.

Chở che hình bóng quê hương

Thứ Hai, 16/09/2013, 07:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Vĩnh Tuy xưa (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) nổi tiếng khắp xa gần bởi nghề làm tơi, làm nón. Nón lá Vĩnh Tuy không có vẻ đẹp thanh thoát như nón Huế hay nón Quy Hậu, nón Hạ Thôn, nhưng về độ bền, sự chắc chắn và giá thành thì khó có loại nón nào sánh kịp. Đối với tơi-vật dụng thân thuộc của người nông dân “chân lấm tay bùn” vào những ngày mưa giông giá rét, người Vĩnh Tuy lại sáng tạo ra cách “chăm” tơi độc đáo, hữu dụng, mà vẫn tạo nét phong cách riêng.

Theo nhiều bậc cao niên trong làng, nghề làm nón lá xuất hiện ở làng Vĩnh Tuy từ những năm 40 của thế kỷ trước. Tương truyền, một người từ xứ Bắc đã lưu lạc về vùng đất này, cảm kích sự đùm bọc quan tâm của người dân địa phương, nên đã truyền lại nghề làm nón riêng có của một vùng quê Bắc Bộ.

Người dân Vĩnh Tuy theo học nghề này như một nghề phụ tăng thêm thu nhập vào buổi nông nhàn, và kể từ đó, hầu như cả làng đều làm nón lá. Cá biệt như trường hợp của bà Bùi Thị Bưởi (62 tuổi, Vĩnh Tuy 3, Vĩnh Ninh, Quảng Ninh). Bà là người xứ Huế, làm nón từ năm 13 tuổi. Về làm dâu đất Quảng từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, bà đã mang nghề nón về với vùng đất “gió Lào cát trắng”.

Bà tâm sự, thời điểm đó “nhà nhà làm nón, người người làm nón”, sản phẩm làm xong có người mua ngay, làm không kịp để bán. Nghề phụ làm nón lá đã giúp gia đình bà vượt qua nhiều khó khăn về kinh tế, nuôi dạy con cái thành người. Nghề làm nón lắm công phu, mỗi ngày ngồi từ trưa đến chập tối, bà cũng chỉ làm được 2 chiếc. Lá nón sau khi hái từ rừng về được đạp kỹ, làm mềm, đập dập rồi đem sấy bằng lò than, tuyệt đối không phơi nắng. Tre lồ ô, sau khi mua về, được chẻ ra và vót thành vành nón.

Bà Bùi Thị Bưởi minh hoạ cách vót một vành nón lá bằng dụng cụ vót vành thủ công do chính tay chồng bà làm vào năm 1976.
Bà Bùi Thị Bưởi minh hoạ cách vót một vành nón lá bằng dụng cụ vót vành thủ công do chính tay chồng bà làm vào năm 1976.

Từ năm 1976, chồng bà đã “tự chế” một dụng cụ vót rất thủ công và hiệu quả. Đó là một mảnh nhôm có đục sẵn 14 loại lỗ. Các lỗ này có kích thước tương ứng với 14 vành nón, chỉ duy nhất 2 vành trên đỉnh nón quá nhỏ là bắt buộc phải vót bằng tay. Tiếp đó, người thợ làm nón khéo léo lắp vành và xếp lá vào khuôn. Khâu quan trọng nhất là “chằm nón” bằng kim khâu.

Theo bà Bưởi, sự khéo léo và tinh tế của người làm nón chính nằm ở khâu này. Đường kim phải đều tay, nhịp nhàng, lỗ kim không quá to và không được lỗ chỗ. Sau khi công đoạn “chằm nón” kết thúc, vành nón lớn nhất và đỉnh nón được làm cuối cùng. Trong đó, đỉnh nón đòi hỏi phải được làm thật tròn, giữ dáng nhọn và thanh mảnh. Trước khi đem bán, chiếc nón lá được xỏ một chiếc quai vải thanh mảnh và bắt đầu “hành trình” ra ruộng, ra ao, ra chợ cùng các bà, các mẹ.

Nghề làm tơi không lắm công phu như nghề nón, và cũng phổ biến hơn, ai ai cũng có thể làm được. Ông Phùng Trọng Dinh (80 tuổi, Vĩnh Tuy 3, Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) học cách làm tơi từ năm 13 tuổi. Nghề làm tơi đã theo ông đi suốt thời thanh niên sôi nổi và đến tận khi bước qua tuổi 50, ông mới thôi làm nghề. Thuở đó, lá tơi, lá nón trong rừng nhiều vô kể. Người làng chỉ cần vào hái lá già, đem về luộc qua, phơi héo.

Nhà nghiên cứu Đỗ Duy Văn trong cuốn Địa chí huyện Quảng Ninh (2008) đã mô tả rất tỉ mỉ quy trình làm loại tơi truyền thống này. “Chằm tơi không nhất thiết phải dùng sợi mây tắt, mà họ dùng loại "choại", tuy không bền bằng mây, nhưng rất dễ chuốt thành sợi. Sợi "nòng" thường dùng mây nước. Khung chằm tơi là 4 thanh gỗ nhỏ ghép thành hình thang (đáy lớn phía trên, đáy nhỏ phía dưới), hai cạnh bên hình thang có khấc đều đặn để căng sợi mây nòng. Lá tơi gập khấc, cột lại thành từng mớ, vài ba mới vừa đủ một "nện" (nện là phần lá giữa hai nòng). Kim để chằm được làm bằng lá thép hoặc sắt tây mỏng, cuộn lại thành mũi kim, đuôi kim cuốn thành ống luồn sợi mây chằm để chọc thủng lá, và kéo sợi mây qua lá một cách dễ dàng. Chằm dài ngắn khác nhau cho nhiều độ tuổi khách hàng. Tơi người lớn thường 18 nện, tơi trẻ con chỉ từ 13-15 nện. Cuối cùng, rút kéo nện trên cùng xoay tròn thành cổ tơi. Hai bên biên (dọc theo cạnh hình thang) có 2 triêng để cài múi nòng cho chắc, khỏi bung."

Tơi và nón lá Vĩnh Tuy gắn bó với người dân lao động nghèo nhiều vùng đất, bởi giá thành rất rẻ, lại bền, chắc, có thể sử dụng từ mùa này sang mùa khác. Nay, áo mưa và nhiều loại mũ thời trang đã khiến tơi, nón truyền thống khó có chỗ đứng trên thị trường. Đã từ mấy chục năm nay, Vĩnh Tuy vắng bóng những chiếc nón lá trắng tinh khôi và riêng với những chiếc tơi, có lẽ chỉ còn trong tiềm thức của những bậc cao niên trong làng.

Ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh cho biết, xã đang khôi phục lại một số nghề truyền thống của địa phương, như: nghề làm mây, làm chổi đót... Còn với nghề làm tơi, nón lá, có lẽ sẽ rất khó để có thể "hồi sinh". Bởi, thị trường tiêu thụ không có và người làm nghề thì đã mai một dần theo năm tháng.

Mai Nhân