Chuyện quản lý:

Giao "trứng" cho con… nợ

Cập nhật lúc 08:00, Thứ Năm, 06/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Công ty A kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, lãnh đạo do muốn “làm ăn lớn” nên thành lập rất nhiều đơn vị thành viên. Nhưng do điều hành sản xuất kinh doanh yếu kém cùng với các nguyên nhân khách quan như lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của Nhà nước nên càng hoạt động lại càng thua lỗ.

Đến khi không gượng được nữa, lãnh đạo công ty bèn áp dụng phương thức bán, cho thuê, giải thể hoặc giao khoán (cho người đứng đầu-N.V)... hầu hết các xí nghiệp thành viên.

Tưởng rằng khi chuyển giao sang các hình thức sở hữu trên, các đơn vị trực thuộc công ty này sẽ “ăn nên làm ra”, đời sống cán bộ, công nhân viên sẽ được bảo đảm, nhưng tất cả đều bị việt vị! Đơn cử, một xí nghiệp thành viên chuyên sản xuất bao bì được chuyển cho một công ty (tạm gọi là công ty B) thuê với giá gần 500 triệu đồng/năm.

Ban đầu người lao động ở xí nghiệp này rất vui mừng vì từ nay công ăn việc làm ổn định, các chế độ sẽ được thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi mọi thứ lại trở về như thuở ban đầu với “nhiều không”, đó là tình trạng không việc làm, không thu nhập, không chế độ... Công nhân không có chốn để neo dừng nên buộc phải bỏ xí nghiệp để mưu sinh.

Còn công ty B sau này mới lộ rõ chân tướng là cũng không “mạnh” như mọi người kỳ vọng khi lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính.

Nghe nói còn bị ngân hàng phong tỏa tài sản để thu hồi nợ vay. Thật là giao “trứng” cho... con nợ vì lãnh đạo công ty A đã không đủ tỉnh táo và thận trọng, đồng thời đặt niềm tin thái quá mà không lường trước sự việc xấu sẽ xảy ra.

Với bài học này, không hiểu lãnh đạo công ty A có biết được bản chất của vấn đề hay chỉ để làm lấy được còn hậu quả thì Nhà nước và người lao động phải gánh chịu?

                                                                                     M. V







 

,
.
.
.