Loay hoay bài toán giảm sinh

Cập nhật lúc 14:48, Thứ Hai, 17/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một xã biển, quan niệm “sinh con trai để có người đi biển” đã khiến tỷ lệ gia tăng dân số ở Đức Trạch luôn ở mức cao. Nếu năm 2011, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 24%, thì 10 tháng đầu năm 2012, con số này đã là 35%. Đây là bài toán khiến Đức Trạch phải “đau đầu”, đặc biệt là trong lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hồ Thị Tuyết, cán bộ chuyên trách Dân số – KHHGĐ xã, cho biết: Những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ ba ở Đức Trạch đang có chiều hướng tăng lên. Dù kế hoạch đặt ra hàng năm khá sát với thực tế và địa phương đã có nhiều biện pháp đồng bộ nhằm mục tiêu giảm sinh nói chung và giảm sinh con thứ ba nói riêng, nhưng tỷ lệ này vẫn dao động ở mức trên dưới 30%.

Năm 2011, trong tổng số 153 trẻ được sinh ra, có 37 trẻ là con thứ ba. Và 10 tháng đầu năm nay, có 134 trẻ ra đời với 47 trẻ là con thứ ba. Điều đáng lưu ý nữa là, số trẻ em trai đang có chiều hướng tăng lên so với trẻ gái. Cụ thể, chỉ có 57/134 trẻ em gái được sinh ra trong 10 tháng đầu năm 2012. “Mức chênh lệch giới tính này ở Đức Trạch là khá lớn so với những năm trước đây. Và sự chênh lệch được dự đoán là hoàn toàn tự nhiên, không có sự can thiệp nào về mặt y học. Ngoài ra, toàn xã còn có ba cặp vợ chồng sinh đôi, là điều từ trước đến nay hầu như không có...”, chị Tuyết cho biết thêm.

Đến thời điểm này, hầu hết các chỉ tiêu về kế hoạch hóa gia đình ở Đức Trạch đều đã đạt mức cao. Cụ thể: thuốc tiêm tránh thai 51/27 (188%); đình sản: 2/2 (100%); bao cao su 100/100 (100%); đặt vòng 141/150 (94%)... Đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở đây đã hoạt động khá tích cực để có thể hoàn thành các chỉ tiêu. Nỗ lực là thế, nhưng tỷ lệ gia tăng dân số vẫn ngày càng cao và đang ở mức báo động.

Quan niệm sinh con trai để nối nghiệp đi biển đang là rào cản trong quá trình triển khai công tác Dân số-KHHGĐ ở Đức Trạch.
Quan niệm sinh con trai để nối nghiệp đi biển đang là rào cản trong quá trình triển khai công tác Dân số-KHHGĐ ở Đức Trạch.

Lý giải về nguyên nhân gia tăng dân số, đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ ba những năm gần đây, chị Tuyết cho rằng: Nguyên nhân chính bắt nguồn từ quan niệm phải sinh con trai để mai sau có người nối nghiệp đi biển của cha ông. Ở Đức Trạch, nghề biển là nòng cốt trong phát triển kinh tế. Nhân lực cho nghề biển là rất quan trọng nên mong ước có con trai để mai này bổ sung lao động nghề biển của người dân nơi đây là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân địa phương đang ngày một khấm khá hơn. Nhiều gia đình dù đã có đủ con trai, con gái, cũng có nhu cầu sinh thêm con cho “vui cửa vui nhà”. Và việc chỉ mới có chế tài xử phạt đối với đảng viên vi phạm chính sách Dân số – KHHGĐ mà chưa có chế tài chung cho người dân cũng là một nguyên nhân khiến con số này ngày càng gia tăng. Cuối cùng, chế độ chính sách cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số tại địa phương quá thấp, họ gần như “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” đã góp phần tạo nên những hạn chế nhất định trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ này.

Để thực hiện tốt công tác Dân số – KHHGĐ ở địa phương nói riêng và góp phần hoàn thành Đề án kiểm soát dân số vùng biển đảo (Đề án 52) tại tỉnh ta nói riêng, xã Đức Trạch đã và đang đề ra nhiều giải pháp tích cực cho các năm tiếp theo. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao dân trí, thay đổi hành vi được xem là trọng tâm. Đội ngũ cán bộ dân số địa phương đã triển khai nhiều loại hình tuyên truyền như tiếp cận tại nhà, cung cấp các thông tin cần thiết về KHHGĐ, phát nội dung tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, phát tờ rơi... để chuyển tải thông tin đến đối tượng.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Đề án 52, chị em phụ nữ Đức Trạch đã được tiếp cận với các kiến thức về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ, phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, hỗ trợ các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, kỹ năng thực hiện các biện pháp tránh thai... thông qua hình thức tổ, nhóm, câu lạc bộ.

“Mưa dầm thấm lâu. Dù mục tiêu giảm tỷ lệ sinh nói chung và sinh con thứ ba nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của tỉnh, huyện và địa phương, cùng sự chung tay góp sức của các đoàn thể, công tác DS-KHHGĐ ở Đức Trạch sẽ có những bước tiến mới, góp phần đưa Đức Trạch tiến gần đến đích xã nông thôn mới!”, chị Hồ Thị Tuyết chia sẻ.

                                                                                          N. M



 

,
.
.
.