Vượt qua gian khó...

Cập nhật lúc 13:59, Thứ Tư, 06/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhớ lại những ngày đầu khi mới thành lập, Ban Dân tộc và Miền núi  (Ban DTMN -  tên gọi lúc mới thành lập) chỉ có 6 cán bộ công chức. Anh Mai Xuân Thu làm Trưởng ban, tôi làm phó trưởng ban cùng 4  anh em khác. Cơ sở vật chất của Ban lúc đầu chưa có gì-UBND tỉnh cấp cho một chiếc xe Uaz cũ (xe của Văn phòng UBND tỉnh thời kỳ Bình Trị Thiên). Ủy ban nhân dân thị xã Đồng Hới cho mượn 2 phòng làm việc (diện tích tổng cộng 40m2).

Do bàn  giao công việc chưa xong, tôi đến nhận công tác chậm 1 tuần so với thời gian ghi trong quyết định điều động. Mặc dầu gặp muôn vàn khó khăn buổi ban đầu nhưng đồng chí trưởng ban khẩn trương lo ổn định tổ chức và nhanh chóng triển khai công việc. Việc đầu tiên là giao kế toán lập dự toán chi để xin kinh phí hoạt động, tổ chức họp cơ quan để phân công công việc tạm thời, chủ yếu là phân công công việc trong lãnh đạo để báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đồng thời với việc ổn định tổ chức, cơ quan làm văn bản đề nghị Đảng ủy cơ quan dân chính đảng thành lập chi bộ gồm 4 đảng viên. Tôi được chỉ định làm bí thư chi bộ.

Về bộ máy làm công tác dân tộc miền núi ở cấp huyện thời gian này là các Ban định canh định cư. Huyện Minh Hóa do diện vận động định canh định cư (ĐCĐC) lớn nên có Ban ĐCĐC độc lập. Các huyện khác bộ phận ĐCĐC ghép vào phòng nông nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao theo Quyết định số 168/QĐ-UB ngày 8/3/1993, sau khoảng 10 ngày lo nơi làm việc và ổn định tổ chức đồng chí trưởng ban xin phép Chủ tịch UBND tỉnh ra Hà Nội để làm việc với Ủy ban Dân tộc và Miền núi.

Hợp phần phát triển sản xuất CT 135 (đồng bào dân tộc đang làm lúa nuớc).
Hợp phần phát triển sản xuất CT 135 (đồng bào dân tộc đang làm lúa nước).

Mục đích chuyến đi trước hết là báo cáo với Ủy ban về mặt tổ chức, vừa để xin ý kiến chỉ đạo của trên về các công việc cần phải triển khai và học hỏi kinh nghiệm các địa phương khác. Tôi không được tham gia chuyến công tác đó nhưng được anh Mai Xuân Thu khi trở về thông báo là rất thành công.

Sau chuyến công tác này, anh  Mai Xuân Thu chỉ đạo cơ quan khẩn trương phối kết hợp các ngành, các cấp liên quan triển khai ngay việc thu thập số liệu, tổng hợp làm căn cứ để phân định 3 khu vực miền núi báo cáo UBND tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và cấp bách mà cán bộ Ban DTMN tỉnh xem như thử thách đầu tiên. Với số cán bộ quá ít ỏi, địa bàn điều tra rộng, thời gian yêu cầu lại khẩn trương, anh em trong Ban tưởng chừng không hoàn thành nhiệm vụ được.

Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, khả năng “tác chiến” tốt, trong thời gian chưa đầy 1 tháng, tỉnh Quảng Bình đã hoàn thành báo cáo phân định 3 khu vực gửi Chính phủ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra các Quyết định số 21, số 08, số 33... phân định  3 khu vực miền núi đối với tỉnh Quảng Bình. Theo đó, Trung ương công nhận tỉnh Quảng Bình có 64 xã, thị trấn miền núi, vùng cao làm cơ sở để thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội sau này, như chính sách hỗ trợ đồng bào đặc biệt khó khăn, chính sách định canh định cư, chính sách trợ giá trợ cước,  Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã, Chương trình 135, chính sách theo Quyết định 134/2004/QĐ –TTg...

Hoàn thành việc phân định 3 khu vực miền núi theo trình độ phát triển được Chính phủ phê duyệt là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách tiếp theo từ 1993 đến 2002. Có thể kể: từ năm 1993 đến 1995, xây dựng và trình duyệt 27 dự án ĐCĐC; từ năm 1995 đến 1996, xây dựng và trình duyệt các dự án Trung tâm cụm xã (TTCX), 13/17 dự án được phê duyệt, trong đó có 12 dự án TTCX được ngân sách Trung ương bố trí vốn đầu tư xây dựng. Đến nay, nhiều dự án TTCX đầu tư rất có hiệu quả, tạo động lực để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng như TTCX Hóa Tiến, TTCX Trung Hóa (huyện Minh Hóa), TTCX Phúc-Lâm-Xuân  (huyện Bố Trạch)...

