Tuyên Hóa: Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục

  • 09:15 | Thứ Sáu, 15/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT - Những năm qua, ngành giáo dục (GD) huyện Tuyên Hóa đã nỗ lực vượt khó, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước số hóa trong quản lý, giảng dạy. Thực hiện chuyển đổi số (CĐS) đã giúp cho chất lượng GD của huyện ngày càng được nâng cao, học sinh (HS) từng bước tiếp cận tri thức của thời đại 4.0.
 
Thực hiện nhiệm vụ CĐS, Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Tuyên Hóa đã tiếp cận các văn bản chỉ đạo của cấp trên và triển khai đến các trường học trên địa bàn. Nhờ đó, các hoạt động trao đổi thông tin qua hộp thư điện tử giữa phòng với nhà trường; giữa ban giám hiệu nhà trường với các tổ chuyên môn và giáo viên (GV) được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Các trường học tích cực ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu của ngành, như: Trang quản lý điểm, phần mềm quản lý dinh dưỡng, quản lý thư viện, thiết bị, tài chính, phổ cập, hồ sơ cán bộ trực tuyến… phục vụ cho việc quản lý, dạy và học. 
Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường THCS thị trấn Đồng Lê.
Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường THCS thị trấn Đồng Lê.
Hiện, 100% trường học tại huyện Tuyên Hóa đã triển khai hệ thống hồ sơ điện tử có chứng thư số đến cán bộ quản lý, GV. Riêng cấp THCS đã thực hiện hồ sơ số GD đạt 100%; 100% các trường sử dụng đường truyền kết nối internet băng thông rộng, có website hoạt động hiệu quả; 100% trường sử dụng hệ thống email và hệ thống quản lý văn bản để nhận thông tin. Việc khai thác, sử dụng có hiệu quả kho bài giảng e-Learning, trang mạng trường học đã phục vụ nhu cầu tự học của HS và đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của GV.
 
Trang website của ngành và các đơn vị đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của GV, HS và người dân. Đến nay, 100% trường tiểu học (TH), TH-THCS, THCS tại huyện Tuyên Hóa đã sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; quản lý điểm, quản lý thư viện, thiết bị... trên các phần mềm trực tuyến; 100% văn bản đi, đến đều được thực hiện trên hệ thống quản lý văn bản; 100% các đơn vị thực hiện báo cáo dữ liệu bằng các phần mềm…
 
Trường THCS thị trấn Đồng Lê là một trong những ngôi trường thực hiện CĐS hiệu quả nhất ở huyện Tuyên Hóa. Nhà trường có 14 lớp, 528 HS, 33 cán bộ, GV, nhân viên. Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Đồng Lê Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT, số hóa công tác quản lý, giảng dạy, UBND huyện đã đầu tư cho nhà trường hệ thống máy chủ, đường truyền internet, wifi, ti vi thông minh ở tất cả các phòng học, phòng chuyên môn. Các phần mềm quản lý cán bộ GV, HS cũng được nhà trường thực hiện đồng bộ”.
 
Đến nay, đội ngũ cán bộ, GV nhà trường cơ bản sử dụng thành thạo các phần mềm, trang web của nhà trường để ứng dụng vào dạy học và quản lý hồ sơ các loại. Ngoài ra, trường còn ứng dụng các trang mạng xã hội, như: Zalo, facebook để tạo các nhóm trao đổi thông tin về công việc giữa nhà trường, HS và phụ huynh… Các trang mạng của trường cũng đã đăng tải thông tin, truyền thông hoạt động hiệu quả. Tất cả lớp học đều có ti vi thông minh, nhiều tiết học được dạy bằng giáo án điện tử nên HS ngày càng hứng thú, dễ tiếp thu bài hơn.
 
Cô giáo Lê Thị Mai Hóa, GV dạy tiếng Anh của nhà trường tâm sự. “Nếu như trước kia, với phương pháp dạy truyền thống chỉ với sách giáo khoa, bảng đen và những dòng chữ khô cứng thì nay công nghệ CĐS và các thiết bị hiện đại đã "làm mới" tiết học. Bài giảng được GV chuẩn bị bằng giáo án điện tử với nhiều hình ảnh phong phú, sinh động, tạo sự hấp dẫn, thu hút HS hơn. Riêng môn Tiếng Anh, nhờ các phần mềm hỗ trợ nên HS được nghe, nói, thực hành nhiều hơn trước…”.
 
