.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Địa danh Quảng Bình và tiến trình lịch sử

Thứ Sáu, 13/09/2013, 16:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình là vùng đất hiện diện trong lịch sử dân tộc Việt Nam ngay từ thời kỳ tiền sử và sơ sử. Những phát hiện khảo cổ học đã chứng minh sự tồn tại của cộng đồng người, chủ nhân của các nền văn hoá khảo cổ khởi nguồn từ thời đại đồ đá giữa, phát triển liên tục, định hình và có tính hệ thống.

Những di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hoá Hoà Bình được phát hiện khắp nơi trong địa vực đã đủ cơ sở để khẳng định sự khởi đầu lịch sử và  sau đó, sự hiện diện của văn hoá Bàu Tró, mở rộng và phát triển những thành quả lịch sử tiền văn minh trong mối quan hệ giao lưu để đi đến thống nhất giữa cộng đồng người trên địa bàn Quảng Bình xưa với quốc gia, dân tộc.

Vùng đất Quảng Bình nguyên xưa thuộc xứ Việt Thường. Theo Đại Nam nhất thống chí, Thuỷ kinh chú và một số thư tịch cũ, khoảng cuối  thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên, Việt Thường tồn tại như một tổ chức hành chính tự quản gọi là Việt Thường Thị. 

Vào năm 2353 trước công nguyên, người xứ Việt Thường Thị đã từng dâng chim trĩ trắng, rùa vàng thông hiếu với Trung Quốc.  Dưới thời Hùng Vương, đất nước Văn Lang được chia thành 15 bộ. Vùng đất Quảng Bình ngày nay thuộc về bộ Việt Thường. Từ năm 192 vùng đất Quảng Bình thuộc địa vực của quốc gia Lâm Ấp (sau đổi thành Hoàn Vương, Chiêm Thành). Từ đây trên vùng đất Quảng Bình cổ có sự dung hợp  giữa văn hoá bản địa có nguồn gốc Việt - Mường với một nền văn hoá mới là văn hoá Chămpa.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông - niên hiệu Thiên Huống Bảo Tượng thứ hai, cử Lý Thường Kiệt đưa quân nam chinh, đánh bại quân Chiêm, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ đã phải dâng trả 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Vùng đất Quảng Bình (tương ứng 2 châu Bố Chính, Địa Lý) trở về với quốc gia Đại Việt.

Quảng Bình toàn đồ - bản vẽ dưới triều Minh Mệnh.
Quảng Bình toàn đồ - bản vẽ dưới triều Minh Mệnh.

Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho đổi tên châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, vùng đất Quảng Bình xưa bắt đầu mang danh xưng "Bình" kể từ thời điểm ấy. Năm 1361, vua Trần Duệ Tông cải châu Lâm Bình thành phủ Lâm Bình. Năm 1375, vua Trần Duệ Tông lại cải phủ Lâm Bình thành phủ Tân Bình rồi lộ Tân Bình. Năm 1397, Hồ Quý Ly đổi lộ Tân Bình thành trấn Tây Bình.

Thời thuộc Minh (1407 - 1427), lại đổi thành phủ Tân Bình, đem 2 châu Bố Chính và Minh Linh nhập vào phủ Tân Bình. Dưới thời Lê Thánh Tông, vùng đất này tiếp tục được định danh trong bản đồ quốc gia nhà Lê (1469) là phủ Tân Bình. Năm 1601, phủ Tân Bình lại được nhà hậu Lê đổi thành phủ Tiên Bình.

Năm 1604, Thái tổ Gia dũ Hoàng đế Nguyễn Hoàng khởi nghiệp Đàng Trong đã đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, sau đổi thành dinh Quảng Bình. "Quảng Bình"  được định danh từ thời điểm ấy.

Dưới thời các chúa Nguyễn và thời Hoàng đế Quang Trung, địa vực Quảng Bình nhiều lần được định danh lại với những danh xưng như châu Bắc Bố Chính (ngoại châu Bố Chính), Nam Bố Chính (nội châu Bố chính), châu Thuận Chính (trên cơ sở sát nhập 2 châu Bắc và Nam Bố Chính). Địa vực Quảng Bình dưới thời châu Thuận Chính phù hợp với địa gíơi hành chính ngày nay.

Năm 1802, dưới triều Gia Long, châu Thuận Chính lại bị chia tách thành Bố Chính ngoại và Bố Chính nội như trước. Riêng 2 huyện Khương Lộc (sau đổi là Phong Lộc) và Lệ Thuỷ (Nha Nghi) đặt thành một đơn vị hành chính lấy tên là dinh Quảng Bình.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trong hệ thống hoạch định cương vực lãnh thổ và tổng cải cách hành chính quốc gia, triều Nguyễn chính thức định danh tỉnh Quảng Bình. Sau nhiêù lần cải tổ và điều chỉnh, đến năm 1875 tỉnh Quảng Bình có 2 phủ gồm 7 huyện là phủ Quảng Trạch (có 4 huyện: Minh Chính, Bình Chính, Tuyên Hoá, Bố Trạch), phủ Quảng Ninh (gồm 3 huyện Phong Lộc, Phong Phú và Lệ Thuỷ).

Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân và triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã thiết lập lại hệ thống phủ, huyện trong cùng một cấp hành chính. Quảng Bình có 2 phủ, 3 huyện là phủ Quảng Trạch, phủ Quảng Ninh, huyện Lệ Thuỷ, huyện Bố Trạch và huyện Tuyên Hoá. Đến năm 1939 thành lập thêm cơ quan Bang Tá trực thuộc tỉnh với 4 phường mới là Đồng Hải, Đồng Đình, Đồng Phú, Đồng Mỹ, có vai trò như là trung tâm lỵ sở của tỉnh Quảng Bình.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới thời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tỉnh Quảng Bình được thành lập, bao gồm thị xã tỉnh lỵ Đồng Hới và 5 huyện là Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thành lập tỉnh Bình Trị Thiên trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh. Quảng Bình trở thành địa vực phía Bắc của tỉnh Bình Trị Thiên mới thành lập. Trên địa vực này có thị xã Đồng Hới và các huyện Lệ Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và Tuyên Hoá.

Năm 1989, để phù hợp với xu thế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới, Trung ương Đảng và Nhà nước đã cho chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Tại thời điểm mới tái thiết lập, tỉnh Quảng Bình bao gồm thị xã Đồng Hới và các huyện Lệ Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá. Để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, Nhà nước đã cho chia tách  huyện Lệ Ninh thành 2 huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh, huyện Tuyên Hoá thành 2 huyện Minh Hoá và Tuyên Hoá. Hiện nay tỉnh Quảng Bình bao gồm thành phố Đồng Hới và các huyện: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá, với 159 xã, phường, thị trấn. Dân số Quảng Bình tại thời điểm năm 2012 là 857.924 người; trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 89% tổng dân số, dân tộc Bru-Vân Kiều và Chứt chiếm 11% tổng dân số toàn tỉnh.

Theo Địa chí Quảng Bình