.

Kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh được trả lời như thế nào? (tiếp theo)

Thứ Tư, 14/12/2016, 09:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII, Chủ tọa kỳ họp đã bố trí nhiều thời gian để lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện thành phố, thị xã trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi lại nội dung trả lời những vấn đề bức xúc nổi lên mà cử tri quan tâm như sau:

- Cử tri phản ánh hệ thống kênh thoát nước trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Thượng Hóa (Minh Hóa) và xã Phúc Trạch (Bố Trạch) không bảo đảm việc thoát nước nên gây ngập úng thường xuyên trong mùa mưa, lũ. Đề nghị tỉnh nâng cấp và đầu tư hệ thống kênh thoát nước trên tuyến đường Hồ Chí Minh bảo đảm tốt cho việc thoát nước.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải trả lời: Theo phân cấp, đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh ta do Cục Quản lý Đường bộ II là cơ quan quản lý khu vực của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì.

Đối với đoạn qua thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa, đây là đoạn tuyến thường xuyên bị ngập lụt nặng trong mùa mưa lũ hàng năm, có khi bị ngập sâu từ 4 đến 5m, gây ách tắc giao thông hoàn toàn trong nhiều ngày. Việc nâng cấp để tránh ngập lụt đoạn tuyến này là rất cần thiết và thực sự cấp bách. Trước đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với Cục Quản lý Đường bộ II nhiều lần báo cáo Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị nâng cấp chống ngập lụt đoạn đường này, nhưng do chưa có nguồn vốn nên chưa được chấp thuận.

Tại cuộc họp giữa đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh vào ngày 15-10-2016 để bàn giải pháp khắc phục hậu quả lũ lụt, ý kiến của Bộ GTVT cho rằng, cần phải nghiên cứu, có giải pháp xử lý đoạn ngập lụt này để bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.  Hiện tại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giao cho Ban Quản lý dự án 4 tiến hành xử lý chống ngập đoạn tuyến này theo hướng khơi thông hang ngầm, dọn các chướng gại vật gây cản trở thoát nước tại khu vực này.

Đối với đoạn qua nghĩa trang xã Phúc Trạch, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Đường bộ 494, hai bên tuyến từ Km 945+095 – Km 946+305 được bố trí hệ thống thoát nước dọc bằng rãnh kín có nắp đậy. Nước trong khu vực được thoát qua hệ thống rãnh dọc và đổ về cống tròn tại Km 946+160 để thoát ra ngoài. Trong quá trình khai thác từ năm 2003 đến nay, các hộ dân hai bên tuyến đổ đất san lấp mặt bằng để thi công nhà cửa, đường ngang... phương tiện vận chuyển chở vật liệu ra vào làm gãy vỡ tấm đan, gây hư hỏng rãnh thoát nước, đất đá lấp làm tắc rãnh, gây ngập nước khi trời mưa.

Đơn vị quản lý đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho dân về công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời, đã trực tiếp làm việc với các hộ dân có liên quan để khắc phục tình trạng nêu trên nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Vì vậy, khi có mưa khu vực này bị ngập nước do không có chỗ thoát. Hiện tại, Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 494 đã lập kế hoạch báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Quản lý Đường bộ II đề nghị cho phép đầu tư sửa chữa hệ thống rãnh dọc trên đoạn tuyến này nhằm bảo đảm thoát nước tốt trong mùa mưa.

- Cử tri huyện Bố Trạch đề nghị tỉnh đầu tư kinh phí nạo vét cửa sông Lý Hòa và hệ thống thoát nước liên quan để tàu thuyền ra vào được thuận lợi và các xã lân cận không bị ngập úng trong mưa lũ.

Giám đốc Sở GTVT trả lời: Việc nạo vét, khơi thông các cửa sông là hết sức cần thiết. Trong điều kiện ngân sách hiện nay đang còn rất nhiều khó khăn, chủ trương chung của Chính phủ là ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Dự án nạo vét, thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại cửa sông Lý Hòa được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Cát Biển vào ngày 22-9-2009.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa, thường xuyên bị ngập lụt nặng trong mùa mưa lũ và gây ách tắc giao thông hoàn toàn trong nhiều ngày.
Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa, thường xuyên bị ngập lụt nặng trong mùa mưa lũ và gây ách tắc giao thông hoàn toàn trong nhiều ngày.

