Di tích lịch sử sân bay Khe Gát đang bị xâm hại

Cập nhật lúc 13:59, Thứ Năm, 07/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Sân bay Khe Gát nằm ở địa phận thôn 1 Khe Gát, xã Xuân Trạch (Bố Trạch), là di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn, nơi ghi lại những hoạt động của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trải qua thời gian, di tích lịch sử này đang có dấu hiệu bị xâm hại nghiêm trọng.

Cạnh sân bay Khe Gát có tấm bia đá ghi lại rằng, di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn "Sân bay dã chiến Khe Gát, nơi đây, từ 1969 đến 1972 lực lượng Không quân đã sử dụng máy bay phản lực chiến đấu để yểm trợ cho đường Hồ Chí Minh. Riêng ngày 19-4-1972 (lúc 16 giờ 5 phút) phi đội Mic 17 của Nguyễn Văn Bảy (B) và Lê Xuân Dị đã bắn cháy 2 tàu khu trục thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tại vùng biển Quảng Bình". Khi xây dựng đường Hồ Chí Minh nhánh đông, di tích lịch sử sân bay Khe Gát là một đoạn đường được rải nhựa nằm chồng lên trên tuyến. Ở hai đầu sân bay, cơ quan chức năng đã cắm hai tấm biển "Di tích lịch sử" và cạnh đường có bia đá ghi lại những sự kiện như đã nói ở trên.

Bia di tích lịch sử quốc gia sân bay Khe Gát.
Bia di tích lịch sử quốc gia sân bay Khe Gát.

Vào những ngày đầu năm 2013, khi có mặt tại di tích lịch sử này, chúng tôi nhận thấy sân bay Khe Gát đang có dấu hiệu bị xâm hại nghiêm trọng, nhất là điểm ở hai đầu sân bay. Đặc biệt phía lên đèo Đá Đẽo, người dân đã đổ đất lên sân bay, đào bới làm biến dạng hoàn toàn và cắm cọc làm hàng rào dây thép gai để tạo khuôn viên trồng keo lai. Tấm biển ghi "Di tích lịch sử" ngày trước nằm bên ven đường nay đã bị rào lại nằm lẫn với rừng keo lai cao gần quá đầu người.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch tỏ ra khá bất ngờ về những hiện tượng xâm hại di tích lịch sử sân bay Khe Gát; đồng thời cho rằng, vấn đề này mới phát sinh nên xã sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý (?!). Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2010, khi xây dựng công trình đường đôi đoạn qua sân bay Khe Gát (cũ), tuyến đường mới đã được làm thẳng vào cao hơn tuyến đường cũ nên đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân ở khu tái định cư phía nam sân bay.

Tấm biển
Tấm biển "Di tích lịch sử" nay đã nằm trong rừng keo lai.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thanh cho hay, UBND xã Xuân Trạch đã gửi công văn đề nghị Ban quản lý đường Hồ Chí Minh làm đường gom dân sinh cho người dân ở đây nhưng vẫn chưa có hồi âm. Bên cạnh đó, việc xây dựng đường mới (nhưng lại chưa có các biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý, bảo vệ di tích) vô hình chung đã đưa di tích lịch sử sân bay Khe Gát vào hoàn cảnh bị xâm hại như hiện nay.

Thiết nghĩ việc bảo tồn các di tích-trong đó có di tích lịch sử sân bay Khe Gát-là nhiệm vụ rất quan trọng đối với các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng về lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý đã làm "tổn thương" di tích lịch sử sân bay Khe Gát, dẫn đến hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, gìn giữ một địa điểm đã được ghi dấu trong lịch sử, làm ảnh hưởng đến giá trị truyền thống đấu tranh giữ nước cho hôm nay và mai sau.

                                                                                     Minh Văn




 

,
.
.
.