.

Sau những nhịp chầm lướt sóng...

Thứ Sáu, 20/09/2013, 15:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến hẹn lại về, Lễ hội đua bơi truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2013 đã diễn ra với tất cả sự cuồng nhiệt, sôi động và hoành tráng. Sông Kiến Giang lại dậy sóng, tưng bừng cờ, hoa... Nhưng sau những nhịp chầm lướt sóng, sau những ngày vui bất tận, có bao điều trăn trở từ mỗi làng quê đến cả vùng sông nước phía nam tỉnh...

Anh Đỗ Trung Tiến, Phó Bí thư Huyện uỷ Lệ Thuỷ, trong một lần nói chuyện qua điện thoại với tôi sau đua bơi đã nói rằng đang rất trăn trở về bơi đua của huyện. Trăn trở điều gì? Tôi hỏi lại anh "Mất nhiều thời gian và tốn kém quá", anh Tiến trả lời. Vâng, đó là điều không chỉ anh Tiến mà rất nhiều người đã đề cập đến. Nhưng có lẽ đấy là chuyện không đơn giản khi đua bơi đã gắn bó máu thịt với người dân. Vậy xin được cận cảnh từ một làng quê, từ những chiếc đò bơi như một "nhát cắt" về lễ hội để có cái nhìn thiết thực hơn...

Cổ tích ở một làng quê...

Có lẽ hiếm có làng quê nào cất giữ được chiếc đò bơi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt như làng Xuân Lai (XL) xã Xuân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Lúc ấy tôi còn bé nhưng cũng đủ để không thể nào quên lần đua bơi cuối cùng trên sông Kiến Giang trước khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan rộng ra miền Bắc. Đấy là ngày 2-9-1963 và đò bơi làng XL đã về nhất huyện. Nhiều "chuyên gia" trong làng bơi đua nói rằng chiếc đò này còn về nhất 5 năm nữa...

Thế nhưng chiến tranh đã phủ bóng đen lên những niềm vui bất tận của cả vùng sông nước phía nam tỉnh...Mọi hoạt động đua bơi tạm chấm dứt từ năm đó...Nhưng chiến tranh không thể phủ bóng đen lên niềm tin đầy kiêu hãnh của dân tộc này mà làng XL là một minh chứng. Chiếc đò bơi ấy được cất giữ ở chỗ an toàn nhất trong ngôi đình làng và được làng (HTX) cử người trông coi cẩn trọng với một niềm tin sắt đá sẽ có ngày chiến thắng giặc Mỹ xâm lược để đò bơi quê tôi lại lướt sóng...

Vâng, gần một thập kỷ chiến tranh, bom đạn đã không phá được chiếc đò, chính xác là có vài mảnh bom phạt mất một phần phía lái. Nhưng không sao, ngày đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng ta vào thăm Quảng Bình ngay sau khi Hiệp định Pa ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, đò bơi làng XL đã xung trận. Và những mùa đua bơi sau chiến tranh, chiếc đò đi qua chiến tranh ấy đã không phụ lòng mong đợi của người dân bên bờ tả dòng Kiến Giang... Sau chiếc đò ấy, XL đóng thêm nhiều chiếc đò khác và cũng luôn có thứ hạng cao trong các giải bơi đua của huyện hàng năm. Một vài cột mốc đáng nh: đò XL nhất huyện những năm 1996, 1998, 2000, nhì huyện những năm 1999,2001...

Hạ thuỷ đò bơi chuẩn bị cuộc đua.
Hạ thuỷ đò bơi chuẩn bị cuộc đua.

Nhưng vài năm trở lại đây, làng XL vắng bóng đua bơi. Những mùa đua bơi ấy   người làng XL như thấy hụt hẫng, trống vắng. Sông Kiến Giang vẫn dậy sóng, cũng nườm nượp người xe, đỏ cờ, băng rôn nhưng người làng XL nhìn nhau... thấy nhàn nhạt, thiêu thiếu. Mới hay, khi có đò bơi của chính làng mình cùng "tham chiến" trên sông mới có những trạng thái tâm lý đặc biệt của đua bơi, đó là hy vọng tràn đầy, một chút ganh đua, một chút hiếu thắng, sự cuồng nhiệt... và cuối cùng, khi không giành được giải cao người làng luôn tự an ủi rằng mùa đua bơi sang năm sẽ khác...

