Mỗi tuần một chuyện:

Bài học từ Tây Nguyên...

Cập nhật lúc 09:38, Thứ Tư, 19/12/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Luật Đất đai năm 1993, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hộ đồng bào Tây Nguyên được cấp đất ở, đất sản xuất cơ bản bảo đảm  nhu cầu sản xuất và cuộc sống. Tuy nhiên, khi giá cà phê, cao su, hồ tiêu... tăng cao, thì đất sản xuất của đồng bào trở nên hấp dẫn, có giá. Một số người nơi khác lên tác động, khuyên nhủ để mua lại đất của đồng bào...

Bản chất đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vốn thật thà, nghe theo và bán đất cho họ, rồi nhiều gia đình kéo nhau vào phá rừng làm nương rẫy mới... Nhiều đồng bào DTTS có tiền, nhưng không có đất làm nhà, không có đất sản xuất, tình hình an ninh buôn, làng phức tạp. Lợi dụng tình hình đó, nhiều thế lực thù địch, phản động tuyên truyền, lôi kéo bà con... Và đây là một trong những nguyên nhân xẩy ra vụ lộn xộn, phức tạp ở vùng Tây Nguyên vào đầu những năm 2000.

Để giải quyết kịp thời tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 132/2002/ QĐ- TTg ngày 8-10-2002 "Về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên".  Tại khoản 3, điều 3 quy định:  "Các hộ được giao đất phải trực tiếp quản lý và sử dụng để sản xuất và để ở. Trong thời gian 10 năm không được chuyển nhượng, cầm cố dưới bất cứ hình thức nào. Mọi trường hợp sang nhượng, cầm cố sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi và không cấp lại"...

Đến tháng 12-2004, các tỉnh Tây nguyên đã giải quyết cấp gần 18.000 ha đất cho gần 40.000 hộ dân đồng bào DTTS. Và cùng với nhiều chính sách khác tình hình Tây Nguyên được ổn định, phát triển.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 134/2004/QĐ-TTg  ngày 20-7-2004, trong đó có chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Đối với tỉnh ta, sau 4 năm thực hiện, đã cấp được 468,5 ha đất sản xuất và 65,7 ha đất ở; đến tháng 9-2012: đã giao đất sản xuất nông nghiệp cho 2.601 hộ với diện tích 2.187ha, đất lâm nghiệp cho 2.533 hộ với diện tích 5.520 ha (cả hai loại đất đã giao cao hơn mức tối thiểu theo QĐ 134).

Ngoài ra cuối năm 2012, tỉnh còn giao bổ sung thêm diện tích đất sản xuất cho xã Trường Sơn (Quảng Ninh) 891 ha; các xã Lâm Thuỷ, Ngân Thuỷ, Kim Thuỷ (Lệ Thuỷ) đang hoàn tất thủ tục. Điều đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan đối với sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS. Tuy nhiên, khi có đất các địa phương cần có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát và làm tốt công tác tư tưởng để bà con giữ đất sản xuất.

Hiện nay, đất trồng cao su, đất trồng rừng nguyên liệu đang được giá, đang hấp dẫn và đang được nhiều người quan tâm; thậm chí ở một số nơi có người còn tác động để đồng bào DTTS được cấp đất để họ mua lại. Hãy cảnh giác và lấy bài học của đồng bào DTTS Tây Nguyên nêu trên để rút kinh nghiệm.

                                                                         Đăng Thức


 

,
.
.
.