Chuyện quản lý:

Lựa chọn ai?

Cập nhật lúc 20:43, Thứ Hai, 17/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Lựa chọn cán bộ là việc khó. Đó là tâm sự của những người làm công tác cán bộ ở nhiều lĩnh vực. Trong đó có những lĩnh vực cực kỳ khó. Có thể kể ra đây một vài vị trí, như lựa chọn cán bộ chuyên viên của các cơ quan cấp tỉnh.

Bởi những vị trí công tác này phải làm việc với nhiều lĩnh vực khác nhau tức là người phải am hiểu một ngành, tỏ tường nhiều lĩnh vực. Có như vậy mới có thể làm tốt tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo tỉnh.

Mặt khác, dù không có văn bản nào quy định nhưng về "phẩm hàm" những vị trí này có thể tương đương với trưởng, phó phòng cấp sở. Lâu nay thỉnh thoảng lại thấy một cán bộ "thường thường bậc trung" ở một đơn vị cơ sở được điều lên làm việc ở  tỉnh. Hiển nhiên làm lâu cũng quen việc nhưng rõ ràng là sẽ có những lúng túng ban đầu và hiển nhiên sự trợ giúp cho "sếp" cũng sẽ có những hạn chế nhất định... Mặt khác, những vị trí này có một đặc thù là nơi rèn luyện năng lực chuyên môn và cả "tầm" tư duy.

Vì vậy nếu cá nhân được đặt vào vị trí này mà có năng lực rất dễ thăng tiến. Đó là nói về phương diện cá nhân, nhưng về phương diện tổ chức, đây là nguồn cán bộ rất chững chạc cho các ngành, mà nói rộng ra là cho tỉnh.

Vậy nên chọn cán bộ vị trí này ở đâu để không lãng phí điều vừa nói? Theo chúng tôi, phải là các trưởng, phó phòng có năng lực ở các sở, ngành, được tập thể lãnh đạo các sở, ngành giới thiệu. Bởi những vị cán bộ này mới có đủ "tầm" để thực hiện chức trách được giao ở bộ máy đầu não cấp tỉnh.

Một lĩnh vực khác cũng rất cần phải cân nhắc. Đó là tổ chức Đoàn thanh niên. Tổ chức này đòi hỏi độ tuổi vì vậy sẽ có rất nhiều "lứa" cán bộ đi ra từ tổ chức này và nếu "phiên ngang" hoặc đi lên thì rất khó bố trí công việc cho họ. Trong thực tế là có trường hợp nhân viên đạo đức tư cách tốt nhưng về chuyên môn được đào tạo thuộc loại bình thường vào tổ chức này sau đó được đề bạt, cơ cấu, bầu lên, lên mãi thành cán bộ thuộc diện Thường vụ quản lý.

Nếu hết độ tuổi, khả năng được bố trí về các sở, ngành mà các vị này không có chuyên môn và như vậy sẽ làm khó cho cơ sở. Bởi hiện nay (và có lẽ lâu nay rồi) lãnh đạo mà không khá giỏi chuyên môn thì anh em khó phục lắm lắm! Bởi vậy việc bố trí cán bộ và tuyển chọn cán bộ cho tổ chức này phải cân nhắc thật kỹ để tránh tình huống có quá nhiều cán bộ "hồng" nhưng không "chuyên", không phát huy được ở các cơ quan, đơn vị sau khi hết độ tuổi. Vấn đề đặt ra là chọn cán bộ cho tổ chức này ở đâu? Theo chúng tôi, phải tìm chọn những cán bộ có năng khiếu về công tác Đoàn và giỏi chuyên môn ở cơ sở. Đây là việc khó nhưng nếu chúng ta tạo được một dòng chảy sử dụng cán bộ hợp lý thì không khó để thuyết phục các cán bộ trẻ ở cơ sở về tổ chức này.

Một khía cạnh khác, hiện nay có khá nhiều cán bộ quản lý ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước (trong đó có một số lượng khá lớn trước là cán bộ ở các doanh nghiệp nhà nước) có năng lực, xông xáo, năng động, được trải nghiệm thực tiễn... Nhưng vì lý do cơ chế, đội ngũ này hình như chưa được quan tâm lựa chọn vào đội hình cán bộ quản lý nhà nước.

Thiết nghĩ, đây cũng là một nguồn cán bộ cần được quan tâm...

                                                                                   V. H 





 

,
.
.
.