.

Mong ngóng ngày "đến hẹn lại lên"...

Thứ Tư, 04/06/2014, 13:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Có lẽ, cũng phải từ rất lâu lắm rồi, đội ngũ nghệ nhân dân gian tiêu biểu của Quảng Bình mới có dịp hội ngộ, gặp gỡ tại một sự kiện vinh danh những đóng góp lớn lao của mình đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của vùng đất gió lào, cát trắng. “Cuộc gặp mặt tôn vinh nghệ nhân dân gian Quảng Bình tiêu biểu lần thứ nhất”, do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh tổ chức, được diễn ra trong những ngày hè nóng cháy và bức bối nhất, ấy vậy, các nghệ nhân dân gian dù tuổi đời hầu hết đã trên 70 nhưng vẫn tươi vui, phấn chấn và tràn đầy nhiệt huyết, tin yêu. Thế mới biết, với các nghệ nhân, đây đã thực sự là một ngày hội lớn, một nỗi mong ngóng bấy lâu, nay đã được thỏa.

Vùng đất Quảng Bình dẫu nhiều cam go, gian khổ và trải qua bao nhiêu đau thương, mất mát do sự khốc liệt của thiên tai, chiến tranh, nhưng con người nơi đây vẫn bền gan nuôi ý chí, kiên cường bám trụ với mảnh đất quê hương. Để rồi từ đó, qua thời gian, những thành tựu tiếp nối nhau, những danh nhân, anh hùng kiệt xuất tiếp bước trong vinh quang, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng đổi mới, giàu đẹp hơn.

Thành công đó có được một phần chính nhờ đời sống văn hóa tinh thần giàu bản sắc, với những câu ca, điệu hò là cội nguồn của sức mạnh, góp phần động viên, thúc giục bà con cùng lao động hăng say, vun đắp tình yêu với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ của quê hương. Với Minh Hóa, Tuyên Hóa, đó là điệu hò thuốc cá với giai điệu hôi lên âm vang, câu ví câu đúm và cả tiếng hát Kiều bình dị, mà sâu lắng. Với Quảng Trạch, mấy ai quên được điệu ca trù quyến rũ dọc dòng Linh Giang lịch sử và lời hát ru Cảnh Dương chan chứa tình người.

Đến Bố Trạch, ta càng thêm mê đắm bởi từng điệu hò biển Nhân Trạch hào sảng, khỏe khoắn và tiếng trống tuồng Phú Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm thúc giục lòng người. Miền đất Lệ Thủy “thứ nhì hai huyện” lại dào dạt dâng trào sông nước Kiến Giang với điệu hò khoan trong những đêm trăng giã gạo, những buổi đối đáp giao duyên, bịn rịn không rời. Dường như, mỗi tấc đất tầng rừng tấc bể xứ Quảng đều ẩn chứa bên trong các giá trị văn hóa phi vật thể khó có thể cưỡng lại và không ngừng lan xa rộng khắp. Để giữ được cái cốt, cái hồn đó, không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của các “di sản sống”-những người không quản tuổi già, sức yếu, ngày đêm nỗ lực đem lời ca, tiếng hát, điệu hò trao truyền cho thế hệ sau.

7 nghệ nhân quá cố và 17 nghệ nhân đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực dân ca khác nhau được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh tôn vinh trong đợt này. Trong 17 nghệ nhân được vinh danh có 4 nghệ nhân dân gian Việt Nam, đó là cụ Hồ Xuân Thể (CLB ca trù Đông Dương, Quảng Phương, Quảng Trạch), cụ Trần Khánh Nguyên và cụ Đinh Thị Phương Đống (CLB dân ca Hội Di sản Văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa), cụ Phạm Thị Niếu (CLB truyền thống xã Nhân Trạch, Bố Trạch).

 Ca nương Dương Thị Điểm và nghệ nhân đàn đáy Hồ Xuân Thể biểu diễn một làn điệu ca trù Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch)
Ca nương Dương Thị Điểm và nghệ nhân đàn đáy Hồ Xuân Thể biểu diễn một làn điệu ca trù Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch).