Em Lê Hoàng Long, HS lớp 6.5, Trường THCS thị trấn Đồng Lê bộc bạch: “Em thấy hình ảnh, clip và giáo án điện tử của thầy cô đưa lên tiết dạy vô cùng sinh động, giúp chúng em dễ tiếp thu bài và hứng thú học hơn so với trước. Giờ đây, việc học tiếng Anh không còn là trở ngại của em và các bạn. Bởi có các phần mềm hỗ trợ nên chúng em rất thích môn học này và có thể học được mọi lúc, mọi nơi”.
 
Năm 2023, tổng kinh phí thực hiện CĐS trong ngành GD huyện Tuyên Hóa đạt trên 4,1 tỷ đồng và dự kiến năm 2024 là trên 3,6 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Phòng GD-ĐT huyện sẽ chỉ đạo các trường phát triển hạ tầng CNTT đẩy mạnh nhiệm vụ CĐS; phấn đấu đạt tỷ lệ văn bản trao đổi giữa phòng với các cơ sở GD, cơ quan, đơn vị ngoài ngành đạt trên 100% (trừ văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước); trên 90% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cơ quan phòng, trên 70% tỷ lệ hồ sơ công việc tại các cơ sở GD được xử lý trên môi trường mạng…”, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuyên Hóa Hồ Trung Tuyến cho biết.
Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH-THCS Lâm Hóa có 20 lớp, 286 HS, trong đó có 165 em là người dân tộc thiểu số. Thực hiện việc CĐS, trường đã ứng dụng các phần mềm vào công tác quản lý, điều hành, học tập, họp trực tuyến, kết nối các trang mạng xã hội... nên việc dạy và học ngày càng hiệu quả.
 
Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Hữu Tâm cho biết: "Việc CĐS của nhà trường đã mang đến hiệu quả GD tốt. Không chỉ GV được nâng cao chuyên môn mà HS cũng được thay đổi cách học, cách tiếp cận kiến thức, chủ động trong học tập, chất lượng GD của trường càng nâng cao”.
 
Tuy nhiên, CĐS tại trường vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi ngoài điểm trung tâm ra thì 3 điểm lẻ chưa được kết nối internet, sóng 4G, sóng điện thoại thì yếu, chỗ có chỗ không. Các lớp học đều có tivi nhưng không kết nối được mạng nên chỉ có vai trò như máy chiếu. Một số GV tuổi cao nên tiếp cận máy tính, công nghệ chậm, gây khó khăn cho công tác CĐS.
 
Thầy giáo Cao Thanh Hùng, dạy ở bản Kè, Trường phổ thông Dân tộc bán trú TH-THCS Lâm Hóa cho hay: “Thiếu đường truyền internet, sóng yếu nên công tác CĐS của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, như: Khai thác tài liệu, lưu trữ hồ sơ, kết nối GV trong trường, hoặc thầy cô với HS, phụ huynh rất khó khăn. Phần lớn đồng bào nơi đây là người dân tộc thiểu số nên họ ít tương tác trên các trang mạng”…
 
Giờ đây, CĐS thực sự là giải pháp, điều kiện để thực hiện thành công chương trình GD phổ thông. Tuy công cuộc CĐS trong ngành GD ở huyện Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước nên cần sự quan tâm chung sức hơn nữa của các ngành, các cấp...
Xuân Vương

tin liên quan

Điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 483/QĐ-UBND điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT, lớp 10 THPT chuyên, lớp 10 phổ thông dân tộc nội trú, lớp 10 giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh năm học 2024-2025.

Quy định Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 28/2, UBND tỉnh có Quyết định số 481/QĐ-UBND ban hành Quy định Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Những đối tượng được tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên vào lớp 10

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản "tuýt còi" một số tỉnh, thành đưa ra quy định tuyển thẳng với chứng chỉ IELTS và cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 chưa đúng quy định của Bộ.