Từ năm 1997 đến 1998, điều tra kinh tế -xã hội, điều kiện tự nhiên các xã, thôn bản miền núi, vùng cao để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, trình Chính phủ phê duyệt danh sách các xã được thụ hưởng Chương trình 135, đồng thời tham mưu tổ chức thực hiện Chương trình này giai đoạn I (1999-2005). Cũng trong khoảng thời gian này, được UBND tỉnh giao, Ban DTMN đã xây dựng và bảo vệ thành công dự án Bảo tồn phát triển đồng bào Rục và sau đó Chính phủ đã đầu tư cho dự án gần 32 tỷ đồng thời kỳ năm 2002-2004.

Phải khẳng định  rằng nhờ những chương trình dự án, chính sách đầu tư của Nhà nước cũng như các nhà tài trợ mà ngày nay bộ mặt nông thôn miền núi nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có nhiều khởi sắc. Các tộc người có nguy cơ suy giảm dân số như Rục, A Rem, Mã Liềng đã phát triển, tiến bộ. Đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn giỏi trong nhóm các tộc người này như Cao Viên ở bản Cà Xen, Cao Trực ở bản Yên Hợp... Nhiều bản ở rất sâu ngay giữa rừng già nhưng hàng năm vẫn bảo đảm tự túc được lương thực bằng cây lúa nước, có của ăn của để mà không hề có hiện tượng chặt phá rừng làm nương rẫy như bản Rum, bản Cát mới, bản Trung Sơn, bản Sắt..

Cơ sở hạ tầng cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số cũng có sự tiến bộ vượt bậc. Đến nay 100% số xã miền núi, vùng cao có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế, 97% xã có điện lưới quốc gia và nhiều tiến bộ ở các lĩnh vực khác... Những kết quả nêu trên cho phép chúng tôi-những người trực tiếp tham mưu về công tác dân tộc của tỉnh tự hào và trân trọng. Bao nhiêu cán bộ của Ban đã hi sinh thầm lặng, lăn lội với công việc, đổ nhiều mồ hôi, nước mắt và  đóng góp cả bằng trí tuệ, sức lực  trong những ngày khó khăn của buổi ban đầu.

Qua những dòng viết này tôi xin gửi lời tri ân đến các đồng nghiệp của tôi, người còn người mất, đã luôn tận tâm với công việc, đã từng cùng đi bộ, ăn cơm nắm, uống nước khe, lội suối trèo đèo đến 107 bản đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi hẻo lánh để thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.

Viết đến những dòng này, tôi không cầm được nước mắt khi nghĩ về anh Quý, Phó trưởng ban đến  xã  Trường Sơn thực hiện chính sách trợ giá trợ cước, khi lội qua ngầm Khe Cà bị nước cuốn, may nắm được gốc cây nên khỏi trôi; anh Ngô Đình A, Trưởng phòng Kế hoạch định canh định cư đi bộ từ đường 12A vào bản Lòm (thời kỳ chưa có đường ô tô) để nắm tình hình, ý định đến bản Sy ngủ qua đêm để sáng mai đi tiếp mà không trèo nổi qua dốc phải nằm lại giữa rừng (nay anh Quý và anh A đã mất); hay như chuyện năm 1995, tôi cùng nhà báo Minh Toản đi khảo sát nắm tình hình xã Cao Quảng, đi bộ  theo dốc Lâm Lang, đến nơi thì anh Toản hạ đường huyết, còn tôi bị ốm. Khi đi ra xã Châu Hóa, anh em trong UBND gợi ý mượn trâu để cho chúng tôi cưỡi nhưng tôi từ chối; và biết bao chuyện bi hài khác mà tôi không bao giờ quên được.

Nhìn lại 2 thập kỷ qua, Ban DTMN tỉnh từng bước trưởng thành và lớn mạnh, tổ chức, bộ máy được kiện toàn, bổ sung và phát triển, cơ sở vật chất từng bước được đầu tư đầy đủ và khang trang hơn. Từ chỗ ban đầu chỉ có 6 cán bộ công chức bây giờ tăng gấp nhiều lần; chi bộ lúc đầu có 4 đồng chí về sau có thời kỳ lên đến 17 đồng chí; bộ máy làm công tác dân tộc được kiện toàn từ tỉnh đến huyện. Nhiều cán bộ của Ban qua thử thách rèn luyện và phấn đấu đã được điều động và đề bạt vào các chức vụ cao trong các tổ chức Đảng, chính quyền như: trưởng ngành, Phó chủ tịch UBND tỉnh, chuyên viên cao cấp,  nhiều đồng chí trúng cử Tỉnh ủy viên, Thường vụ Tỉnh ủy. Ghi nhận những nỗ lực phấn đấu cũng như thành tích đạt được, Chủ tịch nước ra quyết định tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh (nay là Ban Dân tộc). Đó là phần thưởng vô cùng quý báu, là niềm động viên khích lệ lớn đối với cán bộ công chức Ban Dân tộc.  

Ghi lại đôi điều về những gian khổ của buổi ban đầu cũng như những nỗ lực vượt qua thử thách để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian được cấp trên giao là người cầm lái tôi  muốn được xem là món quà nhỏ gửi đến tập thể CBCC Ban Dân tộc để cùng chia sẻ niềm vui nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh.

                                                                Đặng Văn Đệ
                                           (Nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh)




 

,
.
.
.