Quản lý giá điện nhà trọ: Đừng để "nước đến chân… mới nhảy"!

Cập nhật lúc 13:57, Thứ Tư, 06/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Thông tư 38/2012/TT-BCT của Bộ Công thương Quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện đã có hiệu lực thi hành từ ngày 22 -12-2012. Trong đó, nhiều điều khoản quy định cụ thể về cách và mức giá bán điện cho đối tượng ở trọ nhằm bảo đảm quyền lợi cho người thuê nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư vẫn còn khá nhiều bất cập.

Theo Thông tư này, giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/Kwh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đối với giá bán lẻ điện sinh hoạt cho sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (bên thuê nhà không phải là hộ gia đình), bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, cụ thể: 1 người được tính là ¼ định mức, 2 người được là ½ định mức, 3 người được tính là ¾ định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Đối với trường hợp cho hộ gia đình thuê, mỗi hộ gia đình thuê nhà được tính 1 định mức.

Do đó, giá áp dụng cho 100 Kwh đầu tiên sẽ là 1.350 đồng/Kwh. Từ Kwh thứ 101 trở đi sẽ tính theo giá điện bậc thang và giá cao nhất trong khung giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang hiện nay là 2.307 đồng/Kwh. Thế nhưng, trên thực tế, tại các nhà trọ dành cho sinh viên và người lao động thuê trên địa bàn TP.Đồng Hới, mức giá điện vẫn ở mức cao. Theo khảo sát của chúng tôi, nơi thấp nhất là 2.000 đồng/Kwh (chủ yếu ở khu vực phường Đồng Phú...) và nơi cao nhất là 3.000 đồng/Kwh (khu vực quanh Đại học Quảng Bình, khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới...).

Các khu nhà trọ dành cho công nhân ở khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới thường có giá điện 3.000 đồng/Kwh.
Các khu nhà trọ dành cho công nhân ở khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới thường có giá điện 3.000 đồng/Kwh.

Bạn Nguyễn Thị T., hiện đang thuê nhà tại tiểu khu 15 phường Bắc Lý, cho biết: “Dãy nhà trọ của em gồm 5 phòng và mỗi phòng có công tơ điện riêng. Hàng tháng, bà chủ nhà thu tiền điện các phòng (dù ở 1 người hay nhiều người) theo mức giá chung là 3.000 đồng/Kwh và lấy thêm 5.000 đồng tiền điện thắp sáng ở sân.

Điều đáng nói là không hiểu sao đồng hồ điện nhiều lúc chạy khá nhanh. Phòng của chị N. chỉ có 1 bóng đèn điện, 1 quạt điện (chỉ sử dụng vào ngày hè) và 1 nồi cơm điện nhưng nhiều tháng tiền điện lên tới hơn 100.000 đồng/tháng”. Khi được hỏi về một số nội dung liên quan đến giá điện dành cho người thuê nhà theo Thông tư 38/2012/TT-BCT, T. và các bạn lại lắc đầu không biết. Tình trạng này cũng diễn ra ở những khu nhà trọ dành cho công nhân tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới.

Trong vai một công nhân đang tìm nhà trọ, chúng tôi được biết hầu hết các khu nhà trọ ở đây đều lấy giá điện theo mức 3.000 đồng/Kwh. Một chủ nhà trọ khi được hỏi về việc tính giá điện sinh hoạt theo định mức cứ 4 người được tính 1 hộ sử dụng điện, đã cho biết: “Căn cứ theo đồng hồ điện mắc tại mỗi phòng, người thuê nhà dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, cứ 3.000 đồng/Kwh. Dù người thuê trọ là một hộ gia đình (gồm cả vợ, chồng, con cái) cũng cứ tính theo như vậy” (?!). Rõ ràng, vẫn còn khá nhiều sinh viên và người lao động vẫn chưa nắm rõ được những quy định về giá điện của Bộ Công thương, từ đó dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi và cũng không có sự phản ánh nào với cơ quan chức năng. Còn về phía chủ nhà cho thuê, vì lợi ích của mình, thật không dễ để họ sẵn sàng phổ biến các nội dung đó.

Ông Lưu Đức Sơn, Phó phòng Kinh doanh, Điện lực Đồng Hới cho biết, theo Thông tư số 38/2012/TT-BCT, đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên, chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có sự bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà). Trường hợp thời gian thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện. Trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện, thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành và cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.

Ông Sơn khẳng định đã có số lượng lớn các chủ trọ đến ký hợp đồng mua bán điện và có thực hiện theo đúng thông tư là mang theo đăng ký tạm trú của người thuê trọ để đăng ký định mức. Còn trường hợp người thuê nhà đến trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện lại rất ít, bởi họ cho rằng cần có sự ràng buộc các bên, cũng như nhiều thủ tục rườm rà. Việc các chủ nhà tự ý quy định mức giá điện từ 2.000 – 3.000 đồng/Kwh là vấn đề cần giải quyết giữa chủ nhà cho thuê và người đi thuê. Nếu có sự phản ánh từ người dân, Công ty sẽ có sự kiểm tra, nhắc nhở và xử lý.

Phía đại diện lãnh đạo Sở Công thương-đơn vị có chức năng kiểm tra, giám sát các đơn vị bán lẻ điện thuộc địa bàn quản lý trong việc thực hiện giá bán điện theo quy định tại Thông tư 38/2012/TT-BCT-cho biết trong thời gian qua Sở chưa có đợt kiểm tra đột xuất hay định kỳ nào đối với các nhà trọ cho sinh viên và người lao động thuê. Bởi, từ trước đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa có vụ việc nổi cộm nào hay biến động lớn về vấn đề này và quy mô nhà trọ vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Thêm vào đó, các phòng, ban ở cấp huyện, thành phố cũng có nhiệm vụ quản lý, giám sát chặt chẽ. Trong những năm tới, Sở sẽ sớm có kế hoạch kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời các vi phạm.

Tuy nhiên, “cẩn tắc vô ưu”, để bảo đảm quyền lợi cũng như trách nhiệm của người thuê nhà và chấm dứt những vi phạm trong việc mua bán điện nhà trọ, rất cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, từ khâu tuyên truyền, phổ biến nội dung của Thông tư 38/2012/TT-BCT cho đến khâu kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Có như vậy, người thuê trọ mới có thể hưởng được giá điện chuẩn.

                                                                                Mai Nhân




 

,
.
.
.