Tuy nhiên, ngày 29-9-2009, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1819/TTg-KTN yêu cầu dừng toàn bộ việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng, cát vật liệu san lấp...Vì vậy, chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án.

Tháng 12-2012, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ quy định xuất khẩu khoáng sản, xử lý hồ sơ hoạt động khoáng sản tồn đọng và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản, trong đó đồng ý chủ trương cho phép xuất khẩu các sản phẩm nhiễm mặn thuộc các dự án nạo vét cửa sông. Tháng 8-2014, dự án nạo vét, thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại cửa sông Lý Hòa đã được UBND tỉnh điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư sang cho Công ty TNHH Sài Gòn – Hà Nội và dự án đi vào hoạt động quý IV-2014.

Tuy nhiên, vào tháng 2-2015 do có sự phản đối của nhân dân xã Hải Trạch và Đức Trạch bằng đơn  kiến nghị, đề nghị không tổ chức nạo vét vì lo ngại sạt lở bờ sông, bờ biển ảnh hưởng đến sự ổn định của khu dân cư...nên dự án chưa triển khai.

Sau khi có ý kiến phản đối của người dân trong vùng dự án, Sở Tài nguyên – Môi trường đã có báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri xã Hải Trạch đối với dự án này. Trong đó, đề nghị nhà đầu tư phối hợp với địa phương để công khai thông tin về dự án, chủ động đối thoại với người dân để xem xét, điều chỉnh dự án cho phù hợp nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa tích cực chủ động làm việc với UBND huyện Bố Trạch và UBND các xã Đức Trạch, Hải Trạch để đối thoại với người dân trong vùng dự án.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2293/VPUBND-XDCB, ngày 11-10-2016, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã có Công văn số 2303/KHĐT-KTTTTN, ngày 18-10-2016 báo cáo UBND tỉnh đề nghị UBND tỉnh có văn bản yêu cầu nhà đầu tư báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư và thực hiện các thủ tục giãn tiến độ dự án theo quy định của Luật Đầu tư, chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương và người dân để tạo được sự đồng thuận và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

- Cử tri huyện Quảng Ninh phản ánh một số phương tiện giao thông của cán bộ, nhân viên trong huyện hàng ngày không lưu thông qua tuyến đường BOT nhưng phải đóng phí, vì Trạm thu phí cầu Quán Hàu đóng trên tuyến Quốc lộ 1. Đề nghị  tỉnh xem xét, chỉ đạo để cán bộ và nhân dân không phải đóng phí.

Giám đốc Sở GTVT: Vấn đề này đã được Sở GTVT báo cáo nhiều lần tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, ngày 17-6-2016, Bộ GTVT đã có công văn số 6861/BGTVT-TC trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, cụ thể như sau: “Năm 2013, thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ GTVT đã tiếp tục phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn Km672+600 – km704+900 theo hình thức BOT.

Theo đó, sử dụng Trạm thu phí Quán Hàu đang thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh thành phố Đồng Hới để cùng thu phí hoàn vốn cho dự án này. Tập đoàn Trường Thịnh cũng là nhà đầu tư thực hiện dự án. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 93/2015/TT-BTC, ngày 19-6-2015 để thực hiện thu phí hoàn vốn cho cả hai dự án nêu trên.

Trong phương án tài chính của hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn Km672+600 – Km 704+900, đã tính toán cho cả hai dự án nêu trên và đã xác định đặt trạm thu phí ở vị trí cầu Quán Hàu mới bảo đảm khả năng thu hồi vốn đầu tư cho các dự án. Nếu đặt trạm thu phí ở vị trí khác sẽ không thu hút được nhà đầu tư tham gia đầu tư, vì dự án không có khả năng hoàn vốn.

Mặt khác, nếu đặt trạm thu phí ngay trên đường tránh thành phố Đồng Hới sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện đi qua Quảng Bình sẽ tránh trạm thu phí bằng cách đi trực tiếp vào đường nội thị, dẫn đến ùn tắc giao thông trong thành phố Đồng Hới, gây mất trật tự an toàn giao thông”.