Có lẽ, đua bơi ở Lệ Thuỷ được duy trì, phát triển, có sức hấp dẫn đến kỳ lạ và được công nhận là Lễ hội cấp tỉnh 10 năm nay cũng xuất phát từ những "chất men" đó. Và, trong mùa đua bơi năm nay làng XL đã "tái xuất giang hồ"...

Những chi phí "khủng"

Nhưng cũng chính chất "men say" làm nên lễ hội đã kéo theo những cuộc "chạy đua" và sau chạy đua là những bất cập. Đó là cuộc chạy đua kéo dài chiếc đò để tăng thêm cặp bơi, là chạy đua thay đổi chất liệu gỗ đóng thuyền từ gỗ hụynh  truyền thống sang gỗ dỗi (nhanh hỏng, đội giá thành đò lên...), thợ bắt thuyền ngoài huyện được thuê bằng số tiền lớn (40-45 triệu đồng/đò) chứ không sử dụng thợ trong làng chỉ lấy vài chén rượu thay tiền công, rồi trai bơi được thuê mướn. Và kết cục của những cuộc chạy đua trên là... tốn kém, những con số "khủng" trong chi phí của từng chiếc đò bơi.

Một ngày cuối tháng 8, trên chuyến xe đò Luận - Liên chạy tuyến Đồng Hới - Lệ Thuỷ, khi xe đến Phong Thuỷ,  vừa nghe rõ tiếng mõ đò bơi, ông Luận chủ xe nói với tôi: Bơi đua tốn kém lắm anh ơi! Tôi hỏi là tốn bao nhiêu? Ông bảo cả huyện cũng ngót 6-7 tỷ đồng mỗi mùa đua bơi. Rồi ông tính mỗi đò 300 triệu, cả huyện có 21 đò bơi, cứ thế nhân lên, cộng với tiền chi phí khác ở huyện...Cái sự tính toán của ông chủ xe đò tôi chưa tin lắm, nhưng cũng lưu lại một dấu hỏi trong "ngăn tài liệu" của tôi.

Mãi mấy tuần sau, khi mùa đua bơi đã kết thúc, trở lại làng XL, tôi hỏi chị Võ Thị Thiệc, Trưởng thôn Xuân Lai, về chi phí đua bơi, chị cho biết chi phí cho đò bơi vừa rồi của làng XL khoảng 300 triệu đồng. Đấy là con số không nhỏ với làng thuần nông và vỏn vẹn có trên 300 hộ dân. Nhưng XL năm nay đóng đò mới sau nhiều năm im ắng, con số chi tiêu trên bao gồm cả tiền đò. Còn với những địa phương sử dụng đò cũ thì sao?

Như đò Thượng Phong (Phong Thuỷ), theo anh Võ Văn Khinh, chủ nhiệm HTX Thượng Phong, cũng đã chi tiêu hết 217 triệu đồng, không kể đến tiền đò vì đò cũ. Vâng, nếu tính cả đò đua (năm nay cả huyện có 8 chiếc) thì con số ông Luận nói có lẽ không sai lệch bao nhiêu. Và cái điều trăn trở của anh Đỗ Trung Tiến là rất cần thiết, đầy trách nhiệm.

Đò bơi đua tài trong ngày lễ hội.
Đò bơi đua tài trong ngày lễ hội.

Mỗi mùa đua bơi, các địa phương trong huyện đã tiêu tốn khỏang 6-7 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ. Nhưng theo anh Tiến, lãng phí không chỉ số tiền bỏ ra. Từ 18-20 tháng 8, sông nước Kiến Giang đã bắt đầu dậy sóng. Thời gian rèn luyện trai bơi khá dài, từ 10-15 ngày. Trong những ngày đó cả làng cùng nghỉ việc để tham gia cổ vũ chứ không chỉ riêng trai bơi. Đây là những vấn đề cần suy nghĩ. Bởi lễ hội mà chỉ có chi, không có thu, mà chi với số tiền lớn thì sẽ kéo theo những hệ lụy.

