.

"Nơi anh đến là đảo xa..."

Thứ Sáu, 13/06/2014, 13:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù đã nhiều lần được nghe “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song, nhưng có lẽ những ngày tháng 5-2014, khi lần đầu tiên  được nghe những giai điệu và ca từ của bài hát vang lên trong buổi sáng bình yên nơi quê nhà, giữa những âm thanh đời thường của ngày mới, bao cảm xúc lạ lẫm chợt dâng trào trong tôi...

 

Khoảnh khắc lãng mạn của chiến sĩ đảo Nam Yết.
Khoảnh khắc lãng mạn của chiến sĩ đảo Nam Yết.

Và có lẽ chẳng riêng gì mình tôi, mà bài hát với những ca từ bình dị, thiết tha đã khiến cho 90 triệu người dân đất Việt chợt bừng bừng khí thế, để lòng tự hào và yêu nước lại dâng cao như sóng biển Hoàng Sa những ngày tháng 5 nóng bỏng...

Buổi sáng một ngày tháng 5-2014, khi những tin tức bay về từ quần đảo Hoàng Sa, nơi những chiến sĩ cảnh sát biển, cán bộ kiểm ngư và hàng nghìn ngư dân đang sát cánh bên nhau giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương, vẫn còn vương vất trong giấc mơ đêm qua, tôi chợt nghe những giai điệu quen mà lạ vang lên từ chiếc ti vi cũ kỹ của mẹ...

Mà hình như cả xóm chài nhỏ bé quê tôi, mọi người đều đang lắng nghe “Nơi đảo xa” với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là chị vợ anh ngư dân vừa sửa soạn bữa ăn sáng trong tiếng dỗ dành con vừa nhanh tay giăng dải lưới dưới hiên nhà. Khi bữa sáng đạm bạc của chồng con vừa xong cũng là lúc chị nhanh tay vá lưới. Nắng sớm lấp loáng trên từng dải lưới và đôi bàn tay tảo tần của chị thoăn thoắt vá lành những mảnh lưới mỏng manh, để ngày mai chồng chị và những bạn chài lại cùng nhau ra biển.

Là cậu bé học trò lớp hai sáng sáng quần cộc mình trần chạy xuống biển  kiên trì bơi lội để những ngày nghỉ hè thảnh thơi mong được theo cha lên thuyền rẽ sóng vươn khơi. Là cô giáo-vợ lính Trường Sa hai mùa xuân chưa được ăn tết cùng chồng. Và mỗi khi giao thừa đến, mẹ con cô lại nghe tiếng chồng, cha qua điện thoại, giữa cồn cào sóng biển và miên man nỗi nhớ đất liền...

Và giữa đám cưới quê, “Nơi đảo xa” cũng vang lên bằng giọng hát ấm nồng của những chàng ngư phủ. “Nơi anh đến là đảo xa, nơi anh đến là biển xa...”, dường như cả đám cưới chợt lặng đi. Để rồi xen giữa những lời chúc tụng cho đôi tân hôn, khách dự tiệc cưới quay sang hỏi nhau chuyện ngư dân làng mình chuyến rồi đánh bắt ở Hoàng Sa chắc cũng lắm gian nan, chuyện cảnh sát biển và kiểm ngư sát cánh cùng ngư dân, kiên quyết đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng chủ quyền của đất nước mỗi ngày đang phải đối mặt với bao hiểm nguy... “Ừ, gian nan và hiểm nguy, nhưng có hề chi, biển mình mình phải giữ”, câu trả lời của những ngư phủ hào sảng và mang đầy khí chất biển cả...

Tôi chợt nhớ đến người em họ. Ngày tôi đi, em còn là cậu bé học trò cấp hai hiền lành và thư sinh. Rồi một ngày tôi ngỡ ngàng khi gặp lại em trong dáng hình của người lính biển “nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép”. Cái bắt tay vội vã của hai chị em nơi quê nhà trong ngày phép ngắn ngủi em về thăm mẹ, tôi cảm nhận được sự trưởng thành và vững chãi của em, người lính biển. Và trong nét rắn rỏi, mạnh mẽ của người lính biển vẫn thấp thoáng chất lãng mạn thư sinh ngày nào, như hình ảnh “Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi/Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em”...

Tháng 5-2014, giữa những oi nồng của ngày mùa hạ và tin tức nóng bỏng bay về từ biển quê hương, bình minh ngày mới chợt đặc biệt hơn khi giai điệu bài hát “Nơi đảo xa” vang lên bằng giọng hát của 1.000 người. Họ là những ca sĩ, học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức... đã hát với tất cả tấm lòng, tất cả tình yêu và niềm tự hào về non sông, đất nước gấm hoa. Giàn đồng ca đặc biệt ấy đã biến những buổi sáng thường nhật trở nên đẹp hơn giờ bởi hào khí và âm hưởng thiết tha vang lên từ mỗi lời ca và nốt nhạc...

“Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, quần đảo tím hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng!”. Vâng, câu hát thấm đẫm niềm tự hào ấy sẽ còn mãi cất cao, khẳng định quyết tâm của bao thế hệ người dân Việt Nam đối với chủ quyền thiêng liêng của đất nước, để những con tàu luôn vững tin vượt sóng ra khơi... Và tôi yêu những buổi sáng tháng 5 rạo rực giai điệu và ca từ thiết tha về biển cả quê hương!

Diệp Đồng