.

Ký ức chợ quê

Thứ Năm, 19/12/2013, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi một con người, ai cũng được sinh ra và trưởng thành từ một làng quê, xóm phố. Kỷ niệm tuổi thơ thường gắn với cảnh vật cây đa-giếng nước-sân đình, quen thuộc với một dòng sông, con hói, con đường. Có người lầm lũi cuộc đời với những cảnh vật không mấy đổi thay qua năm, tháng. Cũng có người may mắn được sinh ra và lớn lên ở làng văn vật, danh hương, hoặc nơi phố thị sầm uất, chợ đò, tàu xe, thuyền bè xuôi ngược... Tất cả những cảnh cố định và biến động ấy tạo cho đời người có một miền quê, ở gần hay đi xa cũng không thể nào quên được! Với tôi, sâu đậm hơn là ký ức chợ quê.

Chợ Côộc quê tôi, tên gốc từ nguồn sông Đại Giang (Long Đại), từ xưa gọi là nguồn Côộc từ dãy Trường Sơn đổ về. Cũng từ Trường Sơn về có nguồn Trạm (nguồn Đợi) đổ vào dòng Kiến Giang, rồi nhập với Đại Giang xuôi về dòng Nhật Lệ mà ra biển. Chợ Côộc còn có tên chợ Cổ Hiền bởi nơi đóng chợ thuộc địa phận làng Cổ Hiền - một trong "bát danh hương" của Quảng Bình: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim. Lại có tên xưa nữa là chợ Diện, do giữa đoạn sông cuối Cổ Hiền có cồn đất nổi gọi là Đuồi Diện - nơi ngã ba sông Long Đại - Kiến Giang - Nhật Lệ cùng tiếp hòa vào nhau.

Đuồi Diện còn có tên là Cồn Dừa, từ bao giờ dân sông nước đã cắm lều nơi ngã ba sông ấy làm nghề chài lưới. Họ trồng lên những hàng dừa ngày càng cao lớn, vừa giăng phơi chài lưới, vừa cho quả, củi, qua bao nắng mưa, giông bão vẫn đứng vững. Đến thời kháng chiến chống Pháp, năm 1949, địch triệt hạ những hàng dừa đi.

Trở lại với ba con sông nói trên, liền với nguồn lưu thông bến bãi, sông nước, thuận lợi từ nhiều vùng miền tụ họp về chợ Côộc để có nhiều vật phẩm - đặc sản, mùa nào, thời nào cũng dồi dào, phong phú...

Hàng rau quả ở chợ Quy Đạt (Minh Hóa). Ảnh: P.V
Hàng rau quả ở chợ Quy Đạt (Minh Hóa). Ảnh: P.V

Từ nguồn Đại Giang xuôi về, đặc sản vùng núi rừng Trường Sơn, Trường Xuân, người dân sản xuất, khai thác được như mật ong rừng, mây song, mây sợi, thuốc lá, ngô khoai, tươi ngon hơn là món cá xeng (xanh) nướng nguyên cả con có lớp bì (da) giòn bọt thịt trắng, thơm, không nguồn sông nào có được. Thảng hoặc có thịt thú rừng như nhím, sóc, chồn, heo rừng..., người canh giữ nương rẫy đặt bẫy bắt khi các loài ấy đến cắn phá hoa màu của họ.

Nguồn vật - sản phẩm ngược dòng Nhật Lệ từ Đồng Hới, Quán Hàu, Phú Bình, Bảo Ninh... đưa lên chợ là đặc sản hàu, hến, đồ mộc bằng gỗ mít, gỗ huê chạm trổ tinh vi thành bộ đồ thờ sang trọng; những chuyến đò chở nước mắm, mắm thính chính hiệu, thử nếm vào là nhức lưỡi; còn có những nồi cá các loại: chim, nục, hồng... mới kho qua một lửa, còn nguyên nước cốt mùi thơm ngọt mới ngửi đã thèm.

Nguồn Kiến Giang đưa về nông sản "Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện" từ chợ Tréo, chợ Hôm - Tuy Lộc: chiếu cói An Xá, nón Quy Hậu, dồi dào hơn là nếp, gạo, gà, vịt, trứng, hoa trái vùng các xã Phong, An, Lộc, Liên Thủy,vv...

Kể về vật phẩm đặc sản các vùng, miền từ xa đưa về chợ còn nhiều, nhưng cái nết gần gũi dân dã bốn mùa là sản phẩm tại chỗ 8 xã huyện nhà Quảng Ninh: Võ, Gia, Duy, Hàm, An, Tân, Trường, Vạn Ninh (về sau xã Trường Ninh chia thành 2 xã Xuân, Hiền Ninh). Theo mùa nào thức nấy, nông sản ngoài đồng và cây nhà lá vườn... không phải chợ hàng tạ, hàng tấn bằng đò, xe, mà với vai gánh, rổ bưng, tay xách, bền bỉ ngày, tháng góp nhiều sản phẩm tới chợ: gạo, nếp, khoai, sắn, rau dưa, hoa quả, bán bánh, heo, gà... Các sản phẩm từ nghề thủ công: vải mộc Quảng Xá, Lộc Long, tơ lụa Hiển Vinh, Hiển Lộc, đồ đan mây, tre, đồ rèn, đồ mộc, lâm sản, than củi...

Vệ tinh xung quanh chợ là các hàng hiệu có tính truyền thống: Hiệu may thợ Ninh, hàng bạc thọ Nọ, hiệu thuốc Bắc chú Khóa Huyền, hiệu sách chú Tùng, tân dược o Chiến, hàng nhuộm bà Làng, các quán cắt tóc, cháo, bún bánh... Có lẽ ngăn nắp, thứ tự hơn là vào đình chợ 5 gian, để trống bốn bề, các dãy hàng tạp hóa của các o khoe sắc, đua tài chào mời của các mệ trọn một đời in bóng với chợ, mua bán "hàng nằm" không vội vã đua chen như chợ "hàng chạy".

Những chiều chợ vãn dần nhưng các quầy hàng ở đình chợ vẫn thư thả tính toán, cho tới sắp hoàng hôn mới nghỉ. Điều thuận lợi là chợ liền với bến sông, thuyền đò, trên bến dưới thuyền, nhất là các phiên vào ngày tám (8, 18, 28) hàng tháng là tấp nập, từ các hướng đường bộ và ba nguồn sông dẫn tới, thuyền lớn đò nhỏ chèo tay, dựng buồm, thời hòa bình đến nay có máy đẩy các loại.

Theo sử liệu cùng với dấu tích còn lại thì chợ Côộc - Cổ Hiền hình thành cùng thời gian với quần cư trong cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh ở thế kỷ XVII; là thời Nội tán Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ, quê gốc Tĩnh Gia, Thanh Hóa vào phò chúa Nguyễn Đàng Trong, đốc suất dân binh xây đắp lũy Trường Dục dài hơn 9km nối từ chân núi Thần Đinh đến phá Hạc Hải ngăn quân Trịnh Đàng Ngoài tiến vào. Chợ Cổ Hiền ở phía hữu ngạn lũy, vòng men qua các làng Xuân Dục, Cổ Hiền, Trường Dục, Quảng Xá... Nay lũy còn một đoạn cồn đất làm di tích gần bến đò Cổ Hiền (Hiền Ninh) - Trung Quán (Duy Ninh), cũng là điểm gần Đuồi Diện nơi ngã ba sông...

Chợ Côộc quê tôi cũng chịu ảnh hưởng thăng trầm, đứt nối. Thời kháng chiến, tránh máy bay giặc đánh phá cả chợ, đò, trường học, chợ phải chui luồn vào các lùm cây lũy Đào Duy Từ, phân tán về các thôn lân cận, vào nhà hầm, giao thông hào xung quanh. Đến hòa bình, có thời huyện định ra quy hoạch di dời chợ Cổ Hiền tới một địa điểm khác, không liền với thuyền, ghe, sông nước, đưa các quầy hàng tạp hóa, thợ thủ công, rau dưa, ăn uống... vào hợp tác xã...! Ý tưởng trên không hợp với mối lưu thông truyền thống của dân đã bao đời, lại không thuận chợ-đò-sông nước, dù có thúc ép, lùa đẩy vẫn không kéo hút được người tới họp chợ nơi mới, mà vẫn giữ nguyên chợ Cổ Hiền - chợ Côộc đông đúc đến bây giờ.

Ôi! Ký ức chợ quê, ký ức tuổi thơ cứ khắc sâu mãi như vậy! Như những ngọn núi, dòng sông quê tôi Long Đại, Thần Đinh, như lũy Thầy, Trường Dục... dù sắc màu nước mây, cây cảnh có thay đổi theo mùa nhưng cốt cách, hình dáng vẫn cao sừng sững, tuôn chảy, vươn dài mãi...

Nguyễn Hoàng Huy