.

Đổi thay ở một vùng quê cách mạng

.
10:05, Thứ Sáu, 31/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Chúng tôi về Tân Thủy (Lệ Thuỷ) vào những ngày tháng Tám này, được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của  vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Là địa phương không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng nhờ biết phát huy tinh thần đoàn kết, dàm nghĩ dám làm và tranh thủ nhiều nguồn lực, vùng đất nghèo năm xưa nay đã khởi sắc, tạo ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Vùng đất Tân Thuỷ là địa phương có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng. Nơi đây có chi bộ Mỹ Trung là chi bộ Đảng đầu tiên vùng phía nam của tỉnh ta được thành lập từ năm 1931, đó là niềm tự hào lớn lao mà bao thế hệ người dân địa phương mãi mãi khắc sâu.

Từ hạt nhân đỏ của cách mạng này đã nhanh chóng phát triển lan ra thành  phong trào yêu nước rộng lớn, mà đỉnh cao là chi bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Lệ Thủy trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đồng thời làm tiền đề cho sự ra đời của Đảng bộ huyện vào ngày 20-10-1945.

Tâm sự với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tân Thuỷ, Phan Quang Dũng cho biết, vùng đất Tân Thuỷ không có nhiều lợi thế như các địa phương khác trong huyện. Xác định được điều đó nên những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nội lực, chú trọng phát triển kinh tế toàn diện, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Đảng uỷ chọn bước đi và giải pháp thích hợp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đó là, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây có năng suất và giá trị kinh tế cao vào canh tác. Nếu như trước đây sản xuất của xã chỉ dựa vào mấy trăm ha ruộng lúa nước, sản lượng hầu như không tăng qua hàng năm, thì bây giờ nông nghiệp đi bằng "hai chân”: cây lúa và chăn nuôi cùng song hành đua nhau phát triển.

Đường về Tân Thuỷ hôm nay.
Đường về Tân Thuỷ hôm nay.

Nhờ vậy mà giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân trên 8%/ năm. Trong năm 2012, Tân Thuỷ gieo cấy được 723ha lúa, với các loại giống Xuân Mai, PC6, HT1...vụ đông xuân cho năng suất 54 tạ/ha, vụ hè-thu trên 50 tạ/ha, đạt sản lượng lương thực cao nhất từ trước đến nay.  Ruộng đồng Tân Thuỷ không được  màu mỡ, nhưng bà con biết tăng cường đầu tư thâm canh và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nên mấy năm gần đây liên tục được mùa. Đặc biệt, Đảng ủy đã tích cực chỉ đạo thực hiện chương trình kinh tế trọng điểm làm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.

Tân Thuỷ đã tạo được ấn tượng mạnh đối với vùng quê lúa Lệ Thuỷ, đó là mạnh dạn chuyển đổi ruộng lúa kết hợp với nuôi cá và tận dụng tối đa ao hồ để nuôi trồng thuỷ sản. Mô hình lúa cá vụ 3 ở xã mở rộng trên 90ha và 25ha cá ao hồ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tân Thuỷ được xem là địa phương đi đầu trong toàn huyện về nuôi ếch thịt và ếch giống, cho thu nhập cao gấp ba, bốn  lần trồng lúa. Trong 6 tháng đầu năm 2012, nông dân trong xã đã thả nuôi trên 12 vạn con ếch và sản xuất được 150 vạn cá giống, 22 vạn ếch giống bán ra thị trường. Thu nhập từ thuỷ sản hàng năm trên dưới 5 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu nhập ngành nông nghiệp.

Trong năm qua, Tân Thuỷ đã chuyển đổi thêm 9ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay toàn xã có khoảng 150ha có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha/năm. Người đân trong xã ai cũng biết đến trang trại kinh tế tổng hợp của ông Lê Xuân Ngọc, với diện tích không lớn chỉ có 3,5ha nhưng nhờ biết đầu tư nuôi ếch, nuôi cá, gà thả vườn... nên mỗi năm thu hoạch vài trăm triệu đồng.

Tân Thủy có thế mạnh vùng gò đồi. Để khai thác triệt để lợi thế này, trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã khuyến khích trồng cây công nghiệp, trồng rừng kinh tế, xem đó là hướng đi chủ yếu để đưa kinh tế phát triển bền vững. Toàn xã có 508 ha rừng trồng từ dự án Việt Đức và trồng mới được 58 ha cây phân tán, 12 ha cây bản địa, 64 ha cây cao su.

