icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Hạ tầng số phải đi trước, đi nhanh"

  • 13:33 | Thứ Ba, 15/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định giải pháp quan trọng là tập trung phát triển hạ tầng số (HTS), nền tảng của phát triển kinh tế số, xã hội số. Tại Quảng Bình, HTS đã và đang được quan tâm đầu tư bằng mọi nguồn lực, từ đó, thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn nhanh và hiệu quả hơn.
 
Viễn thông đi trước, đón đầu
 
Để phát triển HTS, hạ tầng viễn thông chính là cốt lõi. Trong hành trình thực hiện CĐS, các nhà mạng viễn thông là đầu mối quan trọng để chuẩn bị chu đáo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật. Với hơn 5.000km cáp quang, trên 1.300 trạm thu phát sóng di động 2G/3G/4G, hạ tầng mạng lưới của Viễn thông Quảng Bình được đầu tư hiện đại, đồng bộ nhằm bảo đảm phục vụ cho người dân và chính quyền tại 100% các xã, phường với hơn 300.000 thuê bao di động và 175.000 thuê bao băng rộng.
 
Để góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, CĐS trên địa bàn tỉnh, trong các năm gần đây, Viễn thông Quảng Bình đã tăng cường xây dựng và phát triển hạ tầng mạng lưới, phối hợp cùng chính quyền, các sở, ban, ngành liên quan để góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS.
 
Giám đốc Viễn thông Quảng Bình Trần Danh Việt cho biết, dự kiến, VNPT sẽ bổ sung thêm gần 200 trạm di động, phát sóng thử nghiệm 5G trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, VNPT cũng nâng cấp mạng truyền tải nội tỉnh từ 10Gbps lên đến 100Gbps; bổ sung hơn 100km cáp quang băng rộng về tận các thôn, xóm và các khu vực các thôn bản khó khăn, như: Kim Thủy, Ngư Thủy (Lệ Thủy), Trường Sơn (Quảng Ninh), Thượng Trạch (Bố Trạch), Dân Hóa (Minh Hóa)… Đến nay, Viễn thông Quảng Bình cũng đã hoàn thành xây dựng đường truyền số liệu chuyên dùng về 100% các xã và hơn 160 kênh truyền cơ sở dữ liệu của Bộ Công an.
 
Không chỉ Viễn thông Quảng Bình, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực đầu tư mở rộng mạng lưới với công nghệ hiện đại phục vụ đến tất cả các địa bàn.
Viễn thông Quảng Bình lắp đặt hạ tầng mạng lưới cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Viễn thông Quảng Bình lắp đặt hạ tầng mạng lưới cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Thanh Tân, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) khẳng định: Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã luôn tập trung đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nhu cầu thông tin của nhân dân. Hạ tầng viễn thông băng rộng di động, cố định đã được VNPT, Viettel tập trung đầu tư phát triển tại 151/151 xã, phường, thị trấn. Việc phổ cập dịch vụ truy cập internet băng rộng tốc độ cao đến các cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học, hộ gia đình được các doanh nghiệp viễn thông không ngừng tập trung đầu tư, thực hiện.
 
Hiệu quả bước đầu
 
Thời gian qua, các hội nghị trực tuyến của Trung ương, của tỉnh đã được truyền về tận từng xã, phường, bảo đảm kết nối thông suốt. Để có được kết quả này, hệ thống hội nghị truyền hình chuyên dùng của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, hiện đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng ứng dụng đến 151/151 xã, phường, thị trấn. Các huyện, thị xã, thành phố được phân quyền nhằm chủ động khai thác hệ thống để tổ chức các cuộc họp với các xã, phường, thị trấn trực thuộc.
 
Tháng 1/2022, TP. Đồng Hới đã đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Đây được coi là “bộ não số”, là một trong những giải pháp trọng tâm, thực hiện CĐS, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn. Đến nay, TP. Đồng Hới đã đưa vào vận hành hiệu quả các phân hệ của đô thị thông minh, như: Phần mềm công dân thông minh; hệ thống giám sát, điều hành giao thông; hệ thống giám sát an ninh công cộng; phần mềm giám sát thông tin báo chí và truyền thông; cổng thông tin phản ánh hiện trường...
 
Đặc biệt, đã khai thác có hiệu quả ứng dụng công dân thông minh “Donghoi Smart City” trên điện thoại di động để cung cấp kênh giao tiếp với người dân. Đến nay, đã có hơn 33.000 lượt tải ứng dụng và tiếp nhận hơn 550 ý kiến của người dân phản ánh gửi về trung tâm điều hành để xử lý và trả lời cho người dân với kết quả đạt tỷ lệ trên 90%.
 