Cần có những điều chỉnh để tạo sự bền vững của lễ hội

Vấn đề đặt ra là, số tiền chi phí cho từng chiếc đò có thể giảm đi được không? Câu trả lời của anh Võ Văn Khinh là có, đó là phải cải tiến đò bơi thì có thể giảm chi phí. Cải tiến theo hướng nào? Theo ý kiến nhiều "chuyên gia" trong làng bơi đua là có thể giảm bớt số cặp bơi xuống còn khoảng 10 cặp bơi, tức là đò ngắn lại, như những năm sáu mươi. Động tác này sẽ giảm thiểu đáng kể gỗ đóng đò, giảm được số trai bơi phù hợp với từng làng hiện nay (nhiều làng đã không tìm đủ trai bơi đạt chuẩn).

Theo quy định của Ban tổ chức đua bơi huyện, hiện tại đò bơi giới hạn 35 trai bơi, tức là đò sẽ có 15 cặp và một đơn. Còn với anh Khinh, thì cho rằng phải đổi mới triệt để, huyện ta cũng nên học cách làm của Đồng Hới, sử dụng đò composite, thay đò gỗ. Có lẽ đây là phương án tối ưu, mang tính bền vững cao, nhưng là phương án cho dăm bảy năm nữa, trước mắt có lẽ chưa thể được, "hào khí" đò gỗ đang còn "vượng" lắm. Vấn đề thời gian của lễ hội, anh Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong năm tới sẽ quy định chặt chẽ thời gian đẩy đò khởi động mùa đua bơi của các địa phương là từ sau 25-8.

Khía cạnh thứ hai là huy động nguồn lực ở đâu để dân làm ruộng không phải nai lưng ra đóng góp? Trở lại làng XL, tôi biết thêm, trong số tiền đóng góp, theo chị Thiệc, con em địa phương đang sinh sống ngoài làng đóng góp khoảng 50% , còn lại là người trong địa phương. Từ con số này tôi lại nghĩ đến cụm từ quen thuộc "xã hội hoá hoạt động lễ hội". Vâng, huy động nguồn lực từ con em địa phương sống xa quê, rồi doanh nghiệp, rồi mạnh thường quân...cho lễ hội là một tất yếu. Vấn đề là các địa phương phải tổ chức thật bài bản, nền nếp để vừa huy động được nguồn lực vừa tạo sự gắn bó của con em xa quê với làng quê, với lễ hội.

Nhưng không chỉ chuyện tiền bạc, lễ hội còn ngổn ngang những chuyện "nóng" khác. Nổi lên là chuyện thuê trai bơi ngoài huyện. Chị Thiệc nói rằng nếu dẹp được nạn thuê trai bơi sẽ làm cho lễ hội trong sáng hơn. Vì sao phải thuê trai là câu chuyện dài liên quan đến sức khoẻ của người lao động từng vùng miền, nhưng một điều chắc chắn những trai bơi được thuê để bơi là rất khoẻ, vượt trội so với phần lớn trai bơi địa phương. Và đây có thể là ẩn số về "bí quyết" bắt đò bơi của một vài thợ ngoài huyện được thuê với số tiền "khủng", bởi họ thường có một "cơ số" trai bơi đi kèm. Nói trắng ra, đò bơi nhanh nhờ trai bơi khoẻ chứ không hẳn hoàn toàn do thợ bắt đò giỏi! Vấn đề này, theo anh Thảo, năm tới bên cạnh kiểm tra chặt chẽ trai bơi, những địa phương nào vi phạm không những huỷ kết quả thi đấu mà sẽ bị cấm thi đấu năm kế tiếp...

Để Lễ hội đua bơi truyền thống trên sông Kiến Giang phát triển bền vững cần có những đổi mới trong tổ chức. Đó là yêu cầu cấp thiết của cuộc sống mà lãnh đạo huyện cần trăn trở, cần tiếp cận cơ sở để có các giải pháp tối ưu! 

Văn Hoàng