Tại buổi gặp gỡ, công chúng may mắn được trải nghiệm nhiều giá trị văn hóa phi vật thể ngay trong một không gian truyền thống. Và đặc biệt, tính tiếp biến cũng được thể hiện rõ nét khi hòa chung giữa những tiết mục của các nghệ nhân dân gian cao tuổi là cuộc “tranh tài” của không ít nghệ nhân trẻ. Khán giả đang mê đắm với những câu hát ví đúm trứ danh Minh Hóa của cụ Trần Khánh Nguyên và cụ Đinh Thị Phương Đống, cùng hơi thở ca trù của vùng đất Châu Hóa, Tuyên Hóa do hai ca nương cao tuổi Nguyễn Thị Thanh, Đặng Thị Phong mang đến, thì ngay lập tức bị chinh phục bởi cái mới mẻ, cách tân, bản lĩnh qua giọng ca của ca nương trẻ Dương Thị Điểm hòa với tiếng đàn đáy trứ danh của nghệ nhân Hồ Xuân Thể, hay điệu hò khoan Lệ Thủy chắc khỏe, giọng ca Huế chứa chan, ngọt ngào của hai nghệ nhân trẻ Nguyễn Thị Hải Lý và Đặng Thị Hồng Hới.

Đặc biệt, trong bối cảnh mọi tấm lòng đều đang hướng tới biển Đông, khi điệu hò biển Nhân Trạch do nghệ nhân dân gian Phạm Thị Niếu cất lời với sự lạc quan, hào sảng, cả khán phòng bỗng chốc im phăng phắc, như cùng đồng điệu với từng nhịp chèo buông, từng đợt sóng vỗ mạn tàu và cả từng tiếng reo hò, phấn khởi “Tiếng ta vang trên biển quê hương/Cùng chung tay ta giữ quê nhà... Hò ơi...”. Phải lâu lắm rồi, ở tỉnh ta, không chỉ riêng với từng nghệ nhân dân gian, mà ngay cả với công chúng thưởng thức, một cơ hội để chiêm nghiệm từng cung bậc cảm xúc, thấu hiểu từng lời ca, tiếng hát, từng nét nhấn nhá của các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà bỗng chốc trở thành một “tài sản quý”.

Cụ Đinh Thị Phương Đống, một trong bốn nghệ nhân dân gian Việt Nam còn sống ở tỉnh ta, chia sẻ, cụ đã quen với những làn điệu dân ca Minh Hóa từ năm lên 10 tuổi, nay dù đã tuổi cao sức yếu, phối hợp với chính quyền địa phương, cụ vẫn say sưa truyền dạy cho mọi lứa tuổi với mong muốn bảo tồn, phát huy món quà vô giá mà cha ông ban tặng đến các thế hệ sau. Tuy vậy, cũng như các nghệ nhân cao tuổi khác, cụ bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều cơ hội được gặp gỡ trao đổi, chia sẻ tình yêu với văn hóa dân gian và học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác truyền dạy với các “đồng nghiệp” của mình.

Chị Nguyễn Thị Hải Lý, nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy, hiện đang chủ nhiệm một câu lạc bộ 15 thành viên về hò khoan, dân ca và cả ca kịch, cho biết, chị rất kỳ vọng từ những buổi gặp gỡ như thế này, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian sẽ được chú trọng, quan tâm đầu tư bài bản hơn, tạo cơ hội cho những câu lạc bộ cấp cơ sở có nguồn hỗ trợ để phát triển, giảm bớt khó khăn trong giai đoạn kinh tế thị trường nhiều biến động như hiện nay.

Đại diện cho gia đình của cố nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Hưng, ông Đặng Xuân Huề, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu Quảng Bình và là người đã có nhiều nỗ lực đầu tư vào công tác vinh danh nghệ nhân dân gian, đề xuất sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa về mặt kinh phí từ chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cấp huyện, để tạo điều kiện cho Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cơ sở có thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, có ý nghĩa. Đồng thời, sự phối kết hợp trong công tác truyền dạy đối với từng loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian giữa các ngành, tổ chức, đoàn thể cần được xem xét, đánh giá một cách hệ thống, chặt chẽ.

Để tổ chức một buổi gặp gỡ vinh danh các nghệ nhân dân gian trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm “410 năm-Quảng Bình hình thành và phát triển” đã là một sự nỗ lực, quyết tâm của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh. Điều quan trọng mà các nghệ nhân dân gian ấp ủ hướng đến là giờ đây, sau cuộc tôn vinh này, “đến hẹn lại lên”, nhiều cuộc gặp gỡ ý nghĩa khác sẽ tiếp tục được tổ chức, góp phần định hướng bảo tồn, phát huy vốn dân ca đặc sắc của dân tộc. Đặc biệt, các sự kiện cần diễn ra thường xuyên, liên tục bởi các cụ cũng đã ở tuổi “gần đất xa trời” và nên chăng, chúng ta cần mở rộng hơn nữa quy mô, tính chất để nhiều nghệ nhân dân gian đang “mai danh ẩn tích” có cơ hội được đến gần hơn với công chúng.

Hy vọng rằng, ở những cuộc gặp gỡ vinh danh tiếp theo, các nghệ nhân dân gian tiêu biểu của tỉnh ta sẽ vẫn đủ đầy như thế này!

                   P.V