ thế, xã Quảng Tiến đang rất trăn trở về vần đề xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể dục, thể thao... cho các thôn, nhất là khi xã tách ra thành 7 thôn.

Ông Hoàng Văn Thắng cho hay: “Xã hiện có 4 thôn, với số hộ dân khá đông (có thôn gần 400 hộ dân) và ở trên diện tích rộng, rất khó khăn trong việc quản lý. Do đó, trong đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã quyết định tách thành 7 thôn. Tuy nhiên, khi tách thôn, xã sẽ gặp bài toán nan giải trong việc đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng về nhà văn hóa, sân thể thao, đất đai... cho các thôn mới”.

                                                                                Lê Mai



 

,
.
.
.