.

Tri thức bản địa của đồng bào Chứt

Thứ Ba, 23/07/2013, 07:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Người Chứt quan sát các hiện tượng xung quanh như cách làm tổ của loài ong, cách măng tre mọc từng mùa hay xem xét hình thức sinh sản của các loài nhái xanh để liên hệ về sự biến đổi tương ứng của khí hậu.

Từ đó, đồng bào hình thành cho mình những quy luật ứng xử, lựa chọn, sắp xếp công việc sao cho phù hợp. Cụ thể, con ong thường làm tổ vào tháng 7,8; nếu tổ được làm trên cao, năm đó sẽ không có bão lớn và ngược lại; nếu măng mọc co vào trong bụi nhiều hơn, sẽ có bão lớn trong năm; nhái xanh thương kết đôi vào khoảng thời gian trăng đầy, nếu chúng sản sinh nhiều báo hiệu thời tiết tốt, không có mưa gió. Rồi khi nấm nở mầm, trời nắng nhưng có sấm sét, cảm giác trong người khó chịu, thấy mây đen kéo về, theo đồng bào dấu hiệu đó sẽ dự báo trời mưa; nếu con ve ve, hoẵng kêu hoặc trời trong xanh trăng sáng vằng vặc thì trong những ngày tới ắt sẽ có nắng gắt.

Theo kinh nghiệm, đồng bào Chứt thường chọn đám rẫy ở lưng chừng sườn núi hoặc chân núi, không chọn những khu rừng ở đỉnh núi; rẫy hướng về phía Đông, tránh ánh nắng mặt trời gay gắt của hướng Tây. Một mảnh rẫy tốt, theo đồng bào phải chọn nơi rừng già, cây cối um tùm, hoặc nơi có nhiều cây giang, cây mây, không có đá to và có nhiều tổ giun ùn đống. Đất ở đây thường có màu đen, độ ẩm cao, khả năng giữ nước tốt, thích hợp cho mọi cây trồng.

Ngoài lớp lá mục tích tụ lâu năm, khi đốt chúng có nhiều phân tro, đây chính là nguồn dinh dưỡng cho hoa màu. Ở những khu rừng có cây lau, cây chuối, đất ở đây thích hợp với các loại cây trồng như ngô, thơm, chuối, khoai, thuốc lá; đất ven suối thường được phù sa bồi đắp quanh năm nên sẽ thích hợp với các giống cây như ngô, đậu, vừng, khoai.

Người Chứt, bản Ka Ai (Dân Hóa, Minh Hóa).
Người Chứt, bản Ka Ai (Dân Hóa, Minh Hóa).

Ngoài ra, có thể biết tính chất đất qua một số loài cây cỏ cụ thể, đất mọc cỏ tranh chỉ thị tầng đất mỏng, nhiều phèn; đất mọc cỏ mắc cỡ cho thấy đất đai thoái hóa; đất mọc cỏ cú là dấu hiệu đất đai bị đọng nước; đất mọc nhiều cây giang, cây trứng cá rừng là loại cây đang phục hồi.

Ngoài những kinh nghiệm về đất giúp đồng bào tìm được rẫy tốt, còn phải dựa vào sự mách bảo của thần linh, thông qua giấc mơ của chủ rẫy. Đây là những hạn chế trong kho tàng tri thức kinh nghiệm của người Chứt, nhiều khi gặp được đất tốt cũng phải bỏ vì mơ xấu, ngược lại đất không tốt nhưng mơ không xấu lại được sử dụng nên năng suất thấp. Trên lối tư duy trực quan, cảm tính, cùng với sự bất lực trong việc giải thích một số hiện tượng bất lợi, trong quá trình nhận thức thế giới, đã dẫn họ đến ý nghĩ về sự tồn tại một thế lực siêu nhiên với sức mạnh huyền bí; cùng với nó là sự thiếu tin tưởng vào khả năng bản thân dẫn đến tâm lý phó mặc thần linh. Đây là những quan niệm mang tính duy tâm, thiếu cơ sở khoa học, gây ảnh hưởng xấu đến thời vụ gieo trồng, làm lu mờ những kiến thức về đất của đồng bào, cần phải vận động bà con từng bước hạn chế và loại bỏ.

Đồng bào Chứt có một kỹ thuật phát cốt nương rẫy khá hợp lý: hướng phát từ dưới chân rẫy đi lên, phát cành nhỏ, dây leo, lau lách trước khi đến thân, làm như thế vừa đỡ công dọn, cây không đè lên nhau và ít gây ra tai nạn lao động. Ở những rừng cây lồ ô, tre nứa đồng bào phát vòng quanh từ ngoài vào, cây sẽ đổ đều ra các phía, khi đốt phân tro rãi khắp mặt rẫy.

