Lần theo dấu tích "đường sắt trên không"

Cập nhật lúc 08:16, Thứ Ba, 12/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Mỗi lần xuôi ngược qua xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) trên tuyến đường Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bên ven đường có một dãy cột bê tông rêu phong phủ bóng thời gian. Hỏi dân địa phương cũng rất ít người tường tận, đó là dấu tích của công trình gì. Mãi sau này chúng tôi mới biết, nơi đây hơn 80 năm trước người Pháp đã cho xây dựng một tuyến "đường sắt trên không" để vận chuyển tài nguyên từ vùng Trung Lào về Việt Nam trong chính sách thuộc địa thời đó. Tìm về những điểm đến của tuyến đường sắt lịch sử này, như gợi nhắc hành trình lịch sử bi tráng nhưng quật cường của người Việt.

1.Lịch sử ngành Giao thông-Vận tải tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 1885-1999, chép lại rằng, từ năm 1893 nhà cầm quyền Pháp bắt đầu mở mang các tuyến đường giao thông quan trọng, gọi là "đường thuộc địa". Riêng "đường thuộc địa số 1" đi qua Quảng Bình (sau này gọi là quốc lộ 1) người Pháp chủ yếu dựa vào con đường thiên lý ngày xưa nhưng có khảo sát thiết kế lại, mãi đến năm 1911 mới đo đạc xong trên bản đồ.

Một thời gian sau đó, để khai thác tài nguyên vùng Trung Lào, giới tư bản Pháp cho xây dựng một tuyến đường từ ga Tân Ấp lên biên giới Việt Lào, dài 70km, nối với đường 12 trên đất Lào qua thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn. Do núi đèo hiểm trở nên người Pháp cho làm thêm một tuyến đường cáp treo trên núi, gọi là "không trung thiết lộ", bắt đầu từ xóm Cục (ga Cha Mác) sang đến bản Nà Phào dài 65km. Với hệ thống cột đỡ và dây cáp chắc chắn, người Pháp dùng thùng goòng chuyển tải hàng hóa, chủ yếu là thuốc phiện và các mặt hàng thiết yếu từ Lào về Việt Nam để tiếp tục đưa sang mẫu quốc.

Để xây dựng hệ thống "đường sắt trên không" này, thực dân Pháp đã bắt ép nhân dân đi làm phu phen, tạp dịch. Người dân đi làm đường cho Pháp thật vô cùng cực nhọc, nhất là khi mở những tuyến đường vượt đèo, vượt núi sang Lào, những lúc đó họ phải đối mặt với cảnh màn trời chiếu đất, bệnh tật hoành hành. Những người phu rời nhà ra đi đều không hẹn ngày trở lại, nhiều người phải bỏ mình nơi chốn lam sơn chướng khí. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những công trình kỳ vĩ ngày đó đã rêu phong phủ bóng thời gian. Chỉ còn lại những dấu tích như minh chứng sự quật cường của người Việt, từ chỗ lầm than rũ bùn đứng dậy làm nên những điều kỳ diệu.

Dấu tích “đường sắt trên không” tại khu vực đồi Cầu Trập.
Dấu tích “đường sắt trên không” tại khu vực đồi Cầu Trập.

2.Tôi đã có một thời gian làm phóng viên phụ trách địa bàn Minh Hóa, nên thường có điều kiện rong ruổi trên con đường Hồ Chí Minh về với những bản làng ở vùng sâu, vùng xa-nơi có những người dân cần mẫn lao động để làm nên sự đổi thay của quê hương xứ sở. Mỗi lần đi qua đồi Cầu Trập, rồi cầu Ca Tang (xã Lâm Hoá, Tuyên Hóa), tôi đều bắt gặp những cây cột bê tông vươn cao sừng sững giữa màu xanh bất tận của núi rừng. Hình ảnh đó như gợi nhắc cho chúng tôi-những công dân được sinh ra trong thời bình-phải tìm hiểu để ghi lại những gì mà lớp ông cha đã đi qua, đã làm được từ thế kỷ trước.

