Cải cách hành chính:

Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính

Cập nhật lúc 14:25, Thứ Ba, 05/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17-5-2005 và Nghị định 43/2006/NĐ- CP ngày 25- 4- 2006 của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm sử dụng biên chế và kinh phí đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2012 ở tỉnh ta đã có những tín hiệu tích cực. Nhiều đơn vị đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công và tiết kiệm được kinh phí cho đơn vị, tăng thu nhập cho người lao động.

Sau khi hai Nghị định (NĐ) 130/2005/NĐ- CP và NĐ 43/2006 NĐ- CP của Chính phủ được ban hành, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xây dựng chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế và kinh phí chi tiêu nội bộ; quản lý sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp. Đối với Nghị định 43/2006/NĐ- CP của Chính phủ sau khi được ban hành, các đơn vị sự nghiệp công lập đã tiến hành thực hiện việc kiểm soát chi tiêu nội bộ, phát huy tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của người lao động, thay đổi kỹ năng quản lý, thực hiện tiết kiệm nghiêm túc, đúng quy chế.

Thực hiện Nghị định 130 của Chính phủ, trong năm 2012, đã có 100% cơ quan hành chính nhà nước xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công; điều hành dự toán chi ngân sách theo quy chế chi tiêu nội bộ và các định mức tiêu chuẩn nhà nước. Các cơ quan hành chính đã triển khai nhiều biện pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng kinh phí được giao đúng mục đích, có hiệu quả. Trong số 54 đơn vị dự toán thực hiện theo cơ chế tự chủ theo NĐ 130 thì có 30 đơn vị tiết kiệm trong quản lý chi tiêu (đạt tỷ lệ 56%). Số tiền tiết kiệm được trong năm 2012 đạt được 2.700 triệu đồng. Bình quân, mỗi cán bộ công chức thu nhập tăng 270 ngàn đồng/người/tháng.

Thực hiện NĐ số 43/2006/NĐ- CP ngày 25- 4- 2006 của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập, năm 2012, toàn tỉnh có 132/132 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động. Thực hiện NĐ này, các đơn vị đã bám sát thông tư số 71/2006/TT- BTC ngày 9- 8- 2006 để tiến hành xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công; điều hành dự toán chi ngân sách theo quy chế chi tiêu nội bộ và các định mức theo tiêu chuẩn nhà nước. Trong số 132 đơn vị sự nghiệp đã có 80 đơn vị tiết kiệm kinh phí tự chủ (đạt 61%), số tiền tiết kiệm ước đạt 22.500 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người tăng thêm 390 ngàn đồng/người/tháng.

Ông Trần Thuynh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: NĐ 130 và NĐ 43/CP phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong thời kỳ đổi mới. Qua đó càng nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, tăng cường sự giám sát của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sử dụng biên chế, kinh phí để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từng bước hạn chế tình trạng cấp trên can thiệp quá sâu vào công việc cấp dưới, cấp dưới trông chờ vào sự chỉ đạo cụ thể của cấp trên; chủ động phân bổ tài chính theo nhu cầu. Hiệu quả còn thể hiện rõ là việc thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong khâu phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước. Trên cơ sở mở rộng các dịch vụ đã tăng nguồn thu cho đơn vị và người lao động, tạo điều kiện cho người dân có thêm điều kiện để tiếp cận với các loại hình dịch vụ có chất lượng cao. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng đã góp phần thúc đẩy các cơ quan sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ công chức phù hợp với năng lực, quyền hạn và cơ cấu của đơn vị...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện hai NĐ này vẫn có nhiều hạn chế, vướng mắc, như: NĐ 130 xác định mức ngân sách giao thực hiện cơ chế tự chủ căn cứ vào biên chế; chưa gắn với kết quả chất lượng công việc nên có một số cơ quan, đơn vị xin tăng biên chế để được tăng kinh phí tự chủ. Việc xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công và quy chế chi tiêu nội bộ ở một số cơ quan còn mang tính hình thức, chưa kịp thời sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định hiện hành...

Đối với NĐ 43, đó là quy chế chi tiêu nội bộ và phân phối thu nhập còn hạn chế, mang tính bình quân, chưa thật sự khuyến khích người lao động trong công việc, chưa gắn hiệu quả và chất lượng công việc. Định mức phân bổ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thật sự khuyến khích và ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà vẫn còn nặng về tính bao cấp và bình quân, đồng thời gây nên sự trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước...

Để thực hiện hai NĐ trên có hiệu quả hơn trong năm 2013, Sở Tài chính đã đưa ra một số giải pháp. Đó là, phải tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến toàn cán bộ, công nhân viên và nhân dân về Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rồi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm tiếp tục triển khai. Quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và tự kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc, đặc biệt ở các xã, phường, thị trấn. Kịp thời uốn nắn, xử lý những biểu hiện sai trái, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện chế độ tài chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo hai NĐ nêu trên. Kiểm tra, rà soát quy chế chi tiêu nội bộ; kiến nghị các cấp có thẩm quyền về việc điều chỉnh, bổ sung kịp thời một số định mức, tiêu chuẩn không còn phù hợp. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ, sớm đưa cơ chế một cửa liên thông vào hoạt động; thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên.

Đối với UBND tỉnh, sớm chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt các tiêu chí cơ bản làm căn cứ đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thực hiện tự chủ. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về kiểm tra, thanh tra lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với công tác kiểm tra, thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, giao trách nhiệm cụ thể cho giám đốc các sở, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí...

                                                                       Xuân Vương




 

,
.
.
.