Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028

Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hỗ trợ nông dân vươn lên

  • 08:24 | Thứ Sáu, 15/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiệm kỳ qua, công tác hội (CTH) và phong trào nông dân (PTND) tỉnh Quảng Bình đã phát triển khá toàn diện, vững chắc, tạo sự chuyển biến quan trọng về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhân dịp Đại hội đại biểu Hội Nông dân (ND) tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028, đồng chí Trần Tiến Sỹ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm cơ sở thu mua và chế biến hải sản của nông dân Bùi Thức Quang (xã Thanh Trạch, Bố Trạch).
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm cơ sở thu mua và chế biến hải sản của nông dân Bùi Thức Quang (xã Thanh Trạch, Bố Trạch).
- P.VThưa đồng chí, nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội ND và PTND tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật nào?
 
* Đ/c Trần Tiến Sỹ: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội ND tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2018-2023) trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức; tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Hội ND Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận và tổ chức đoàn thể các cấp; sự đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn của cán bộ, hội viên, nông dân (HVND), Hội ND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp linh hoạt, kịp thời. Nhờ đó, CTH và PTND đạt được những kết quả quan trọng.
 
Hoạt động của hội luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và hướng về cơ sở, sát HVND. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng, củng cố tổ chức hội, phát triển và nâng cao chất lượng HV được chú trọng. Trong đó, tập trung xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp (CH, THNN).
 
Trong nhiệm kỳ, đã sáp nhập 7 cơ sở hội, thành lập mới 25 CHNN, 225 THNN. Toàn tỉnh hiện có 150 cơ sở hội, 1.195 CH, 1.265 TH. Mô hình CH, THNN bước đầu thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp HV, khắc phục được nhiều hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt hội theo CH, TH truyền thống. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh phát triển mới 13.922 HV, nâng tổng số HV toàn tỉnh hiện nay lên 159.832 người.
 
Các phong trào thi đua yêu nước được đông đảo HVND hưởng ứng thực hiện. Đặc biệt, phong trào “ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
 
- P.VXin đồng chí có thể chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả đạt được của phong trào “ND thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trong nhiệm kỳ qua?
 
* Đ/c Trần Tiến Sỹ: Đây được xác định là phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong các phong trào thi đua của hội, do đó, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chuyển mạnh sang hoạt động tư vấn, hỗ trợ ND.
 
Hội ND tỉnh đã ký kết, triển khai thực hiện chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, doanh nghiệp; thực hiện các hoạt động tạo nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng mô hình SXKD có hiệu quả; biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của nông dân huyện Quảng Trạch.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của nông dân huyện Quảng Trạch.

5 năm qua, phong trào đã thu hút hàng chục nghìn HVND tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực của ND tham gia phát triển SXKD, góp phần ổn định kinh tế, nâng cao đời sống. Bình quân hàng năm có gần 125.500 lượt hộ HVND đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu ND SXKDG các cấp. Kết quả bình xét, giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh có 76.885 hộ đạt hộ ND SXKDG các cấp, chiếm 61,3% so với số hộ đăng ký.

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, doanh thu hàng tỷ đồng/năm, là điển hình tiên tiến, tấm gương tiêu biểu, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của ND. Nhiều HVND được Trung ương Hội ND Việt Nam bình chọn, tôn vinh và trao danh hiệu "ND Việt Nam xuất sắc", là biểu tượng của một lớp ND mới.
 
Những ND SXKDG vừa làm giàu cho gia đình, vừa giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vật tư, vốn, việc làm để vươn lên thoát nghèo. 5 năm qua, các hộ SXKDG đã đóng góp 8.290 triệu đồng, trên 21.000 ngày công để giúp đỡ 4.512 hộ thoát nghèo.
 
Phong trào “ND thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” cũng đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cơ cấu lao động của tỉnh, xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; là cơ sở thực tiễn để cấp ủy, chính quyền xây dựng, điều chỉnh, chính sách, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
- P.V: Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho ND được xem là khá quan trọng, góp phần đáng kể giúp ND làm giàu và giảm nghèo bền vững. Vậy, nhiệm kỳ qua, công tác này đã được Hội ND tỉnh thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
 
* Đ/c Trần Tiến Sỹ: Hội ND tỉnh đã triển khai công tác xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân (QHTND) và tổ chức hoạt động tạo vốn cho HVND vay đạt nhiều kết quả khả quan, tạo điều kiện cho ND có vốn phát triển SXKD, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
 
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ, nhiệm kỳ 2018-2023, QHTND tăng gần 35 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 23,32%. Tổng nguồn QHTND toàn tỉnh đến ngày 30/6/2023 là trên 56.136 triệu đồng; nguồn Trung ương hội ủy thác 15.550 triệu đồng. 8/8 đơn vị cấp huyện hàng năm đều được ngân sách cấp bổ sung vốn cho QHTND từ 100-500 triệu đồng, có 7/8 đơn vị có nguồn QHTND đạt trên 1 tỷ đồng. Cùng với QHTND, các cấp hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội nhận tín chấp và ủy thác cho HVND vay.
nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động
Nhiều HVND có quy mô sản xuất lớn, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.

