Những vấn đề song ngữ vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình - Kỳ 2: Cứ liệu song ngữ vùng dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt

Cập nhật lúc 07:16, Thứ Tư, 09/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình gồm: Dân tộc Bru-Vân Kiều, dân tộc Chứt, là hai dân tộc thiểu số chính có số dân đông nhất; ngoài ra còn có các dân tộc thiểu số khác: Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa cô, Ca rai, nhưng số dân rất ít. Dân cư vùng dân tộc thiểu số Quảng Bình phân bố phần lớn là ở vùng núi cao, hiểm trở, có độ cao trung bình từ 1.000 đến 1500m.

>> Kỳ 1: Những vấn đề chung

Dân tộc Bru - Vân kiều ở Quảng Bình thuộc nhóm ngôn ngữ Môn -Khmer gồm 4 tộc người: Vân kiều, Khùa, Ma coong, Trì. Dân số của dân tộc Bru - Vân kiều có hơn 14.000 người. Địa bàn cư trú thuộc các xã vùng cao của huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hoá.

Ngôn ngữ Bru-Vân Kiều mà đồng bào bản ngữ đang sử dụng, theo các nhà ngôn ngữ học(1) thuộc nhóm Katu, nhánh các ngôn ngữ Môn-Khơ me (Tiếng Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Tà Ôi) hệ ngữ Nam Á(2). Các nhà ngôn ngữ học xác định có thể coi tiếng Bru-Vân Kiều là ngôn ngữ có nhiều phương ngữ: Vân Kiều (Quảng Ninh, Lệ Thuỷ), Khùa, Trì (Minh Hoá), Ma Coong (Bố Trạch), tuy nhiên sự khác nhau giữ các phương ngữ này là không đáng kể, chỉ thể hiện ở một số từ vựng ít ỏi và ở cách phát âm ở một số từ ít ỏi khác, nhưng đó lại là sự khác nhau theo các quy luật tương ứng, chặt chẽ, không khó để kiểm soát. Như vậy, về cơ bản tiếng nói của các nhóm phương ngữ Bru-Vân Kiều là thống nhất, người nói các phương ngữ này ở các miền địa lý khác nhau đều hiểu nhau một cách dễ dàng. Theo đó, các cơ hội tiếp cận tiếng Việt của các tộc người thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều và phát triển song ngữ Bru-Vân Kiều/Việt là ngang nhau và bình đẳng.

Tiếng Bru-Vân Kiều không có chữ viết cổ. Trước đây, người Mỹ đã có một phương án Latinh tiếng Bru (nhóm Vân Kiều) và cũng đã có một phương án khác do cán bộ mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam làm. Năm 1986, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã cho lưu hành bộ chữ Vân Kiều  La tinh  hoá do Viện  ngôn ngữ học thực  hiện và  đã  biên  soạn sách “Sách học tiếng Bru-Vân Kiều”.

Dân tộc Chứt ở Quảng Bình thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A rem, Mã Liềng. Dân số của dân tộc Chứt  có khoảng gần 5.400 người. Địa bàn cư trú thuộc một số xã miền núi, vùng cao của các huyện Bố Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá.

Ngôn ngữ Chứt mà đồng bào bản ngữ đang sử dụng, theo các nhà ngôn ngữ học(3) thuộc nhóm Việt-Mường, nhánh các ngôn ngữ Môn-Khơ me (Tiếng Việt, Mường, Thổ Chứt), hệ ngữ Nam Á(4).  Trong danh mục thành phần các dân tộc công bố năm 1979, tiếng Chứt của dân tộc Chứt bao gồm những nhóm ngôn ngữ địa phương khác nhau: Mày, Rục, Sách, Mã Liềng và Arem. Cả năm nhóm này được coi là thành viên địa phương của tiếng Chứt.

Giao lưu
Giao lưu "Tiếng việt của chúng em" cho học sinh dân tộc
thiểu số huyện Lệ Thủy.

Tuy nhiên, gần đây, các tác giả M.Ferlus, Nguyễn Văn Lợi, Trần Trí Dõi(5) đã nghiên cứu và chứng minh rằng trong thực tế năm nhóm địa phương mà trước đây được coi là những bộ phận của tiếng Chứt ấy có thể là những ngôn ngữ khác biệt nhau, tức là chúng có thể là những ngôn ngữ riêng lẻ chứ không phải là các phương ngữ của một ngôn ngữ. Cái gọi là tiếng Chứt chỉ có thể bao gồm các nhóm Mày, Rục, Sách. Hai nhóm còn lại, tiếng Arem và tiếng Mã Liềng là những ngôn ngữ riêng lẻ có bà con họ hàng với tiếng Chứt ấy. Theo đó, các tác giả đề nghị: nên xem cộng đồng được gộp vào dân tộc Chứt nói trên bao gồm ba ngôn ngữ riêng lẻ là:

a. Tiếng Chứt chỉ gồm các nhóm: Sách, Mày và Rục.
b. Tiếng Arem là nhóm Arem riêng ở Bố Trạch, Quảng Bình.
c. Tiếng Mã Liềng bao gồm các nhóm Mã Liềng ở Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, dù tiếng Chứt là một ngôn ngữ thống nhất hay là tổ hợp của một số ngôn ngữ độc lập cũng không thể tạo nên sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận tiếng Việt và phát triển song ngữ Chứt / Việt của cộng đồng người Chứt, bởi tất cả các phương ngữ trong tiếng Chứt đều cùng một nguồn gốc Việt- Mường với tiếng Việt. Ngôn ngữ Chứt không có chữ viết cổ và hiện nay chưa có chữ viết.

