.

Nhịp gùi trên núi

Thứ Ba, 20/08/2013, 07:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Không ai biết chiếc gùi đã có mặt trong đời sống của người dân tộc Bru - Vân Kiều từ bao giờ, chỉ biết rằng chúng là vật dụng không thể thiếu khi họ lên nương, lên rẫy hay vào rừng lấy củi và được xem như nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng.

Độc đáo những chiếc gùi

Ngược lên Việt Trung (huyện Bố Trạch), thị trấn miền Tây thành phố Đồng Hới, dừng chân ghé lại bản Khe Ngát, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những cô gái với nhịp gùi đong đưa, nghiêng mình trên những triền đồi đầy nắng gió. Men theo con đường nhỏ vào bản, chúng tôi được trưởng bản Hồ Văn Phần dẫn đến nhà ông Hồ Rơn, người đan gùi giỏi lâu năm nhất ở đây để nghe kể về nét đẹp, độc đáo của chiếc gùi và cách đan gùi của người Vân Kiều.

Ông Rơn cho biết, cũng như những dân tộc khác, chiếc gùi của người Vân Kiều có nhiều loại khác nhau với mẫu mã đa dạng, phong phú, nhưng thông dụng nhất vẫn là chiếc xang và a chói. Ở mỗi loại gùi, người Vân Kiều dùng với từng công việc, mục đích khác nhau, xang dùng gùi củi là chủ yếu, còn a chói dùng để thu hoạch lúa, đựng măng, rau rừng... Do vậy, việc đan chiếc gùi to hay nhỏ, vành kín hay hở đều phụ thuộc vào mục đích sử dụng.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng với đôi bàn tay tài hoa của ông Hồ Rơn, những chiếc gùi cứ được đan thoăn thoắt, cẩn thận từng đường mây lận vào trong từng trụ tre. Để đan được một chiếc gùi truyền thống, theo ông Rơn phải mất nhiều công đoạn, thời gian. Muốn có một chiếc a chói đẹp, bền, người đan phải dồn hết tâm sức.

Trước hết, nguyên vật liệu phải cất công đi kiếm ở vùng rừng sâu, núi cao mới có những cây mây, tre, nứa vừa ý. Mây để đan a chói cần có độ bền, dẻo dai. Tre phải đúng độ già, đẹp màu, chắc...  Chặt mây thành từng đoạn, chẻ lạt và vót cho thật nhẵn rồi ngâm nước cho đủ độ dẻo, vót 4 trụ bằng nứa cho đúng kích thước và bằng nhau.

Chiếc gùi trở thành vật dụng quen thuộc của người phụ nữ vùng cao.
Chiếc gùi trở thành vật dụng quen thuộc của người phụ nữ vùng cao.

Quan trọng nhất là công đoạn làm đế, đế có đều, đẹp và chắc chắn a chói mới sử dụng được lâu. Đế a chói có 4 góc vuông, sàn đế đan từng lỗ để hở khoảng 0,5cm, sau đó dùng 2 thanh mây dài khoảng 40-50 cm đặt chéo nhau cân xứng, rồi dùng sợi mây nhỏ đan thành từng múi ở 4 đầu của 2 thanh mây. Sau khi làm được đế thì đến công đoạn làm thân. Thân a chói có thể theo hình thoi hoặc tròn, dùng 4 thanh nứa đã vót sẵn dài khoảng 1m nẹp vào 4 góc và tiếp tục dùng dây mây đan quanh 4 thanh nứa.

Sau đó dùng 2 vòng nứa uốn tròn, sử dụng dây mây đan thành múi, nẹp lại thành miệng. Như vậy là có một cái a chói gần như hoàn chỉnh. Cuối cùng là công đoạn làm dây gùi, việc này cũng quan trọng không kém vì chúng dùng để đeo, cõng trên lưng tiện cho việc di chuyển. Ngày nay, bà con đã dùng dây dù bề rộng khoảng 3 cm để làm dây gùi, nhưng ngày xưa, người Vân kiều thường làm dây gùi bằng vỏ cây rừng hoặc mây. Khi hoàn thành, a chói sẽ được hơ trên bếp lửa một thời gian cho bền và đẹp hơn.

Hầu như gia đình nào cũng tự mình làm nên ít nhất một chiếc a chói để giữ nét đẹp của "thuần hậu phong thuỷ" chốn núi rừng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, a chói là cảm hứng sáng tác của nhiều nhạc sỹ, nghệ sỹ, nhà thơ. Đến nay, a chói vẫn được giữ vẹn nguyên bản sắc vốn có của nó.

Người bạn đồng hành của phụ nữ Vân Kiều

Với người Bru - Vân Kiều, chiếc gùi như một người bạn tâm giao cùng họ chia sẻ mọi niềm vui, khó nhọc trong cuộc sống. Chiếc gùi là nút thắt sợi tình kết nối tình đoàn kết giữa bà con bản trên mường dưới thêm thấm đượm tình nghĩa. Chiếc gùi chính là nét đẹp trong bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số Việt Nam.

Nếu người phụ nữ Kinh có cái quang, cái gánh làm bạn quanh năm thì người phụ nữ dân tộc Bru - Vân Kiều lại có chiếc gùi gắn bó từ lúc trẻ đến khi về già. Sống trên núi, làm nương làm rẫy, vào rừng lội suối, chiếc gùi giúp họ có thể chở tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống của mình. Từ hạt lúa, trái bắp, củ sắn, củ khoai, nắm rau cho đến thanh củi, thanh tre... tất cả đều ở trong chiếc gùi trên lưng theo chân họ vượt núi băng rừng về nhà. Chiếc gùi giúp cuộc sống người phụ nữ Vân Kiều bớt khó khăn, giúp đôi tay lao động bớt phần mệt mỏi.

Theo chị Hồ Thị Con, người dân bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, thì a chói không biết có từ khi nào. Chị nhớ rằng khi còn bé, mỗi lần đi nương, mẹ bỏ chị vào trong cái a chói gùi theo. Đến khi chị lớn, biết lên nương, bố đã đan cho chị một a chói nhỏ để đựng mớ rau, con cá suối. A chói gần gũi với chị như đôi dép ở chân hay chiếc nón đội trên đầu vậy. Có lẽ vì thế mà khi nói đến những vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày của người Vân Kiều thì a chói được nhắc đến đầu tiên.

Hiện nay, cuộc sống của người Vân kiều đã có nhiều thay đổi. Đời sống kinh tế khấm khá hơn nên họ có thể mua các phương tiện luân chuyển hàng hoá như xe đạp, xe máy thậm chí cả máy kéo. Tuy nhiên đối với người phụ nữ Vân kiều khi lên nương, lên rẫy, chiếc gùi, đặc biệt a chói vẫn là vật dụng lao động được lựa chọn. Để lưu truyền nghề truyền thống của cha ông, hiện nay ở một số gia đình khi con trai, con gái lớn, bố mẹ vẫn truyền lại cách đan a chói cho con.

Hy vọng rằng, giữa chốn núi rừng đại ngàn Trường Sơn, a chói vẫn trường tồn theo năm tháng. A chói mãi đung đưa sau lưng những bà mẹ Vân Kiều, một nắng, hai sương chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho con trẻ.

Nhằm góp phần bảo tồn văn hoá cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân, thời gian qua xã Trường Sơn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cùng với sự hỗ trợ của nhiều dự án đào tạo nghề đan mây tre và làm chổi đót cho hàng chục người dân tộc Bru - Vân Kiều.

Vì thế, nhiều người dân nơi đây đang sống bằng nghề đan a chói, mang lại thu nhập khá cho gia đình.

                                                                                          Lê Mai