Câu hỏi tuần này:

Giải pháp nào để thu nợ bảo hiểm xã hội?

Cập nhật lúc 09:05, Thứ Hai, 17/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2012, trước những khó khăn của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp ở tỉnh ta bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đình đốn, hàng hóa tồn kho nhiều, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến. Theo đó, việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, số nợ BHXH lên đến hàng chục tỷ đồng, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Vậy cần có những giải pháp nào để thu nợ BHXH? Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.

- PV: Xin ông cho biết về tình hình thu nộp BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?

- Ông Phạm Thanh Tùng: Năm 2012, BHXH tỉnh được giao nhiệm vụ thu hơn 849 tỷ đồng, tăng hơn 182 tỷ đồng so với năm 2011.

Số thu tăng đến 28%, trong điều kiện các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phần lớn các doanh nghiệp gặp trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn do lãi suất quá cao, do đó quy mô sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, dẫn đến việc trả lương, thu nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động cũng bị ảnh hưởng, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Nhiều đơn vị thậm chí chấp nhận chậm đóng BHXH, chịu lãi phạt do nộp chậm để chiếm dụng quỹ BHXH sử dụng cho mục đích kinh doanh.

Nợ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị hiện tại rất lớn. Tính đến đầu tháng 12-2012, các đơn vị trên địa bàn tỉnh ta còn nợ hơn 75 tỷ đồng, trong đó có 708 đơn vị nợ trên 3 tháng với số tiền gần 58 tỷ đồng. Đặc biệt, có một số đơn vị nợ lớn, kéo dài như Công ty cổ phần SXVL và XD Cosevco I nợ hơn 13 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cosevco 6 nợ 7,6 tỷ đồng... làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

- PV: Trước thực trạng trên, để có thể thu được nợ BHXH, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cơ quan BHXH tỉnh đã có những giải pháp gì?

- Ông Phạm Thanh Tùng: Sớm xác định được tình hình khó khăn như đã nói trên, nhằm hoàn thành kế hoạch thu BHXH năm 2012 và giải quyết kịp thời quyền lợi cho người lao động, thời gian vừa qua BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đôn đốc thu nợ. Nhờ vậy, đến nay, số thu đã đạt 93,17% kế hoạch năm 2012, giảm thiểu số nợ đọng, góp phần bảo đảm kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHXH.

- PV: Xin ông nói rõ hơn về các giải pháp cụ thể mà ngành đã triển khai?

- Ông Phạm Thanh Tùng: Chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền Luật BHXH bằng nhiều hình thức để người sử dụng lao động tự giác trả nợ BHXH. Chú trọng đẩy mạnh công tác phối hợp với Đài PT-TH, Báo Quảng Bình, trang thông tin điện tử BHXH, Sở LĐTB-XH, Liên minh HTX... để tuyên truyền sâu rộng luật BHXH, BHYT.

Mặt khác, Bảo hiểm xã hội tỉnh thường xuyên báo cáo tình hình thu, nợ BHXH với UBND tỉnh, huyện, thành phố để có sự chỉ động kịp thời, đồng bộ trên địa bàn; phân công cụ thể và phát huy vai trò của cán bộ chuyên quản các đơn vị trong đối chiếu, đốc thu nợ, hàng tháng có băn bản đối chiếu nợ BHXH của mối đơn vị, trực tiếp đến các đơn vị nợ để đôn đốc thu nợ.

BHXH tỉnh cũng đã thành lập và đẩy mạnh hoạt động của tổ thu nợ cấp tỉnh, huyện, có kế hoạch công tác cụ thể với các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên để áp dụng các biện pháp thích hợp, từ vận động, thuyết phục, mời các đơn vị đến bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện trả nợ. Chủ động đề xuất UBND huyện, thành phố kiểm tra xử phạt nghiêm các đơn vị cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.

- PV: Liệu những biện pháp trên có mang lại hiệu quả đối với các đơn vị cố tình chây ỳ không chịu nộp BHXH?

- Ông Phạm Thanh Tùng: Đối với các đơn vị chây ỳ, chúng tôi có biện pháp mạnh. BHXH tỉnh đã phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh ban hành quy chế khởi kiện và tiến hành khởi kiện các đơn vị nợ BHXH kéo dài. Đến 30-11-2012, chúng tôi đã khởi kiện 13 doanh nghiệp, hiện 2 đơn vị đang có quyết định thi hành án, 1 đơn vị đang xét xử và 10 đơn vị đang thụ lý hồ sơ. Qua khởi kiện đã thu nợ được hơn 4,7 tỷ đồng.

- PV: Đối với những lao động đã đến tuổi nghỉ chế độ nhưng chưa cấp được sổ bảo hiểm do doanh nghiệp của họ đang nợ BHXH thì giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Ông Phạm Thanh Tùng: Đối với các doanh nghiệp có lao động đã đến tuổi nghỉ chế độ, nhưng vì doanh nghiệp đang nợ BHXH kéo dài, chúng tôi đã chủ động cùng với doanh nghiệp bàn bạc, thống nhất những việc cần phải làm để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Các doanh nghiệp đã cam kết, khi có điều kiện đóng BHXH sẽ ưu tiên hàng đầu để giải quyết chế độ cho số đối tượng này. Còn nếu trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phá sản, không có khả năng chi trả thì sau khi bán đấu giá tài sản sẽ ưu tiên giải quyết chế độ cho người lao động.

- PV: Năm 2013 được xác định cũng sẽ tiếp tục là một năm còn nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, BHXH đã chuẩn bị những giải pháp gì để khắc phục tình trạng nợ BHXH,  bảo đảm nguồn thu BHXH trên địa bàn?

- Ông Phạm Thanh Tùng: Ngoài các giải pháp như đã nói ở trên, để khắc phục tình trạng này BHXH tỉnh sẽ phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra chuyên đề về đóng BHXH của các đơn vị theo quy định pháp luật; thanh tra các đơn vị nợ BHXH nhằm chấn chỉnh kịp thời việc trả nợ BHXH.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp để chỉ đạo các doanh nghiệp tự giác, tích cực trả nợ BHXH; phối hợp với Ban Thi đua-Khen thưởng của tỉnh trong xem xét khen thưởng đối với những đơn vị thực hiện tốt công tác BHXH, kiên quyết không khen thưởng đối với những đơn vị nợ BHXH...

- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

                                                                           A. T (thực hiện)





 

,
.
.
.