.

Ca khúc về Bác Hồ của nhạc sĩ Thuận Yến

Thứ Sáu, 06/06/2014, 07:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuộc đời của một nhạc sĩ sáng tác, có được một ca khúc viết về Bác Hồ để lại cho công chúng đã là niềm vinh hạnh. Với nhạc sĩ Thuận Yến, niềm vinh hạnh ấy được nhân lên gấp bội, bởi ông có đến 5 ca khúc viết về Bác Hồ rất thành công.

Đầu tiên là bài Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin viết vào những năm 1965 khi ông ở chiến trường Trị Thiên - Huế, hồi đó ông chỉ mới học xong hệ Trung cấp Sáng tác của Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Nhạc viện Hà Nội. Năm 1971 ông được trở lại miền Bắc theo học hệ đại học sáng tác. Tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn văn công Tổng cục xây dựng kinh tế, ông tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng, hai bài hát Bác Hồ một tình yêu bao la và Vầng trăng Ba Đình được ra đời trong những năm ấy. Tiếp đến là bài Miền Trung nhớ Bác và gần đây nhất là bài Người về thăm quê.

Những giai điệu ngọt ngào ấm áp tình quê hương xứ sở để ngợi ca Bác vị lãnh tụ kính mến được ngân vang trong muôn triệu trái tim: "Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam"...

Đạo đức cao cả và trong sáng của Bác Hồ là tấm gương sáng ngời cho mọi thế hệ con cháu học tập và làm theo:

"Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa. Bác thương đàn cháu nhỏ, trung thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương. Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương"... (Trong bài Bác Hồ một tình yêu bao la).

Hay trong bài Vầng trăng Ba Đình: "Trăng lên kìa trăng lên / Quảng trường dâng điện sáng / Ơi vầng trăng (vầng trăng) Ba Đình / Mênh mông (mênh mông) và thiêng liêng"... Nhìn thấy Bác nằm trong lăng mà tác giả liên tưởng tới những giờ phút Bác đang còn chợp nghỉ sau lúc làm việc ở nhà sàn, hay đang bàn việc quân dưới ánh trăng trên chiến khu Việt Bắc:

"Trong lăng Bác vừa chợp nghỉ / Như sau mỗi việc làm / Trăng ơi! Trăng biết thế / Nên trăng bước nhẹ nhàng"... và "Dưới trăng rừng Việt Bắc / Bác luận bàn việc quân  / Gió hàng tre dào dạt  / Quanh lăng như đầy thuyền"... để rồi kết thúc bài hát, tác giả "Mời vầng trăng yêu dấu / Bước lên thềm vào lăng (Mời vầng trăng yêu dấu / Bước lên thềm vào lăng), được nhắc lại hai lần để kết bài một cách trọn vẹn. Bài hát Vầng trăng Ba Đình, nhạc Thuận Yến, lời thơ Phạm Ngọc Cảnh đoạt giải nhất ca khúc của Bộ Văn hóa - năm 1984.

Đất nước thống nhất thì Người đã đi xa, đồng bào miền Nam không được đón Bác Hồ vào thăm, tình yêu thương vô hạn của đồng bào cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam và giải đất miền Trung yêu thương đối với Bác được truyền cảm trong nhiều ca khúc của các nhạc sĩ. Là một người con của quê hương Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nhạc sĩ Thuận Yến không khỏi bùi ngùi nhớ thương Bác Hồ từ trong những ngày đất nước đang bị tạm chia làm hai miền: "Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt, nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đêm miền Trung. Để sớm nay con đi giữa đoàn quân trong gió biển chan hòa đi theo dấu chân Bác"... hay "Xin hỏi đường nào Bác đã qua đây, khi Bác tìm đường cứu nước ai hay. Trời miền Trung mưa tuôn nắng cháy. Đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường, để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương" - (Trong bài Miền Trung nhớ Bác).

Suốt cả cuộc đời hoạt động khắp năm châu bốn biển, Người luôn nhớ tới những kỷ niệm êm đềm nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cảm xúc của vĩ nhân đã từng rơi giọt lệ khi gặp lại bao kỷ niệm nơi mái nhà tranh và nỗi nhớ quê hương không nguôi:

"Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương. Người về đây thăm Hoàng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha. Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ. Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo (ơ ơ ơ). Đi suốt cuộc đời mới được thăm quê hương, gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải, gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ, gặp lại tuổi xuân đi nghe hát ơ  đò đưa"...

Tấm gương đạo đức của Người suốt cả cuộc đời bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng "Hồ Chí Minh Người là quê hương như sông Lam chẳng cạn. Hồ Chí Minh Người là mùa hoa sen tỏa ngát hương đời"- (Trong bài Người về thăm quê). Chúng ta có được những tác phẩm âm nhạc quý giá về Bác Hồ hơn sáu mươi năm qua, gắn bó với lịch sử cách mạng Việt Nam, chính vì những tư tưởng tình cảm, đạo đức cao đẹp, vì cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sĩ; vì hình ảnh Bác Hồ đã in sâu vào mọi trái tim người Việt Nam. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong âm nhạc về phong cách sống, về đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người đã trở thành nghị lực cho chúng ta vượt qua thử thách của lịch sử.

Nhạc sĩ Thuận Yến suốt cuộc đời đã tâm huyết với ca khúc viết về Người góp phần vào nền ca khúc cách mạng của đất nước. Tên khai sinh của nhạc sĩ Thuận Yến là Đoàn Hữu Công, ông sinh ngày 15 tháng 8 năm 1935. Trong quãng đường dài hoạt động âm nhạc của mình, nhạc sĩ Thuận Yến được tặng nhiều giải thưởng của Bộ Văn hóa - năm 1984 và 1987, Bộ Quốc phòng - năm 1999; giải nhì cuộc thi ca khúc nhân kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Mười; giải ba cuộc thi nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992 - 1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông đã được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, hạng Nhất, Huân chương Chiến công Giải phóng, hạng Hai, Huân chương Lao động, hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương khác. Ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật, đợt I - năm 2001. Nhạc sĩ Thuận Yến đó ra đi lúc 12g06 ngày 24-5-2014, hưởng thọ 83 tuổi, nhưng những ca khúc của ông vẫn sống mãi trong lòng công chúng vẫn còn ngân vang mãi mãi với thời gian.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến