.

Vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ: Cần sự nỗ lực của các ngành chức năng

Thứ Ba, 09/07/2013, 09:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu sau đợt tổng kiểm tra và vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa qua, nhưng so với thực tế về hậu quả và những tàn dư chiến tranh còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh ta thì những con số đó còn rất khiêm tốn, rất cần sự tiếp tục nỗ lực và chung tay vào cuộc của các lực lượng chức năng.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm đúng mục đích, không để thất thoát các loại vật liệu nổ và phụ kiện nổ ra ngoài xã hội, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH 12 và các văn bản liên quan cho 51 cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút gần 100 lượt người tham gia. Ban chỉ đạo tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ các huyện, thành phố cũng đã chọn 1 đến 2 xã trọng điểm phức tạp để tập trung lực lượng tuyên truyền và vận động nhân dân, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Tại địa bàn chỉ đạo điểm xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, các lực lượng chức năng đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản liên quan cho đội ngũ cán bộ cốt cán của xã và 4 bản, 6 thôn trên địa bàn, thu hút trên 700 lượt người tham gia. Qua đó, quần chúng nhân dân đã xác định và tố giác 11 đối tượng có khả năng tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí để săn bắn động vật hoang dã. Nhận được tin báo này, Ban chỉ đạo đã thành lập đoàn công tác liên ngành để tiến hành vận động cá biệt, yêu cầu các đối tượng này ký cam kết không tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, nếu có phải tiến hành giao nộp. Kết quả đã vận động được 5 đối tượng tự giác giao nộp 5 súng quân dụng, 1 kíp điện K8 và một số vũ khí thô sơ khác. Còn tại địa bàn điểm xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và qua các hội nghị của các tổ chức, đoàn thể, tổ giúp việc của Ban chỉ đạo tỉnh đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban chỉ đạo xã, Công an xã tổ chức các đoàn (có sự tham gia của ban cán sự thôn và những người có uy tín trong dòng tộc, dòng họ) trực tiếp đến 1.700 hộ dân để tuyên truyền vận động. Theo đó, đã tổ chức cho 15/15 thôn, với 1.935 hộ gia đình và 208 tàu thuyền đánh bắt trên biển ký cam kết thực hiện Pháp lệnh số 16, đồng thời vận động nhân dân tự giác giao nộp 5kg thuốc nổ, 158 cm dây cháy chậm, 8 kíp nổ và 16 vũ khí thô sơ.

Vũ khí trôi nổi được các lực lượng chức năng thu hồi sau đợt tổng kiểm tra
Vũ khí trôi nổi được các lực lượng chức năng thu hồi sau đợt tổng kiểm tra

Theo số liệu thống kê sau đợt tổng kiểm tra và vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã thu hồi được 114kg thuốc nổ, 107 khẩu súng các loại, 9 nòng súng, 1.475 viên đạn và 13kg đạn dùng cho súng chuyên dụng, 23 kíp nổ và 178,5cm dây cháy chậm, 459 vũ khí thô sơ các loại, 7 công cụ hỗ trợ và 107 quả bom, mìn, lựu đạn, đầu đạn. Ngoài ra, các ngành chức năng còn thu được 202 bộ kích điện, 2 bộ ắc quy và 2 đò nhôm để đánh bắt thủy hải sản, 3.236 đồ chơi nguy hiểm và 24,8 kg đạn dùng cho các loại đồ chơi nguy hiểm. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 33 vụ với 44 đối tượng vận chuyển, mua, bán và đốt pháo, thu gần 99 kg pháo các loại, 199 hộp pháo diêm và 55 que pháo hoa. Theo đó đã khởi tố 1 vụ với 1 đối tượng, xử lý hành chính 25 vụ với 35 đối tượng, phạt tiền trên 73 triệu đồng và cảnh báo 4 đối tượng trong độ tuổi vị thành niên.

Mặc dù đã thu hồi được một số lượng lớn các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhưng so với thực tế về hậu quả và tàn dư chiến tranh còn tồn đọng khắp các địa phương thì kết quả trên còn rất khiêm tốn, rất cần sự tiếp tục nỗ lực và tăng cường tuần tra, kiểm soát của các ngành chức năng. Trong quá trình triển khai đợt cao điểm tổng kiểm tra và vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các lực lượng chức năng cũng đã gặp không ít khó khăn do một số chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc và quan tâm đến công tác này, cơ chế quản lý vật liệu nổ chưa chặt chẽ... Hơn thế nữa, do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc giao nộp vũ khí và vật liệu nổ đã dẫn đến thực trạng nhiều ngư dân không chịu giao nộp vật liệu nổ mà vẫn giữ lại để đánh bắt thủy hải sản, một số cựu chiến binh vẫn muốn lưu giữ các công cụ hỗ trợ hồi chiến tranh để làm kỷ niệm, những vũ khí thô sơ như: đao, kiếm, mã tấu... vẫn còn tồn đọng nhiều ở tầng lớp thanh niên nhằm sử dụng khi có xung đột xảy ra.

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân quan tâm đến công tác này, các ngành chức năng và địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn các đối tượng có liên quan đến vật liệu nổ, phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm túc các trường hợp cố tình vi phạm. Ngoài các đợt tổng kiểm tra cao điểm hàng năm, các lực lượng chức năng, các ngành liên quan và địa phương phải xem công tác vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp được phép trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cần tăng cường công tác quản lý nhằm bảo đảm không để mất mát và thất lạc. Các đơn vị phải thực hiện nghiêm các quy định từ khâu nhập kho, xuất kho và cả trong quá trình sử dụng nhằm ngăn chặn hiện tượng cán bộ, công nhân viên lợi dụng sơ hở để lấy cắp vật liệu nổ công nghiệp và các phụ kiện nổ nhằm sử dụng hoặc bán cho người khác.

                                                                      Hiền Chi