Khám phá "tận nguồn" sông Gianh

Cập nhật lúc 07:51, Thứ Ba, 12/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã nhiều lần ngược xuôi trên dòng Gianh nhưng ước muốn được một lần đặt chân đến tận nguồn của con sông quê hương luôn thôi thúc chúng tôi. Ấp ủ mãi, một ngày chớm xuân chúng tôi quyết định hành trình khám phá...

Rừng lội giữa lòng sông

Theo bản đồ, sông Gianh bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017m thuộc dãy Trường Sơn chảy qua địa phận các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch rồi đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Để khám phá tận nơi con sông Gianh khởi nguồn, chúng tôi chọn cách đi xe máy lên xã Dân Hoá (Minh Hoá), rồi từ đó thuê người dân bản địa dẫn đường...

Đến  tổ công tác biên phòng của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đóng ở bản Cà Vàng, chúng tôi đặt vấn đề khám phá thượng nguồn sông Gianh, thiếu tá Hoàng Văn Đỉnh nhìn chúng tôi từ đầu đến chân như muốn đặt một câu hỏi lớn, liệu chúng tôi có đi được không? Anh Đỉnh bảo chúng tôi: "Các anh không thể tự đi được đâu, cần phải có người dân tộc am hiểu đường đi, nếu không có khi lạc lối, không tìm được đường ra đâu". Nói rồi, anh Đỉnh dẫn chúng tôi vào bản Cà Ai nhờ 2 bố con già Cao Dương làm hoa tiêu dẫn đường. Anh Đỉnh còn chuẩn bị một số lương thực, thuốc uống, những thứ cần thiết nhất cho một chuyến vượt rừng...

Một đêm ngon giấc cùng các anh Bộ đội Biên phòng ở tổ công tác biên phòng Cà Vàng trôi qua. Buổi sáng, khi con gà rừng bắt đầu cất tiếng gáy te te, chúng tôi đều đã thức dậy. Hai bố con già Cao Dương cũng đã có mặt từ rất sớm. Già Dương (người Mày) năm nay đã 60 mùa rẫy, nhưng vẫn tráng kiện như cây lim trong rừng. Còn Cao Hùng, cậu con trai đi cùng ông mới 15 tuổi, đôi chân thoăn thoắt như con sóc, đi trên ghè đá mà cứ như chạy trên đường nhựa!

Thác Nước Rụng nơi thượng nguồn sông Gianh.
Thác Nước Rụng nơi thượng nguồn sông Gianh.

Bản Cà Ai, nơi bố con già Cao Dương sinh sống được coi là bản người Mày sống cao nhất trên thượng nguồn sông Gianh. "Mày", theo tiếng của tộc người anh em này có nghĩa là đầu nguồn con nước. Tộc người này thuộc nhóm dân tộc Chứt, là hệ gia đình của nhóm anh em Rục, Mày, Sách, Khùa. Người Mày có tính tình khí khái, họ chỉ sống ở đầu nguồn nước, bởi theo truyền thuyết, người Mày sinh ra để trở thành chiến binh bảo vệ cương vực cho những người anh em phía dưới chân núi...

6 giờ 30 sáng, chúng tôi bắt đầu rời khỏi bản Cà Ai. Con đường mòn nhỏ như sợi chỉ chạy giữa lưng chừng một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm con sông Gianh đang cuộn chảy qua những thác ghềnh. Đi được khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ, con đường mòn đột ngột đổ dốc, sát với lòng sông. Đến đây chúng tôi bắt đầu hành trình trên con đường lởm chởm đá, từng ghè đá to, nhỏ nối tiếp nhau bên bờ sông tạo thành con đường đá khúc khuỷu như thách thức bước chân của chúng tôi.

