Về một nhà nho yêu nước của quê hương

Cập nhật lúc 08:10, Thứ Năm, 07/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Ông là Trần Mạnh Đàn- sinh năm  Nhâm Ngọ 1882 tại xã Thuận Bài, nay là xã Quảng Thuận, Quảng Trạch. Tên chữ là Lịch Viên, hiệu là Thuận Giang. Ông là hậu duệ của Đường Quốc Công Trần Đạt - một vị tôn thất nhà Trần ở xã Tức Mặc- lộ Thiên Trường, Nam Định, vào mai danh ẩn tích ở vùng ấp An Bài để thoát khỏi  vùng cai trị của nhà Hồ (Hồ Quý Ly).

Dòng họ Trần vào khai canh lập ấp ở vùng này xây dựng quê hương mới. Năm 1807, vua Gia Long mở khoa thi hương ở Thăng Long. Một người cháu ngoại của xã An Bài đỗ hương cống (cử nhân) khai khoa. Khi ông Lịch Viên đi học thì trong làng ông đã có 4, 5 vị khoa mục và vài vị đường quan. Trong các làng khác đã có các vị tiền bối vang danh như Nguyễn Hàm Ninh, Trần Tiến Ích ở Thổ Ngoạ, Lưu Văn Bình, Lưu Văn Xưng ở Cao Lao Hạ hay Trần Văn Thống ở La Hà.

Ông Lịch Viên học chữ với phụ thân. Đến 13, 14 tuổi, ông được cha cho đi học tại nhà cụ Tế Ích. Năm 15 tuổi trúng sát hạch, ông cùng cha khăn gói vào kinh (Huế) thi hương. Cả hai cha con cùng thi nhưng đều hỏng khoa Đinh Dậu (1897) và khoa Canh Tý. Đến khoa Quý  Mão (1903) thì ông đỗ tú tài. Ông làm rể ở nhà quan thương tá Nguyễn Hữu Hào ở xóm Lòi Thổ Ngoạ. Đến năm Nhâm Tý, khoa này ông mới đỗ cử nhân (năm 1912), ông đứng thứ 6.

Trong thời kỳ chờ thi hương ở Huế ông có đi dạy học ở An Ninh, Kim Long. Phong trào Duy Tân phát triển, một luồng gió mới thổi qua từng lớp sĩ phu nho học. Ông Lịch Viên cũng thao thức, rạo rực tìm đọc sách mới, do đó kiến thức ông cũng được nâng cao. Ông tiếp thu tư tưởng chính trị, kinh tế mới và tìm hiểu về sử, địa, thiên văn, toán, khoa học, nhờ đó mà giảm bớt được sự cổ hủ của nho gia trong con người ông.

Tháng 5-1906, triều đình ban hành một đạo dụ thay đổi phép học, phép thi, chương trình học vấn lấy chữ nho làm gốc nhưng thêm một phần chữ quốc ngữ, học các môn sử ký, địa dư, toán pháp và  một phần sơ học chữ Pháp.

Ông Lịch Viên học chữ quốc ngữ 1 tháng, chữ Pháp 3 tháng rồi sau đó dạy cho học trò. Sau đó ông giảng thêm văn phạm tiếng Pháp và ứng dụng phương pháp phân tích văn phạm này vào việc quy định văn phạm của chữ Hán. Sau khi đậu cử nhân ông viết quyển "Sử học Hán văn". Ông am hiểu về  toán, địa lý, vật lý và cơ khí. Năm 1917 ông được bổ làm Hành tẩu. Ở Huế 2 năm ông làm việc ở Bộ hình. Sau vì giỏi toán ông được đổi sang Bộ hộ. Đầu thu năm Mậu Ngọ ông được bổ làm tri huyện Tuyên Hoá.

Trong thời kỳ làm quan ở Huế, một hôm ông đi thăm bạn ở làng La Chữ, thấy nông dân đạp xe đạp nước vào ruộng khó khăn vất vả, ông về suy nghĩ vẽ ra cái máy giản dị. Ông thuê thợ mộc, thợ thiếc làm ra một cái máy dùng sức gió thay thế sức người dẫn nước vào ruộng. Máy là một khung bằng gỗ, đỡ một cánh quạt trên cao và một trục gỗ đặt nghiêng phía dưới. Trục có đường rãnh đục quanh trôn ốc, dùng kẽm bọc  ngoài. Một  hệ thống đơn giản dây tràn và bánh xe nối liền  hai bộ phận đó, khi  gió nam thổi lên từng đợt làm lả ngọn tre đàng xa thì cánh quạt chạy vù vù, đồng thời một dòng nước chảy ra từ miệng của  trục gỗ, được hứng vào một cái quặng mà cái vòi nghiêng hướng về phía ruộng cho nước chảy vào.