Đối với công tác dạy nghề cho ND, trong nhiệm kỳ, các cấp hội tổ chức 487 lớp dạy nghề cho 16.256 lượt lao động nông thôn. Sau đào tạo nghề, hàng nghìn HVND đã phát huy vốn kiến thức, kỹ năng, mạnh dạn áp dụng vào thực tế, đầu tư mở rộng SXKD, tạo việc làm và mang lại thu nhập cao.

Các cấp hội đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao, cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật; tổ chức các hội nghị, tham gia các hội chợ, triển lãm, festival để quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống cho ND…

- P.V: Thưa đồng chí, bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm kỳ qua CTH và PTND của tỉnh còn tồn tại, hạn chế gì?

* Đ/c Trần Tiến Sỹ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội ND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2018-2023 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, CTH và PTND vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số cơ sở hội thiếu thường xuyên, chưa chú trọng tới hiệu quả. Công tác nắm bắt thông tin, tổng hợp và báo cáo tình hình tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nhân dân có lúc còn chậm.

Việc đổi mới phương thức hoạt động ở một số tổ chức hội chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xây dựng CH, THNN còn khó khăn. Việc thực hiện kết luận kiểm tra, giám sát còn chưa nghiêm. Khen thưởng ND trực tiếp lao động sản xuất chưa nhiều.

Các phong trào thi đua chưa thật sự sôi nổi, chất lượng chưa cao, kết quả chưa đồng đều giữa các vùng miền, các địa phương. Việc xây dựng, duy trì, nhân rộng các hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhiều bất cập. Các chương trình phối hợp giữa Hội ND với một số sở, ngành hiệu quả chưa cao.

Phong trào “ND thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” cũng đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Phong trào “ND thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, dịch vụ, hỗ trợ cho ND còn thụ động, trông chờ vào nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Một số nơi, các cấp hội chưa phát huy hết vai trò trong tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và giải quyết khiếu nại, tố cáo của ND...

- P.V: Phát huy kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2018-2023, trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Hội ND tỉnh xác định những nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực đột phá nào để tiến tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra?

* Đ/c Trần Tiến Sỹ: Với những kết quả đạt được nhiệm kỳ qua, cũng như các dự báo tình hình thuận lợi, khó khăn trong nhiệm kỳ mới 2023-2028, Ban Chấp hành Hội ND tỉnh đề ra phương hướng tập trung nâng cao nhận thức của HVND về xây dựng giai cấp ND Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để phát huy tinh thần "Đoàn kết-Đổi mới-Hợp tác-Phát triển".

Cụ thể, có 4 mục tiêu của nhiệm kỳ như sau: Tăng cường xây dựng Hội ND các cấp trong tỉnh vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hội. Tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế và xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của HVND.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong HVND gắn với thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của hội: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ND; tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ ND phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giúp ND nâng cao nhận thức về nông nghiệp bền vững, về kinh tế nông nghiệp.

Thực hiện tốt vai trò nòng cốt của tổ chức hội, vai trò chủ thể, trung tâm của giai cấp ND trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM. Tích cực tham gia giám sát và phản biện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, ND, nông thôn.

Và cuối cùng là định hình mới về vai trò, vị thế, năng lực của người ND trong thời kỳ mới nhằm thúc đẩy ý chí tự lực, tự cường, hợp tác và chia sẻ tính chuyên nghiệp và khát vọng làm giàu của người ND.

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Phan Phương (thực hiện)

tin liên quan

Nửa thế kỷ và tình đoàn kết vô giá

(QBĐT) - Mùa thu năm 1973, khi chiến trường Quảng Trị còn nồng mùi thuốc súng, lãnh tụ Fidel Castro đã có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên và đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự có mặt của vị lãnh tụ lừng danh từ đất nước Cuba anh em là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam, trong đó có Quảng Bình. 

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh: Bế giảng lớp bồi dưỡng công tác Đảng năm 2023

(QBĐT) - Chiều nay, 14/9, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư, phó bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở năm 2023.
 

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận năm 2023

(QBĐT) - Chiều nay, 14/9, Trường Chính trị Quảng Bình phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận năm 2023.