Chinh phục đồng hoang

Cập nhật lúc 13:54, Thứ Hai, 10/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngồi dưới bóng cây tràm, bên đầm sen tỏa ngát, ông Trần Thái Sơn (Quảng Thuận, Quảng Trạch) mở đầu câu chuyện: “Có được như ngày hôm nay, vợ chồng tui phải lăn lộn hơn 20 năm đó, vốn liếng rót vào đây cả mấy trăm triệu rồi”.

Năm 1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tham gia thanh niên xung phong ở các vùng trọng yếu như: phà Gianh, phà Xuân Sơn... Chiến tranh kết thúc, ông trở về địa phương và lập gia đình. Ngoài tham gia sản xuất nông nghiệp ông còn tham gia công tác Đoàn, BQL HTX sản xuất nông nghiệp và HTX mua bán xã Quảng Thuận. Hết thời kỳ bao cấp cũng là lúc ông trở về làm nông dân thực thụ.

Năm 1986, ông mạnh dạn vay tiền của người thân để chăn nuôi vịt. Đầu tiên ông nuôi gần 100 con, một lần nước lũ về, đàn vịt ngược dòng rồi lạc lối. Sợ mất của, cả nhà ông đã lặn lội mấy ngày đêm đi tìm đàn vịt, tưởng chừng như trắng tay. Không ngờ sau mấy ngày nước rút, ông đã tìm được đàn vịt đang ẩn nấp ở giữa vùng đầm lầy hoang hóa toàn cỏ dại, năn lác quá đầu người. Khi đưa đàn vịt trở về cũng là lúc ông phát hiện được tiềm năng ở vùng đồng hoang này.

Một góc đầm sen của ông Trần Thái Sơn.
Một góc đầm sen của ông Trần Thái Sơn.

Ngày đêm trằn trọc suy nghĩ, thế rồi, đầu năm 1988 ông bàn với vợ một mình khăn gói lên đường vào tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để học hỏi cách bờ bao nước kín, chặn dòng nước mặn, cải tạo vùng hoang hóa. Ông quyết định vay mượn người thân gần 10 triệu đồng là một khoản tiền khá lớn so với người nông dân như ông lúc bấy giờ để quyết tâm thực hiện ước mơ. Thời gian gần 1 năm lăn lộn làm thuê, làm mướn ở các tỉnh sông nước  Cửu Long không những ông có thêm được một khoản tiền kha khá mà cơ bản là ông đã học được nhiều điều từ các chủ đầm hồ ở đây.

Trở về, ông bàn với vợ rời làng ra dựng một căn nhà cấp 4 giữa vùng đồng hoang để tìm kế sinh nhai. Những ngày đầu ông thuê 12 công nhân ở làng Thuận Bài đào mương, quai bao và san lấp.

Trước đây, vùng đất này gọi là khu đất lòng chảo hói Cụt, là tọa độ đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ nên có hàng chục hố bom sâu. Miệt mài, cần mẫn với hàng ngàn ngày công trong thời gian hơn 6 tháng ông đã đào được 600m kênh mương, rộng 10m, sâu 2,5m, đắp hàng ngàn m3 đất. Sau khi “đồn điền” tạm ổn ông bắt đầu gây dựng dần từ việc trồng sen thử nghiệm, trồng lúa 1 vụ (lúa nước hai), nuôi vịt, thả cá... với hơn một nửa diện tích, để lấy ngắn nuôi dài.

Năm 1997, thấy được sự đầu tư khá quy mô của ông nên chính quyền địa phương đã tin tưởng hỗ trợ thêm vốn, ông mạnh dạn vay  ngân hàng 100 triệu đồng, mượn anh em, bạn bè được gần 100 triệu đồng nữa để đầu đầu tư sản xuất. Lúc đầu ông thả cá và nuôi vịt ở vùng nước sâu, vùng nước cạn trồng lúa cao sản. Thu nhập những năm đầu chỉ đủ để trả nợ dần, trên bờ ông trồng hơn 3.000 cây tràm hoa vàng do Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Trạch tài trợ giống nhằm chống xói lở và tạo bóng mát cho cá. Sau 4 năm, ông trả hết vốn vay và bắt đầu thu lãi.

Hiện nay, “đồn điền” của ông có khoảng 70.000 m2 trồng sen, thu hoạch mỗi vụ khoảng 40- 50 triệu đồng. Đàn vịt trong thời kỳ đẻ trứng khoảng 250 con và hơn 500 vịt tơ, thu khoảng 3 tấn lúa/1ha/vụ. Thu lợi từ “đồn điền” của ông hàng năm gần trăm triệu đồng.

                                                                          Hành Tiến









 

,
.
.
.