Ở khu vực đồi Cầu Trập bây giờ chỉ còn sót lại ba cột trụ bê tông và một mố cầu rêu phong, phía dưới là con suối nhỏ uốn mình vượt qua ghềnh thác mang trong lòng trầm tích bồi đắp cho những bản làng thêm trù phú. Ghé quán nước ven đường hỏi chuyện, chúng tôi được gia chủ giới thiệu sơ lược về tuyến đường, rồi xởi lởi bảo: Các anh nên tìm về vùng Thanh Lạng (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa), ở đó vẫn còn những dấu tích khởi nguồn của "đường sắt trên không" nơi đây.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Đến Thanh Lạng khi trời vừa hửng nắng, không khí của những ngày cuối năm thật lạ, vừa như quen thuộc, vừa như hối hả báo hiệu một sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Hỏi thăm hầm đường sắt thời Pháp, chúng tôi may mắn gặp bà Nguyễn Thị Đào ở thôn 4 Thanh Lạng, bà kể: Ngày đó, người Pháp đã huy động hàng ngàn dân phu ở các địa phương lân cận, sau khi trang bị dụng cụ thô sơ là choòng, xà beng, búa, đục... họ xua dân phu vào khoét núi để xây dựng hầm đường sắt Thanh Lạng. Đất đá đào bới đường hầm được mang ra đổ ngổn ngang trong vùng, có nơi còn cao hơn cả nóc nhà. Do lao động cực nhọc, lại phải đối mặt với nguy cơ sập hầm, rồi ăn đói, mặc rách nên đã có hàng chục dân phu bỏ mình nơi đất khách quê người.

Hầm đường sắt Thanh Lạng (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa).
Hầm đường sắt Thanh Lạng (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa).

Sau 7 đến 8 năm xây dựng, hầm đường sắt Thanh Lạng cũng hoàn thành với chiều dài khoảng 500m, cao 5m, rộng 6m và được đổ một lớp bê tông trộn lẫn đá cuội, mật mía, vôi và xi măng dày 50cm để chống thấm nước, sụt lún. Điều gây ấn tượng nhất đối với chúng tôi về đường hầm này, đó là, tuy được xây dựng trong điều kiện thiếu thốn và thô sơ nhưng hơn 80 năm qua trần hầm vẫn rất khô ráo, không có các hiện tượng rò rỉ nước ngầm. Và người dân Thanh Lạng, cũng như các phương tiện cơ giới ngày nay vẫn qua lại đường hầm để sản xuất và vận chuyển hàng hóa.

Ông Nguyễn Hữu Được ở thôn 5 Thanh Lạng cho biết: Ngoài hầm Thanh Lạng được xây dựng từ năm 1932, cách đó khoảng 2km còn có hầm Trệng. Ngày trước, "ô tô ray" (xe ô tô cải tiến bánh sắt chạy trên đường ray) theo tuyến đường sắt trên bộ đi qua Tân Ấp, cầu Cốt Bốn, Thanh Thạch, Khe Hà, ga Thanh Lạng, hầm Thanh Lạng, cầu Sập, hầm Trệng, cầu Trệng, cầu Xóm Chuối và ga Lâm Hóa. Đến điểm này, tuyến đường sắt bắt đầu được chuyển lên không trung bằng hệ thống trụ đỡ và dây cáp để treo các thùng goòng vượt trên các cánh rừng nguyên sinh sang đất Lào.

Dọc tuyến còn có hệ thống ga Cha Mác, La Trọng, Mòn, Bãi Dinh để trung chuyển, và là điểm dừng chân nghỉ ngơi của nhân viên áp tải hàng hóa. Sau Tổng khởi nghĩa năm 1945, nhằm ngăn chặn sự di chuyển các binh đoàn cơ động của thực dân Pháp, một số điểm trọng yếu trên tuyến đường sắt này bị Việt Minh phá hủy hoàn toàn, nên "đường sắt trên không" cũng ngừng hoạt động. Đó cũng chính là thời điểm, dân tộc Việt Nam khép lại trang sử bi tráng và mở ra thời đại của độc lập, tự do, mặc dù để trọn vẹn thống nhất cả nước lại trải qua thêm một cuộc trường chinh vệ quốc.

Trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, hầm Thanh Lạng được bộ đội dùng làm nơi chứa lương thực, súng đạn và xe đạp cho dân công hỏa tuyến thồ hàng hóa theo đường 12A vào miền Nam. Chính vì vậy, vào năm 1966, hầm Thanh Lạng bị máy bay Mỹ phóng hỏa tiễn trúng miệng hầm gây sạt lở.

3.Dấu tích của "không trung thiết lộ" tuy không còn nguyên vẹn nhưng cũng gợi nhắc cho chúng ta hành trình của cha ông trong thời đất nước phải sống dưới ách lầm than của chế độ thuộc địa. Non sông đã trải qua thời khắc đó, đất và người Quảng Bình cũng bao phen lam lũ nhưng vẫn kiên cường bất khuất để vươn mình đứng dậy xây dựng quê hương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nơi vùng biên ải phía tây, tuyến "đường sắt trên không" tuy đã hoàn thành sứ mệnh của nó nhưng vẫn còn đó tiềm năng để khai thác phục vụ du lịch khám phá, thám hiểm... Mang vẻ đẹp tiềm ẩn, điểm đến này sẽ níu giữ du khách thập phương, vì lẽ, nơi đây gần một thế kỷ trước người Việt không chỉ để lại dấu chân!

                                                           Trần Minh Văn



 

,
.
.
.