Chuyện quản lý:­

Vượt rào cản... tiền!

Cập nhật lúc 14:42, Thứ Ba, 26/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Chuyện người dân ở vùng sâu, vùng xa không có đất để sản xuất (trồng rừng, trồng cao su...) đang là vấn đề thời sự hiện nay. Tất nhiên những nơi quỹ đất đai không còn thì chẳng có chuyện gì để nói nhưng vấn đề này lại xẩy ra với những nơi đất không thiếu, nhiều nữa là đằng khác.

Sở dĩ có chuyện ngược đời này bởi đang có một rào cản rất ngặt nghèo và cũng hết sức tế nhị là... tiền!

Từ diện tích đất đai (chủ yếu là đất lâm nghiệp) được quy hoạch của tỉnh, để phân bổ cho người dân chính quyền địa phương phải thực hiện theo quy trình khá rườm rà. Nào là phải đo lập bản đồ địa chính, nào là xây dựng phương án giao đất... của cơ quan chức năng. Mà những việc đó tốn một khoản tiền không nhỏ. Như nhẩm tính của một vị lãnh đạo địa phương là vào khoảng 2 triệu đồng/ha, với một xã có diện tích chừng 200 ha, vị chi phải tốn 400 triệu đồng... Với ngân sách xã và cả huyện nữa thì đây là chuyện khó.

Một trang trại cao su ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh).
Một trang trại cao su ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh).

Vì vậy khi chưa có tiền thì đất đai vẫn nằm phơi mưa gió. Hiện nay theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2012, diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang do UBND các xã quản lý với hơn 109.670 ha, chiếm 17,3% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh, lớn hơn diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân trong những năm qua. Thực tế diện tích rừng và đất lâm nghiệp này chưa có chủ thực sự, đi đôi với điều đó là nguy cơ bị xâm hại, bị lấn chiếm là rất cao. Trong khi người dân nghèo bị thiếu đất sản xuất, nghèo vẫn hoàn nghèo... Đây là một sự lãng phí đáng kể dù chẳng có ai phán xét...

Thế nhưng có một địa phương làm được, đất đã đến tay người dân, đặc biệt với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số. Đó là huyện Quảng Ninh. Theo chủ trương của huyện trên cơ sở đất quy hoạch, huyện đã chỉ đạo các địa phương mạnh dạn giao cho dân để sản xuất với những biện pháp "thủ công" trên thực địa. Hiển nhiên là đất đai này trước mắt chưa có giấy tờ hợp pháp nhưng với một bộ máy chính quyền từ huyện xuống cơ sở là " pháp lý" để người dân yên tâm sản xuất trên diện tích đất được phân chia.

Với một xã như Trường Xuân, trong năm 2012 đã tiến hành giao 73 ha đất lâm nghiệp cho 29 hộ đồng bào Vân Kiều ở bản Khe Dây. Trong năm 2013 xã đang triển khai giao tiếp 300 ha đất lâm nghiệp có khả năng sản xuất cho dân. Tính đến nay xã đã tiến hành giao trên 1.878 ha đất lâm nghiệp cho 454 hộ, trong đó có 175 hộ đồng bào Vân Kiều. Nhờ có đất đai, nhiều hộ dân đã lập trang trại, đẩy mạnh trồng cao su, trồng rừng...

Đây là một kinh nghiệm hay, thể hiện sự sáng tạo và trách nhiệm với dân của chính quyền địa phương. Nhưng còn điều băn khoăn là bước đi tiếp theo như thế nào? Chẳng lẽ đất đai cứ cắm vè tạm bợ trên thực địa như thời...xưa mãi? Lúc này tôi chợt nhớ tới câu nói của một vị lãnh đạo cấp Trung ương: "Có những cái phải lấy nó rán nó". Vâng, từ đất đai người dân sẽ làm ra tiền từ trồng rừng, trồng cao su, khi đó thì việc trích vài phần trăm lợi nhuận để làm thủ tục cho đất đai của mình chắc họ không phải lăn tăn gì!

                                                                      Văn Hoàng






 

,
.
.
.