Sở TT-TT cũng đã tích cực triển khai, đưa vào sử dụng chính thức Hệ thống phần mềm tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường của tỉnh. Sau 8 tháng triển khai thí điểm, thông qua trang thông tin tương tác và ứng dụng QUANG BINH-S, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh đã tiếp nhận 306 phản ánh hiện trường, trong đó có 210 phản ánh đã được điều phối đến các cơ quan, đơn vị xử lý.
 
Tại hội nghị Ban Chỉ đạo Tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường tỉnh Quảng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong đã khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình CĐS của tỉnh, là nội dung khó, chưa có tiền lệ. Qua thời gian triển khai thí điểm, người dân, tổ chức đã từng bước tiếp cận và thông qua hệ thống để phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến các cơ quan quản lý. Các cơ quan, tổ chức quản lý cũng đã dần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết các yêu cầu, đề xuất của nhân dân.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh đã tiếp nhận 306 phản ánh hiện trường, trong đó có 210 phản ánh được điều phối đến các cơ quan, đơn vị xử lý.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh đã tiếp nhận 306 phản ánh hiện trường, trong đó có 210 phản ánh được điều phối đến các cơ quan, đơn vị xử lý.
Móng chắc, nhà mới vững
 
HTS được coi là nền móng của CĐS. Nền móng chắc thì nhà mới vững. Quảng Bình đã và đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng HTS, bảo đảm điều kiện để triển khai các nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo báo cáo của Sở TT-TT, đến thời điểm này, Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp theo Pha 1 Dự án CĐS, chính quyền điện tử và đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025.
 
Hiện, trung tâm dữ liệu đã cơ bản bảo đảm hạ tầng, năng lực xử lý, lưu trữ phục vụ các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành của tỉnh và triển khai các hệ thống, ứng dụng mới trong giai đoạn trung hạn. Hệ thống mạng WAN cũng đã hoàn thành đầu tư, triển khai đến 21 sở, ngành cấp tỉnh và 8 UBND cấp huyện, thành phố, thị xã. Sở TT-TT đang phối hợp nghiên cứu bước đầu đưa một số dịch vụ, ứng dụng, phần mềm dùng chung của tỉnh lên khai thác trên hệ thống.
 
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, hệ thống hạ tầng, đường truyền, trang thiết bị bộ phận một cửa của các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản có thể đáp ứng yêu cầu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
 
Tuy nhiên, tại một số đơn vị, địa phương, hệ thống trang thiết bị đã cũ, kết nối mạng còn chưa ổn định làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT chưa bảo đảm cấu hình, số lượng trang thiết bị cần thiết. Số lượng thôn, xóm chưa có dịch vụ internet băng rộng di động mặt đất (3G, 4G…) chiếm tỷ lệ 6,33%. Hệ thống đường truyền, kết nối có lúc thiếu ổn định, gây ảnh hưởng đến hoạt động trên môi trường số của chính quyền và người dân. Việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo mật hệ thống cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết để việc thực hiện CĐS đạt hiệu quả cao hơn.
 
Trong dự thảo Chiến lược HTS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Cục Viễn thông, Bộ TT-TT đề xuất đã khẳng định quan điểm: HTS phải đi trước, đi nhanh, đi cùng nhóm đầu thế giới. Điều đó cho thấy, bất kỳ thời điểm nào, phát triển HTS là nền móng quan trọng để đẩy nhanh tiến độ CĐS quốc gia. Đương nhiên, một khi được coi là nền móng, HTS cần được quan tâm đầu tư đồng bộ và là nhiệm vụ hàng đầu, cần sự chung tay, góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Diệu Hương

tin liên quan

Nghiên cứu mới cho thấy con người có thể sống thọ tới 120 tuổi

Giới khoa học dự báo tuổi thọ của con người có thể tăng lên 100 đến 120 tuổi trong vòng 50 năm tới, hoặc lâu hơn, nhờ sự phát triển công nghệ như trí tuệ nhân tạo và kinh nghiệm có được sau đại dịch.

Trung Quốc thử nghiệm thành công máy dò sự sống bằng radar băng siêu rộng

Các nhà khoa học Trung Quốc đã thử nghiệm thành công máy dò tìm sự sống bằng radar băng thông siêu rộng mới được phát triển.

Cảnh báo lỗ hổng bảo mật trong hệ thống máy tính cơ quan Nhà nước

Tổng lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống kỹ thuật đã ghi nhận hơn 160.170 điểm yếu, lỗ hổng trong các hệ thống máy tính của cơ quan, tổ chức Nhà nước.