Tính nhân văn của một dự án

Cập nhật lúc 10:57, Thứ Hai, 17/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Dự án “Tăng thu nhập cho hộ gia đình và điều kiện luyện tập tại nhà cho trẻ khuyết tật nghèo” do Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo phối hợp với Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Hiền Ninh thực hiện. Từ dự án này mà nhiều hộ gia đình có trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Sau quá trình khảo sát tình hình thực tế về cuộc sống và điều kiện tập luyện của các gia đình có trẻ em khuyết tật trên địa bàn, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã xây dựng dự án “Tăng thu nhập cho hộ gia đình và điều kiện luyện tập tại nhà cho trẻ khuyết tật nghèo”.

12 hộ gia đình có trẻ khuyết tật đang tập luyện, phục hồi chức năng tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Hiền Ninh được dự án hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà và lợn thịt. Trong đó, 6 hộ nuôi gà, mỗi hộ được hỗ trợ 100 con gà giống, 6 hộ chăn nuôi lợn, mỗi hộ được hỗ trợ 3 con lợn giống. Ngoài ra, các hộ gia đình còn được dự án hỗ trợ thêm một phần thức ăn, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà.

Qua hơn 1 năm thực hiện, nhìn chung các mô hình đều phát triển khá tốt. Các hộ nuôi gà đã cho xuất chuồng được 3 lứa, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/hộ/lứa. Hộ chăn nuôi lợn thịt xuất chuồng được 2 lứa với trị giá trên 7,6 triệu đồng/hộ/lứa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày cho trẻ khuyết tật.

Gia đình anh Lê Ngọc Doãn, chị Nguyễn Thị Thuân ở thôn Bắc Cổ Hiền, xã Hiền Ninh có con là cháu Lê Ngọc Toàn, sinh năm 2008 bị bệnh não úng thủy và gai cột sống khi chưa đầy 3 tháng tuổi, nằm liệt giường, nhiều lần vợ chồng chị đã đưa cháu vào Bệnh viện Trung ương Huế để mổ não điều trị nhưng vẫn không có kết quả khả quan.

Chị Nguyễn Thị Thuân chăm sóc đàn gà.
Chị Nguyễn Thị Thuân chăm sóc đàn gà.

Cuộc sống đã khó khăn, con cái bệnh tật, anh chị không có nguồn thu nhập ổn định, phải vay mượn nhiều nơi để lo thuốc thang, điều trị bệnh cho con; vì vậy gia đình càng túng thiếu. Từ tháng 7 năm 2011, được Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh hỗ trợ con giống, chuồng trại, thức ăn và tập huấn kỹ thuật, gia đình chị đã có nguồn thu nhập khá ổn định từ chăn nuôi gà, tạo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng các con.

Bên cạnh đó, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh còn thành lập 6 nhóm quay vòng vốn tại 6 xã có trẻ khuyết tật là Hiền Ninh, An Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh, Gia Ninh và Duy Ninh với tổng số vốn ban đầu là 130 triệu đồng cho 60 hộ gia đình vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho gia đình trẻ khuyết tật.

Đến nay, các nhóm quay vòng vốn đi vào hoạt động khá hiệu quả, số thành viên của nhóm đã tăng lên 100 thành viên, tổng số vốn cho vay 3 đợt lên đến 300 triệu đồng. Các thành viên trong nhóm đều trả lãi đúng kỳ hạn và duy trì tốt việc sinh hoạt theo định kỳ nhằm quản lý sử dụng có hiệu quả các khoản vay; đồng thời các hộ gia đình có dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm chăm sóc nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, thăm hỏi tình hình sức khỏe của con em, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Chị Trần Thị Hoa ở thôn Trung Quán, xã Duy Ninh có con là cháu Trần Thị Cúc bị bệnh bại não.

Cuộc sống hàng ngày của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Là thành viên trong nhóm quay vòng vốn của xã Duy Ninh, chị được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô hộ gia đình, vừa có thời gian chăm sóc con, vừa tạo nguồn thu nhập cho gia đình.

Cùng với việc hỗ trợ phát triển sản xuất, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh còn hỗ trợ cho 50 gia đình trẻ khuyết tật không có điều kiện đưa trẻ đến tập luyện tại Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Hiền Ninh 20 xe đạp cải tiến, 24 khung tập đi, 18 đèn hồng ngoại và 34 tạ tay giúp trẻ luyện tập, phục hồi chức năng sớm hòa nhập cộng đồng. Nhờ được đầu tư hỗ trợ trang thiết bị luyện tập tại nhà nên trẻ khuyết tật có điều kiện tập luyện thường xuyên, sức khỏe của các cháu có chiều hướng tiến triển khá tốt.

Hiệu quả thiết thực từ dự án “Tăng thu nhập cho hộ gia đình và điều kiện luyện tập tại nhà cho trẻ khuyết tật nghèo” đã giúp các gia đình có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Dự án có ý nghĩa xã hội sâu sắc, vừa mang tính nhân văn cao cả, giúp trẻ khuyết tật dần phục hồi chức năng, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

                                                                          Hà Ngọc Khang
                                                                   (Đài TT-TH Quảng Ninh)







 

,
.
.
.