.

Xây dựng thương hiệu nón lá Quy Hậu: Hành trình đầy gian nan

Thứ Năm, 05/09/2013, 07:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Thôn Quy Hậu (Liên Thủy, Lệ Thủy) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón. Tuy nhiên, việc tạo dựng thương hiệu cho nón lá Quy Hậu vẫn đang là một hành trình đầy gian nan, thử thách.

Cội nguồn làng nón

Theo anh Mai Văn Việt, trưởng thôn Quy Hậu, nón lá đến với Quy Hậu từ những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Theo lời các cụ trong làng thì người đầu tiên đưa nón về làng là hai ông Nguyễn Văn Duy còn gọi là ông Bộ Chiêm và ông Đỗ Bá Mỡn còn gọi là ông thợ Giồng.

Hai ông vốn làm nghề thợ may, vì giỏi nghề may nên đã rủ nhau ra thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) may thuê. Chỗ làm nghề may của các ông được thuê gần chợ Ba Đồn, ngay làng Thổ Ngọa thuộc xã Quảng Thuận. Nơi đây có sẵn nghề làm nón rất phát triển, đời sống khá hơn các làng khác. Thấy đây là nghề có thể giúp ích cho dân làng vào thời vụ nông nhàn, hai ông trở về nhà vận động thêm ba người bạn thân là Lê Quang Mạc (Hường Mạc), Nguyễn Văn Tranh (chấu Tranh) và Nguyễn Quang Suyền cùng ra Ba Đồn học nghề nón, đem về truyền dạy cho bà con quê mình.

Trong nhóm có ông Bộ Chiêm, vợ mất đã lâu, để lại hai người con gái là Chiêm và bà Hạnh. Cảnh gà trống nuôi con, may nhờ được người quen mai mối, ông Bộ Chiêm lấy bà Nga-một người phụ nữ có tay nghề giỏi của làng Thổ Ngọa. Sau ngày cưới, ông đưa vợ về quê. Bà Nga giúp ông truyền nghề nên từ đó nghề nón bắt đầu được lan truyền về Quy Hậu.

Các thế hệ người dân Quy Hậu nối tiếp nhau giữ gìn nghề làm nón truyền thống của quê hương.
Các thế hệ người dân Quy Hậu nối tiếp nhau giữ gìn nghề làm nón truyền thống của quê hương.

Để làm nên một chiếc nón, người thợ phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian, từ việc chọn mua nguyên vật liệu phơi lá, ủi lá, làm vành nón... đến chằm nón. Công đoạn khó nhất để tạo ra được một chiếc nón là công đoạn chằm, đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ. Vất vả là thế nhưng người dân Quy Hậu chưa bao giờ quay lưng lại với nghề truyền thống này.

Từ đời này sang đời khác, người đi trước truyền nghề lại cho người đi sau. Cứ thế, trải qua hơn 80 năm, nón lá Quy Hậu đã trở thành biểu tượng của làng quê còn lắm khó khăn này.

Gian nan hành trình xây dựng thương hiệu

Hiện nay Quy Hậu có 964 hộ, 3.439 khẩu trong đó có hơn 600 hộ làm nón. Trung bình mỗi ngày Quy Hậu làm ra được trên 2.000 chiếc nón, góp phần giải quyết việc làm cho bà con lúc nông nhàn. “Tuy nhiên, hiện tại nghề làm nón của địa phương gặp không ít khó khăn, nhất là việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm”, anh Mai Văn Việt tâm sự.

Việc được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2008 là cơ sở để nón lá Quy Hậu tiếp tục khẳng định sức sống qua hơn ¾ thế kỷ; đồng thời là “bước đệm” để xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn là ước mơ xa tầm tay của người dân địa phương.

Hành trình xây dựng thương hiệu cho nón lá Quy Hậu vấp phải quá nhiều khó khăn mà vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”. Làm nón vất vả và tốn nhiều thời gian là thế nhưng thu nhập lại chẳng đáng là bao. Với một người thợ thạo nghề, bình quân mỗi ngày họ làm được khoảng ba chiếc nón dừa mỏng hoặc một chiếc nón lá dày.

Giá bán nón dừa khoảng 13.000-14.000 đồng/chiếc, nón lá khoảng 50.000-60.000 đồng/chiếc, thậm chí có lúc rớt xuống chỉ còn khoảng 12.000 đồng/chiếc nón dừa và 40.000 đồng/chiếc nón lá. Giá nón thấp trong khi đó giá vật liệu lại ngày một tăng, từ 5.000-7.000 đồng tăng lên 15.000-16.000 đồng rồi lại nhảy lên 35.000 đồng/bó (1 bó gồm 100 que).

Như vậy, tính ra trừ hết mọi chi phí, bình quân mỗi ngày người thợ làm nón chỉ thu về 6.000-7.000 đồng (chưa tính công). “Với mức thu nhập như thế thì Quy Hậu khó mà huy động được nguồn vốn lên đến con số trăm triệu đồng cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm”, anh Việt cho biết.

Hiện tại, đời sống của người dân địa phương vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Làm nón tuy là nghề truyền thống nhưng vẫn chỉ được xem là nghề phụ kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn, rãnh rỗi, chính vì vậy hình thức sản xuất vẫn còn mang nặng tính tự phát, nhỏ lẻ. Mức thu nhập từ làm nón cũng chỉ đủ để người dân trang trải một số khoản chi tiêu nhỏ trong cuộc sống. Do đó, việc khó huy động nguồn vốn từ dân để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là điều dễ hiểu với nón lá Quy Hậu.

“Hiện tại, chúng tôi đang làm đề án trình lên UBND xã Liên Thủy để xin một phần kinh phí nhưng chắc phải còn lâu mới được hỗ trợ và nếu có thì cũng chỉ được một phần nhỏ mà thôi”, anh Việt thở dài.

Không chỉ gặp khó khăn về vốn, việc xây dựng thương hiệu cho nón lá Quy Hậu còn vấp phải vướng mắc trong việc tìm kiếm đầu ra và thành lập đầu mối thu mua tập trung. Hiện tại, việc tiêu thụ sản phẩm nón của địa phương chủ yếu dựa vào ba đầu mối thu mua sản phẩm là Mai Toản, Đỗ Văn Khuyến, Đỗ Văn Duận. Hàng tháng họ thu mua nón từ bà con rồi vận chuyển vào bán ở các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, hiện tại nhu cầu sử dụng nón lá của người dân không còn nhiều như trước nên thị trường phía Nam có phần co hẹp. Do đó, sản phẩm bị tồn đọng không thể bán được không còn là chuyện hiếm hoi như trước đây. “Chúng tôi đã ra tận một số tỉnh phía Bắc để tìm kiếm thị trường nhưng xem chừng rất khó vì nhu cầu ở đây ít hơn ở các tỉnh phía Nam, giá vận chuyển lại cao”, anh Việt cho biết thêm. Bên cạnh đó, để xây dựng được thương hiệu nón lá Quy Hậu thì việc “quy đồng” ba đầu mối thu mua ở địa phương chính là một trong những “điều kiện cần”. Nhưng do các đầu mối này vẫn quen hoạt động độc lập nên họ không mấy mặn mà với việc này.

Để nón lá Quy Hậu có được thương hiệu riêng của mình, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần hoạch định phương hướng phát triển lâu dài, bền vững; khuyến khích bà con thành lập các tổ, nhóm sản xuất tập trung và tất nhiên làng nón Quy Hậu rất cần đến sự quan tâm hơn nữa của chính quyền, các cơ quan chức năng để người dân nơi đây yên tâm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Đào Vân