Tuy trình độ chưa cao nhưng phát minh này cho thấy ông là người ham học hỏi và có sáng kiến kỹ thuật. Trước đó ông cũng đã từng sáng  chế ra hai cái máy kéo sợi bông vải, một quạt máy và một chiếc thuyền máy có chân vịt. Những loại đó tuy không ứng dụng được lâu dài nhưng cũng cho thấy ông Lịch Viên là một nhà nho, vừa là một nhà khoa học. Nếu lúc đó có trường lớp đào tạo bài bản, chắc hẳn ông đã tiến xa hơn trên con đường nghiên cứu khoa học. Lúc ông sáng chế ra máy nước là ông đang làm ở cổ học viện. Hàng ngày ông đến Di Luân đường xếp đặt thư mục, khi nhàn rỗi thì đọc sách, dịch sách Hán ra Việt. Ông còn viết sách "Quốc ngữ đính ngọa".

Ông làm quan ở huyện Tuyên Hoá từ năm 1918-1927, ở Can Lộc- Hà Tĩnh từ năm 1927-1930, ở Mộ Đức-Quảng Ngãi năm 1930-1931, 5 tháng ở Cam Lộ, Quảng Trị từ 1931-1932, ở Hương Thuỷ từ 1932-1933 và làm quan ở phủ Hoằng Hoá năm 1934.

Ông quan niệm làm quan là phải lấy việc khai hoá dân trí, mở mang dân sinh làm đầu. Ở đâu ông cũng lo lập trường, mở chợ, đắp đường, làm cầu. Ông tạo thanh bình, ngoài đường của rơi không ai lượm, ban đêm cửa không cài then. Những việc tranh chấp kiện thưa ông đều hoà giải. Ông ghét những kẻ mưu sĩ, làm thầy cúng chuyên "đâm bị thóc, chọc bị gạo". Về hình vụ ông đều tra hỏi cặn kẽ, luôn xử lý công bằng. Ông sống thanh liêm nên đến đâu đều được dân tin yêu. Trong nhà ông có treo một bức hoành phi có khắc 3 chữ nổi "Thanh cẩn thận" do nhân dân huyện Can Lộc tặng . Ông chỉ bức hoành nói với con cháu "Ta ân hận hèn kém, làm quan nhỏ, chẳng lấy gì rạng rỡ dòng họ, xứng đáng tổ tông, nhưng được mấy chữ kia cũng khả dĩ làm hài lòng vong linh ông cha phần nào".

Năm 1937, ông được thăng Quang Lộc tự khanh, mấy năm sau được vinh thăng Thái thường tự khanh. Ông về hưu vẫn xem sách và dịch sách, và còn nghiên cứu thêm y học cổ truyền, đọc sách Phật và dịch Kinh dịch ra tiếng Việt. Ông còn là một nhà thơ, thơ văn của ông thể hiện tính cách con người của ông. Ông không mượn từ điệu để nói lên sự thống khổ của con người trong cơn biến loạn như Đỗ Phủ. Ông cũng có sự hóm hỉnh như Hồ Xuân Hương, bài "Đường cây khế" là một ví dụ:

Cũng ngon cùng ngọt cũng chua cay
Cảnh vật nên bày một đít cua
Chân núi dọc ngang nhăng cẳng nhái
Hình non lúm khúm nảy mu rùa
Trước luồn nẻo suối quanh trăm khúc
Gió thóc cành thông mát tứ mùa.
Tám chín năm trời quen với ngựa
Thấu tình chăng hỡi bạn a mua.

Thường thơ ông bình dị, nghiêm túc và đôn hậu. Ông thường lấy văn thơ để dạy dỗ, khuyên răn. Khi bước chân vào hoan lộ ông đã dùng lục bát để viết quyển địa dư, nhan đề là "Địa dư tiện đọc". Dùng văn thơ để công kích nhẹ, hoặc mô tả một tệ nạn cho người khác ghê sợ mà xa lánh. Ông luôn nghĩ đến việc học hành của con em trong làng.

Dù đi xa quê hương vẫn gửi những bài thơ khuyến học để nhắc nhở người lớn có trách nhiệm với con trẻ. Ông đã xuất bản được hai quyển sách "Giấc mộng quê hương", "Quốc ngữ đính ngoạ" và viết các tác phẩm "Thuận giang Việt văn thi tập", "Thuận giang Hán văn thi tập", "Địa dư tiện độc sơ học", "Hán văn khoá bản", "Hán văn bị thế giáo khoa thư", "Tiếng Tàu lai", dịch "Tỳ bà hành"quyển kinh dị và tập Điều trần. Sau khi ông mất các tác phẩm của ông đã thất lạc.

Ông là một nhà nho yêu nước, tiến bộ của quê hương Quảng Bình. Tấm gương của ông được lưu truyền trong dân gian.

                                                                              Diệu Hồng
                                                                         (Bảo tàng tỉnh)







 

,
.
.
.