Từ đầu năm 2012 đến nay bà con nông dân đã khai thác được 420 tấn nhựa thông, giá trị thu được trên 6 tỷ đồng, trồng mới 4 ha cây cao su. Tân Thuỷ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy, do vậy hàng năm không để xảy ra tình trạng cháy rừng; tổ chức khai thác rừng vành đai và cây phân tán gần 200ha, doanh thu về lâm nghiệp nhiệm kỳ qua ước đạt 7 tỷ đồng.

Thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, Tân Thuỷ đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Ttrong 12 thôn trong xã, tất cả đều thi đua nhau phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn thịt. Hàng năm tổng đàn gia súc tăng bình quân từ 3-5%, xã duy trì tốt tổng đàn gia súc với khoảng 4.400 con, trong đó đàn trâu 550 con, đàn bò gần 200 con...

Phương thức chỉ đạo của xã không chạy theo số lượng tổng đàn, mà lấy chất lượng chăn nuôi làm mục tiêu phát triển. Từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn xã có xảy ra dịch bệnh gia cầm, nhưng nhờ ngăn chặn kịp thời nên ảnh hưởng không lớn đến phong trào chăn nuôi. Mấy năm gần đây  trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại làm ăn có hiệu quả như mô hình lợn nái ngoại, bò lai sind, gà Ai Cập... Đặc biệt có 15 hộ mạnh dạn đầu tư nuôi thỏ, với gần 500 con, bước đầu thu nhập cao hơn nuôi gà, nuôi vịt. Nhờ vậy mà hiện nay Tân Thuỷ đã đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 34% trong toàn bộ ngành nông nghiệp.

Thực hiện chương trình phát triển CN-TTCN ngành nghề nông thôn, với các hình thức linh hoạt, toàn xã có 120 cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó tiểu thủ công nghiệp có 80 cơ sở, xây dựng có 34 cơ sở còn lại là dịch vụ vận tải, cơ khí nhỏ...góp phần tích cực vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trên địa bàn xã có Công ty TNHH May mặc Hưng Thịnh, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 thanh niên trên địa bàn

Mấy năm qua, Đảng uỷ, UBND xã đã tích cực tìm kiếm các nguồn vốn và phát huy nội lực, đầu tư xây dựng, tu sửa nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, hồ chứa, đê bao, bê tông hóa kênh mương...phục vụ cho sản xuất.  Trong các tháng đầu năm nay, mặc dầu chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng Tân Thuỷ vẫn kêu gọi được sự hỗ trợ từ các nguồn và sự đóng góp của người dân nên đã xây dựng được một số công trình hạ tầng quan trọng như công trình nhà thư viện Trường tiểu học số 2, Trường tiểu học số 1, thi công 1500 m kênh mương, tu bổ đê bao, nâng cấp đường giao thông nông thôn, cổng chào trụ sở UBND xã... với tổng trị giá gần 7 tỷ đồng.

Từ nhiều năm qua, cấp uỷ Đảng cùng phối hợp với Mặt trận xã luôn thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt chương trình hoạt động của địa phương. Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền các nội dung của phong trào nên mỗi khu dân cư, mỗi tầng lớp nhân dân đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Mặt trận xã và các tổ chức thành viên như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... phân loại cụ thể từng đối tượng, từng hộ gia đình, từ đó động viên, giúp đỡ đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế.

Đảng ủy đã tổ chức học tập, triển khai thực hiện các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Thường vụ Đảng ủy đã hướng dẫn và xây dựng 5 chuẩn mực của người đảng viên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nên việc làm theo Bác có sự ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Tân Thuỷ hôm nay dẫu còn đó những khó khăn, thách thức, nhưng những gì mà cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã làm được thực sự là niềm tự hào của vùng quê cách mạng. Qua tâm sự của Chủ tịch UBND xã được biết Đảng bộ và nhân dân trong xã rất tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng. Thông qua đợt sinh hoạt chính trị học tập Nghị quyết TW4 lần này, Đảng bộ và nhân dân Tân Thuỷ có thêm niềm tin để để cùng chung sức chung lòng tiếp tục giành được thắng lợi hơn nữa trên bước đường xây dựng quê hương.

                                                                              Hồng Quân





 

,