Đứng bóng, chúng tôi đã đi hết con đường mòn. Dòng sông Gianh chuyển ngoặt theo hướng tây bắc (thực tế là đông nam vì chúng tôi đang đi ngược dòng sông), ông Dương bảo, từ đây trở lên sẽ không có đường mòn nữa, chúng ta phải men theo con sông, len lỏi những ghềnh đá mà tìm đường đi. Đến đây lòng sông cũng bắt đầu hẹp dần. Dòng chảy của dòng sông bây giờ cũng chỉ còn những luồng nước len lỏi qua từng khe đá, tạo nên những cái thác nước trắng xoá, đẹp mê lòng. Một điều thú vị, là cũng từ đoạn sông này, ngay giữa lòng sông xuất hiện cánh rừng lội ken dày. Hàng ngàn cây lội cao vút, thẳng tắp với nước da vàng ươm với tán lá xanh um che kín một khúc sông dài hơn 1km. Già Dương cho chúng tôi biết, về mùa xuân khi cây lội thay lá, sắc lá màu tía đẹp lắm. Vào thời điểm đó, khúc sông này đẹp như một bức tranh thuỷ mặc...

Rừng lội giữa dòng sông Gianh ở thượng nguồn.
Rừng lội giữa dòng sông Gianh ở thượng nguồn.

Cũng theo già Dương, thời gian gần đây khi ở dưới xuôi phong trào chơi cây cảnh đại thụ nở rộ, cây lội là một trong những loại cây được săn đón, thu mua với giá cao để đưa đi Trung Quốc. Nhiều cánh rừng vì thế mà bị tàn phá tan hoang. Ở bản Cà Ai, nhiều thương lái cũng đã tìm vào dụ dỗ dân bản đi đào cây lội để bán nhưng dân bản không chịu, vì Bộ đội Biên phòng, cán bộ kiểm lâm nói, cây lội có tác dụng giữ nước, cân bằng sinh thái rất tốt, nếu đi đào cây lội để bán, nước lũ hung hãn sẽ cuốn trôi bản làng... Rừng lội ở đầu nguồn sông Gianh vì thế mà được giữ tốt, không mất cây nào...

Thác nước trên trời rụng xuống

Vượt qua cánh rừng lội, chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục tận nguồn sông Gianh trên những ghè đá. Càng lên cao, dòng sông Gianh càng hẹp dần, đến nơi này dòng nước của nó chỉ như một dòng suối nhỏ. Thế nhưng, sức chảy của nó vẫn mãnh liệt vô cùng. Những ghè đá nối tiếp nhau tạo thành những cái thác nước tuôn trào, trắng xoá, có thể cuốn trôi mọi thứ...

Đến khoảng 4 giờ chiều, khi đã bắt đầu xuống sức, chúng tôi  chạm mặt một thác nước cao hàng chục mét. Ngước mặt nhìn lên phía trên là những đỉnh núi mờ sương cao vút chắn ngang.  Từ trên đỉnh núi, từng tia nước rơi xuống tạo thành một màn sương trắng xoá như thế giới của các thần tiên trong những câu chuyện cổ tích. Đứng dưới thác nước, già Hồ Dương bảo, đây là thác Nước Rụng, nơi cao nhất của dòng sông Gianh mà người Mày có thể đặt chân đến. Những người Mày khoẻ nhất cũng chưa có ai vượt qua được con thác này.

Theo già Dương, sở dĩ nơi này có tên là thác Nước Rụng vì ở đây quanh năm, bất kể mùa đông hay mùa hè thì vẫn có những tia nước từ trên cao rụng xuống. Người Mày, một tộc người luôn ở đầu nguồn nước cho rằng, những hạt nước đó từ trên trời rụng xuống để tạo nên các con sông, con suối nên các con sông con suối ở đây mới không bao giờ cạn nước.

Có thể thác Nước Rụng chưa phải là nơi tận cùng của con sông Gianh. Nhưng không hiểu sao, khi đứng ở đây, chúng tôi trào dâng một cảm xúc rất lạ, cảm xúc tự hào theo kiểu trẻ con của một người đã được đi hết "tận cùng" của con sông quê hương...

                                                          Ký sự của Phan Phương





 

,
.
.
.