Trong thời gian phát rẫy, đồng bào Chứt có những tập tục kiêng cữ mang tính tín ngưỡng cổ truyền: nếu gặp 2 con rắn, 2 ổ chuột, cây đa, cây đào mục hoặc 2 cây xoắn nhau nằm sát đất bằng mọi giá phải bỏ rẫy, nếu làm sẽ sinh chuyện và không được mùa. Những tập tục này đã ảnh hưởng rất lớn đến thời vụ, phát rẫy muộn, gieo trồng muộn, không kịp phơi nắng thì đã sang mùa mưa, năm đó coi như mất mùa. Do không hiểu được bản chất, nguyên nhân của sự việc, họ giải thích cho kết quả đó bằng sự trừng phạt thần linh.

Khâu chọn đất đã mất nhiều thời gian, phát cốt cũng lấy đi nhiều công sức nhưng vì những tập tục kiêng cữ họ đành bỏ rẫy, bỏ thành quả lao động. Khi đó không ai khác chính những tập tục mê tín này là nhân tố tiếp tay cho hành động phá rừng, khai thác bừa bãi dẫn đến nguồn tài nguyên cạn kiệt, đất đai xói mòn, gây ra lũ lụt, ảnh hưởng đến chính cuộc sống của đồng bào, hơn thế là hệ sinh thái của cả vùng miền, của cả nước. Nhiều nơi, tập trung cả chục đám rẫy nhưng phải bỏ vì những kiêng cữ tương tự.

Để bảo đảm kịp thời vụ, khoảng thời gian tốt nhất cho việc đốt rẫy là đầu tháng 4, khi đó trời có nắng, gió nhẹ. Các gia đình làm rẫy cùng hướng thường đốt một lần, bằng biện pháp cách ly rẫy, tránh khi đốt lửa cháy sang rẫy kia, nhằm bảo vệ rừng; chọn lúc đứng gió (khoảng 11h trưa hoặc 14h chiều) hoặc đốt ngược hướng gió từ dưới đi lên, tránh lửa cuốn lan; nếu rẫy khó cháy do ẩm thì đồng bào dùng phương pháp đốt từng đám nhỏ. Lượng tro sau khi đốt sẽ được rải đều khắp mặt rẫy. Đây là phương pháp tận dụng nguồn dinh dưỡng cây trồng tại chỗ, mùn tro là lượng phân bón chủ yếu của hoa màu, duy trì được độ màu mỡ của đất cho vụ sau, kéo dài thời gian sử dụng trên một rẫy.

Dựa vào sự biến đổi hình dáng (độ sáng) của trăng trong tháng và chu kỳ sinh trưởng của động-thực vật (thời điểm giao phối/thụ phấn) trong từng mùa, đồng bào đã đúc kết được một số kinh nghiệm trồng đối với từng loại cây: Sắn trồng tốt nhất vào đầu hoặc cuối tháng sẽ cho củ to, không đắng; chuối trồng từ ngày 14 trở đi sẽ cho nhiều buồng, nhiều nải; mía, dừa: trong khoảng ngày 14-20 hằng tháng sẽ rất ngọt; khoai lang: trong khoảng ngày 14-18 và nên thu hoạch vào mùa đông, sẽ cho củ ngọt hơn các mùa khác. Như vậy, đứng về mặt sinh học, đối với người Chứt, chu kỳ sinh trưởng tốt nhất cho động-thực vật là vào những ngày trăng tròn.

Vào khoảng tháng 4, tháng 5, bắt đầu mùa đơm hoa kết trái của cỏ cây; trên rừng con ve ve kêu báo hiệu mùa trỉa hạt đã tới, trong thời gian này, đồng bào Chứt có một số cấm kị mang tính nguyên tắc như: Cấm người lạ vào hay đi qua rẫy; người trong làng không được đi ra ngoài; ai vi phạm sẽ bị làng xử phạt rất nặng (dấu hiệu nghiêm cấm là hình chữ thập (+) cắm ở rẫy và đầu cổng làng).

Những tư liệu quý giá trong kho tri thức dân gian của người Chứt nếu được kết hợp cùng khoa học kỹ thuật hiện đại một cách hợp lý sẽ tạo nên những bước đột phá mới trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào trong tương lai.

                                                                     Nguyễn Tiến Dũng