.

Bàu Tró

Thứ Năm, 01/08/2013, 10:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm ở phía đông- bắc thành phố Đồng Hới, nay thuộc địa phận phường Hải Thành có một hồ nước ngọt xanh trong giữa bốn bề cát trắng có tên gọi là  Bàu Tró. Chỉ cách bờ biển chừng khoảng vài trăm mét, được ngăn cách bởi những cồn cát trước đây,  Bàu Tró là phá Nhật Lệ, sau do nạn cát bay, cát chảy ngăn cửa phá với biển nên tạo thành một hồ chứa nước ngọt lớn.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An, thế kỷ XIV viết: “Phá ở cửa biển Nhật Lệ huyện Khang Lộc, cồn cát mênh mông, chất cao sầm uất. Biển lớn chảy phía đông- bắc, núi chầu hướng tây- nam, ngàn khoảnh mênh mang, một bầu trong vắt, khuấy không thể đục, lắng không trong thêm. Đây chính là cảnh non nước xinh đẹp nhất vậy...”.

Đến đời nhà Nguyễn, sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục gọi là truông Nhật Lệ, dân gian gọi là đầm Chao: “Truông Nhật Lệ ở xã Phú Ninh đông bắc huyện Phong Lộc, tục gọi là đầm Chao, ngàn khoảnh mêng mông, nước truông trong vắt...”. Từ  phá  đến truông, đầm  và nay là bàu, Bàu Tró trở thành một chứng tích thời gian vật đổi sao dời.

Chừng 5.000 năm trước, nơi đây đã có một nền văn hóa thời đại đồ đá mới của cư dân ven biển miền Trung được gọi là Văn hóa Bàu Tró. Lần đầu tiên Văn hóa Bàu Tró được phát hiện vào năm 1923 với công trình khai quật khảo cổ của nhà địa chất kiêm khảo cổ học người Pháp Etinen Patte, và sau đó là cuộc khai quật tháng 3 năm 1980 của giáo sư Hà Văn Tấn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng các cộng sự. Qua các công trình khảo cứu của các nhà khoa học chúng ta có thể hình dùng cuộc sống của cư dân Bàu Tró thời tiền sử.

Lúc đó, họ đã biết dùng đá silix để chế tạo rìu bôn có vai, rìu bôn tứ giác có tiết diện cắt ngang hình bầu dục để làm công cụ trong trong lao động. Những mảnh tước dài và mỏng được tách ra từ những hạch đá hình lăng trụ có thể sử dụng như những con dao. Ngoài ra họ còn dùng nhiều đốt sống cá có dùi lỗ, xương động vật có vết mài gia công thành những công cụ có mũi nhọn.

Ngoài công cụ lao động, những cư dân nơi đây còn biết chế tạo những chiếc bát, đĩa cạn lòng, cốc và những bình gốm miệng loe, miệng bóp có cái được gắn thêm chân đế để đựng và nấu thức ăn. Gốm Bàu Tró chất liệu còn thô, độ nung thấp, xương gốm màu đen hay màu gạch xỉn nhưng mặt ngoài  vẫn có những hoa văn trang trí hình dấu thừng, dấu đan, hoa văn chải, hoa văn khắc hoặc tô màu.

Cuộc sống của các cư dân Bàu Tró  dựa vào kinh tế khai thác, thu lượm những sản vật sẵn có trong tự nhiên mà chủ yếu là các loài nhuyễn thể ven biển. Nghiên cứu kỹ thuật chế tác đá, đồ trang sức, loại hình và các mô típ hoa văn trang trí trên đồ gốm, các nhà khoa học khảo cổ cho rằng trình độ tư duy thẩm mỹ cuả cư dân Bàu Tró đã phát triển khá cao. Trong cuộc sống họ không chỉ biết “làm ăn” mà còn biết “làm đẹp” cho bản thân mình.

Là một di chỉ đặc trưng, đại diện cho thời đại đồ đá mới, Bàu Tró được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Bàu Tró không chỉ có các di tích khảo cổ mà nơi đây còn là một thắng cảnh đẹp và còn lưu truyền nhiều truyền thuyết dân gian gắn liền với đời sống của cư dân vùng ven biển Đồng Hới.  Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An cũng từng viết: “Nước ở phía Đông Bắc của phá rất sâu, thường có giao long ẩn náu. Những năm mưa ít, dân địa phương mở hội đua thuyền trong phá thì trời đổ mưa ngay”.