Đối với đề xuất miễn phí cho các phương tiện của nhân dân địa phương, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản số 891/UBND, ngày 13-8-2013 báo cáo Bộ GTVT và được Bộ GTVT phúc đáp tại công văn số 9643/BGTVT, ngày 16-9-2013 trong đó cho rằng: Việc thực hiện đề xuất miễn phí cho các phương tiện của nhân dân địa phương sẽ dẫn đến tình trạng khiếu kiện của chủ phương tiện không phải là người dân địa phương, nhưng cũng thường xuyên đi qua trạm thu phí này và tạo nên tình trạng thiếu minh bạch khi xác nhận phương tiện ở địa phương để được miễn phí...

Gần đây nhất, Sở GTVT đã làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh và đã tham mưu cho UBND tỉnh có các văn bản báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét, đề nghị giảm giá từ 40-50% mức phí theo giá mới cho tất cả các xe chở người từ 9 ghế trở xuống và xe chở hàng có trọng tải dưới từ 2 tấn trở xuống có biển kiểm soát đăng ký trong tỉnh Quảng Bình khi đi qua các trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 (trạm Tasco và Quán Hàu).

Tiếp theo, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản số 560/UBND-XDCB, ngày 25-4-2016 báo cáo Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét phương án cho phép tính toán kéo dài thời gian thu phí để bù vào khoản chênh lệch khi giảm mức phí và chỉ đạo các nhà đầu tư sớm thực hiện việc giảm mức phí cho các đối tượng nói trên nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT tại văn bản số 6678/BGTVT-ĐTCT, ngày 14-6-2016 và Bộ Tài chính tại văn bản số 8302/BTC-CST, ngày 20-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 6370/VPCP-KTTH, ngày 2-8-2016 đồng ý phương án, giải pháp và lộ trình thực hiện việc giảm phí đường bộ như đề xuất của Bộ Tài chính. Đồng thời, giao Bộ GTVT rà soát các dự án BOT đã ký để đàm phán, thống nhất với nhà đầu tư về điều chỉnh mức phí, lộ trình thực hiện đối với từng dự án BOT, trên cơ sở đó đề nghị Bộ Tài chính kịp thời ban hành Thông tư điều chỉnh mức phí phù hợp.

Ngày 8-9-2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 135/2016/TT-BTC điều chỉnh mức thu phí tại 5 trạm thu phí đường bộ trên Quốc lộ 1, trong đó có trạm thu phí Quán Hàu và được áp dụng từ ngày 15-9-2016. Tuy nhiên, khi đàm phán với nhà đầu tư về đề xuất miễn phí cho các phương tiện của nhân dân địa phương, theo ý kiến của nhà đầu tư, nếu miễn phí sẽ ảnh hưởng đến phương án thu hồi vốn dự án theo nội dung hợp đồng BOT đã ký kết.

Ngoài ra, sẽ rất khó khăn trong việc xác định đối tượng được miễn phí, gây nên tình trạng khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội... nên việc đề xuất miễn phí cho các phương tiện của nhân dân địa phương là không thể thực hiện được.

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước đang còn hạn hẹp, việc xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vì vậy, Sở GTVT cũng xin báo cáo để cử tri được rõ và cùng chia sẻ những khó khăn chung của Chính phủ và của ngành GTVT trong giai đoạn hiện nay. Cũng theo công văn số 6861/BGTVT, ngày 17-6-2016 của Bộ GTVT, hiện tại Bộ Tài chính đã quy định bán vé tháng (có mệnh giá bằng 30 lần vé lượt), vé quý (có mệnh giá bằng 3 lần vé tháng và được tiết giảm thêm 10%), vé có giá trị sử dụng trong tháng, trong quý và không hạn chế số lần qua trạm thu phí.

Do vậy, nhân dân trong địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với nhân dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh thường xuyên qua lại Trạm thu phí Quán Hàu nên chọn phương án mua vé tháng, vé quý để tiết kiệm được chi phí lưu thông qua trạm thu phí này.

Bùi Thành

(Còn nữa)