Bảo hiểm thất nghiệp ở tỉnh ta được thực hiện như thế nào?

Cập nhật lúc 07:43, Thứ Năm, 28/02/2013 (GMT+7)

 

(QBĐT)- Ông Lê Hồng Cẩm, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình.

- PV: Ông có đánh giá gì về quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở tỉnh ta ?

- Ông Lê Hồng Cẩm: Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách nhằm hỗ trợ người thất nghiệp để thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị thất nghiệp và quan trọng hơn là hỗ trợ người thất nghiệp được học nghề, được hỗ trợ tìm việc làm để người lao động sớm có việc làm, thu nhập , ổn định cuộc sống. Sau quá trình triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh ta, người lao động và người sử dụng lao động đã tích cực tham gia, được dư luận xã hội đánh giá cao. Các chuyên gia trong nước và quốc tế xem đây là một trong những chính sách mang tính nhân văn, tính thực tiễn cao,sớm đi vào cuộc sống.

- PV: Công tác tuyên truyền cho chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được tiến hành ra sao?

- Ông Lê Hồng Cẩm: Từ tháng 12 năm 2009, sau khi thông tư 34/2009/TT-BLĐTBXH ngày 16-10-2009 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được ban hành, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cũng đã thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa các văn bản quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên trang website của Sàn Giao dịch việc làm Quảng Bình, đăng báo, làm pano, phát hành tờ rơi thông tin về nội dung cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động khắp các địa phương trên toàn tỉnh. Ngoài ra, cán bộ phòng Bảo hiểm thất nghiệp còn thực hiện tư vấn hướng dẫn về các quy định của chế độ chính sách cho các doanh nghiệp và người lao động thông qua điện thoại trực tiếp.

- PV: Ông có thể cho biết những kết quả bước đầu về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại tỉnh ta và những khó khăn trong quá trình thực hiện?

- Ông Lê Hồng Cẩm: Năm qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã hướng dẫn thủ tục tiếp nhận 1666 người đến đăng ký thất nghiệp, nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (tăng 80,11%% so với 2011). Trong đó lao động làm việc trên địa bàn tỉnh đến đăng ký thất nghiệp ít so với ngoại tỉnh (chỉ có 34,09 %); số lao động làm việc tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh...chiếm tới 65,91% trên tổng số đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trong năm 2012 là trên 9 tỷ 709 triệu đồng. Số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tìm được việc làm mới, chuyển sang hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần cũng tăng cao (tăng 335,13 % so với 2011).

Trung tâm đã quản lý và thực hiện công tác theo dõi việc tìm kiếm việc làm hàng tháng của người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nên đã thực hiện nghiêm túc tạm dừng hưởng trợ cấp đối với các trường hợp không thực hiện trách nhiệm thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng; ra quyết định tiếp tục hưởng đối với các trường hợp tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng của mình. cụ thể: năm 2012: tạm dừng hưởng trợ cấp hàng tháng của 162 trường hợp, ra quyết định tiếp tục hưởng cho 29 trường hợp. Qua đó thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật, giúp người lao động thấy rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2012, trung tâm đã đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (từ 417 lượt người năm 2011 lên 1918 lượt người năm 2012), phát huy chức năng giới thiệu việc làm, phối hợp thực hiện công tác giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn giới thiệu việc làm.

Tuy nhiên chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một chủ trương chính sách mới nên còn có nhiều bỡ ngỡ đối với người lao động và người thực hiện chính sách. Các quy định về thủ tục hồ sơ, thời hạn tiếp nhận và xử lý hồ sơ chặt chẽ, quy trình xử lý qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn phức tạp trong khi thời gian tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện lại ngắn nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Về vấn đề dạy nghề cho lao động thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa thực hiện được do nhu cầu học nghề của người lao động còn thấp, tâm lý chuyển nghề trong lao động còn hạn chế. Tuy nhiên theo quy định mới tại nghị định 100/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012 của Chính phủ, thì mức hỗ trợ học nghề đối với đối tượng trên sẽ được nâng lên tùy thuộc vào mức học phí của nghề học nên có thể người lao động sẽ quan tâm hơn đến việc tham gia vào các khóa đào tạo nghề để thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm việc làm.

- PV: Ông có thể nêu giải pháp để việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới được thực hiện tốt hơn?

- Ông Lê Hồng Cẩm: Trước hết là tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các chế độ chính sách liên quan tới bảo hiểm thất nghiệp với nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức về loại hình mới này nhất là người lao động ở vùng sâu vùng xa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, viên chức tại các đơn vị sự nghiệp; phát hành tờ rơi phổ biến rộng rãi đến người lao động. Tiếp tục tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp, tổ chức.

Bố trí cán bộ bảo đảm đáp ứng về chuyên môn nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức tốt để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

Kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm, hành vi lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Có sự phối hợp đồng bộ liên ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Công đoàn...

Tăng cường cơ sở vật chất, cán bộ, kinh phí để tiếp nhận, giải quyết quản lý người thất nghiệp; hoàn thiện phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện trên phạm vi cả nước, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hữu quan.

- PV: Xin cảm ơn ông.

                                                                  Phan Hòa (thực hiện)  

 

 

,
.
.
.