Trước đây, vào những năm 50 của thế kỷ XX ở Bàu Tró còn có một ngôi miếu thờ Long Vương tức thần biển; trong miếu lại còn có hai vỏ trấu (được làm bằng đất sét) to bằng hai nắm tay  tượng trưng cho phong tục thờ thần nông. Việc thờ  cả hai vị thần trong một ngôi miếu phản ánh tâm linh của cư dân quanh vùng Bàu Tró vừa làm biển vừa làm nông và được được lưu truyền trong hai câu chuyện truyền thuyết Câu thần chú và nắm thóc thần như sau:  

Ngày xưa, người dân nơi đây sống chủ yếu là  nghề đánh cá biển. Sau một lần ra khơi, bão tố nổi lên nhấn chìm nhiều thuyền lưới. Xác người trôi dạt trên biển cả, chỉ còn sống sót hai cha con lão ngư nhờ ôm vào chiếc ván thuyền lênh đênh được sóng tấp vào bờ. Tỉnh lại, hai cha con thấy mình đang ở trong một hồ nước trong xanh, phẳng lặng, đó là hồ Bàu Tró. Sau mấy ngày vật lộn với sóng nước, phần thì ngấm lạnh, phần thì đói lả người cha ôm con vào lòng chỉ biết buông lời than thở:

- Cha con tôi ăn ở hiền lành, cầu trời khấn Phật cho được tai qua nạn khỏi.

Lời khấn cầu vừa dứt, bỗng trên mặt hồ xuất hiện một ông Tiên râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào. Ông hỏi:

- Nhà ngươi muốn gì?

- Cha con tôi đói quá, cái chết đến nơi, cầu trời mà trời có thấu.

- Ta là sứ giả của Trời phái xuống cứu nhân độ thế. Thấy cha con nhà ngươi ăn ở hiền lành nay ban cho một nắm  lúa, sau nữa ta cho mảnh lưới này để đánh cá. Khi thả lưới nhớ đọc câu thần chú: “Cá ta cá bạc cá vàng, cá của Ngọc hoàng cứu độ chúng sinh”, tức thì cá sẽ bám đầy, ngươi tha hồ mà bắt. Nhưng ta dặn, chỉ ngươi là kẻ độc nhất vô nhị biết được cơ trời. Không nghe lời ta cha con ngươi sẽ chuốc lấy hậu họa.

Dặn xong, ông Tiên biến mất. Có nắm lúa, cha con lão ngư xót được nhúm gạo nấu cháo cầm hơi tưởng chỉ đủ ấm bụng qua cơn đói lả. Nào ngờ khi nấu chín, ăn xong trong nồi lại có thêm nắm lúa khác. Hai cha con ông lão dùng hạt lúa thần cứu đói cho dân làng qua mùa mưa bão. Hết mùa mưa bão dân làng đem hạt lúa thần ra gieo ở mảnh đất gần làng. Từ một hạt thành ức triệu hạt, một bộ phận dân làng từ đó chăm chỉ theo nghề nông cấy lúa, trồng khoai lập thành làng Phú Ninh (Đồng Phú ngày nay).

Một bộ phận cư dân ven sông Nhật Lệ như Đồng Thành, Đồng Hải vẫn theo nghề chài lưới.
 Nhớ lời Tiên dặn, không vì có hạt lúa mà cha con lão từ bỏ nghề chài lưới. Mỗi lần ra khơi buông lưới, lão lại đọc câu thần chú của Tiên ông đã cho. Lần nào cũng vậy, thuyền cha con ông  luôn cá nặng đầy khoang . Dân làng quanh vùng thấy ông làm ăn khấm khá cũng đua nhau sắm thuyền lưới rủ nhau ra khơi, nhưng họ chỉ đánh được ít cá vừa đủ sống  đủ sống qua ngày. Những năm mất mùa biển cuộc sống của họ vẫn cơ cực đói kém.

Lão ngư về già, ngày một yếu. Ông nghĩ, mình không sống được bao lâu nữa. Trước cảnh dân làm nghề biển nhiều người đói kém, ông muốn truyền lại câu thần chú để mọi người có cuộc sống khấm khá hơn. Một hôm, ông bảo con trai ông mời bà con ngư dân trong làng đến. Ông thều thào:

- Tôi không còn sống được bao lâu nữa. Tôi muốn mọi người giàu có phát đạt,  xin truyền lại câu thần chú thiên cơ để bà con làm ăn... Đọc xong câu thần chú, bỗng nhiên thấy ông Tiên ngày trước hiện lên trước mặt, ông trợn tròn đôi mắt, và tắt thở.

Có được câu thần chú “Cá ta cá bạc cá vàng, cá của Ngọc Hoàng cứu độ chúng sinh” bà con quanh vùng làm ăn ngày càng phát đạt, họ lập miếu chăm lo  thờ thần biển Long Vương và không quên công ơn của thần nông thờ thêm hai vỏ trấu.

Trải qua thời gian, lòng hồ Bàu Tró hẹp dần, miếu Long Vương không còn nữa và những câu chuyện truyền thuyết dân gian mờ dần theo năm tháng. Trước nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu chúng ta hãy chung tay bảo vệ Bàu Tró, nguồn nước ngọt của Đồng Hới hôm nay và  để thế hệ mai sau còn biết đến phá Nhật Lệ từng đi vào sử sách và huyền thoại.

                                                                      Phan Viết Dũng