Đối tượng điều tra thu thập cứ liệu song ngữ chủ yếu của chúng tôi là 1100 đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 700 người dân tộc Bru-Vân Kiều tại các xã Kim Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), Dân Hoá, Trọng Hoá (huyện Minh Hoá) và 400 người dân tộc Chứt tại các xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch), Thượng Hoá, Hoá Tiến, Hoá Sơn, Dân Hoá, Trọng Hoá (huyện Minh Hoá), Lâm Hoá (huyện Tuyên Hoá). Toàn bộ vùng điều tra rải đều khu vực đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, đảm bảo kiểm soát hết các tộc người của hai dân tộc thuộc đối tượng khảo sát: Bru-Vân Kiều và Chứt.

Trong 700 người Bru-Vân Kiều mà chúng tôi điều tra ở 5 xã đại diện cho khu vực song ngữ Bru-Vân Kiều có 23 người tham gia các công việc có điều kiện giao tiếp với xã hội, trong đó có 5 sinh viên, 4 cán bộ, hưu trí, 1 cán bộ xã, 2 bộ đội biên phòng, 3 người thợ may, buôn bán và 8 ngưòi khác hiện đang tham gia các công tác xã hội ở địa phương. Còn lại, trừ những người mất sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động, tất cả đều làm rẫy hoặc làm các nghề nghiệp cổ truyền khác.

Một tiết học ở bản Ra Mai.
Một tiết học ở bản Ra Mai.

Trong 400 người Chứt mà chúng tôi điều tra ở 7 xã đại diện cho khu vực song ngữ Chứt, có 8 người tham gia các công việc có điều kiện giao tiếp với xã hội, trong đó có 2 trưởng bản 4 cán bộ xã và 2 người khác hiện đang tham gia các công tác xã hội ở địa phương. Còn lại, trừ những người mất sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động, tất cả đều làm rẫy hoặc làm các nghề nghiệp cổ truyền khác.

Ngoài ra, ở cả hai khu vực song ngữ Bru-Vân Kiều và Chứt, chúng tôi còn mở rộng điều tra khảo sát thông tin từ 40 xã, thôn bản, 20 trường học, điểm trường, 340 cán bộ cốt cán cơ sở, cộng đồng người dân tộc thiểu số, 100 giáo viên người Việt trong vùng nghiên cứu để làm cơ sở cho việc nhận xét cứ liệu.
Các cứ liệu song ngữ hai khu vực Bru-Vân Kiều và Chứt được thiết kế,  thu thập và thống kê trên cơ sở các thông tin chính sau đây:

- Trình độ văn hoá chung.
- Số người biết đọc chữ quốc ngữ.                                  
- Số người biết viết chữ quốc ngữ.
- Số người biết nói tiếng Việt.
- Cách ứng xử tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của các cá nhân song ngữ trong các tình huống giao tiếp cụ thể: ở nhà, ngoài xã hội, với người Việt, với người dân tộc khác trong vùng....                                                                                                                   
- Cách đặt tên của người bản ngữ.    
- Trình độ văn hoá và khả năng sử dụng tiếng phổ thông của cán bộ cơ sở thôn bản, cộng đồng.

Chuỗi các cứ liệu song ngữ ở hai khu vực Bru-Vân Kiều và Chứt được phân tích theo độ tuổi (7-14, 15-45, 46-60, trên 60 tuổi), theo giới tính, theo tình huống giao tiếp... và được tính tỉ lệ % nhằm phục vụ việc so sánh, đánh giá tình hình song ngữ hai khu vực sau này.

Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể giới thiệu toàn bộ các cứ liệu song ngữ sưu tập được ở hai khu vực Bru-Vân Kiều và Chứt. Tuy nhiên, kỳ tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập đến các cứ liệu song ngữ này ở phần nhận xét các cứ liệu.

Dưới đây, là một số tên người trong ba cách đặt tên của người bản ngữ được thống kê để bạn đọc tham khảo:


      Việt                        Việt + Bru-Vân Kiều                 Bru-Vân Kiều
Hồ Thị Thuỳ Linh               Hồ Len                                     Y Bay
Hồ Long                         Hồ  Thị Lơng                                Y Bươi
Hồ Thị Tuyết                   Hồ Vách                                  Đinh Mun
    
           Việt                        Việt + Chứt                                   Chứt            
Hồ Thị Miên              Cao Thị Phành                          Y Bay
Cao Xuân Nguyên      Cao Thị Mồ                              Đinh Riên
Cao Thị Thu                   Y Nhung                                         Y Vã

                                                         Bài, ảnh: Trần Hùng

Kỳ sau: Nhận xét các cứ liệu song ngữ hai khu vực Bru-Vân Kiều và Chứt

-----------------------------------------
(1). Hoàng Tuệ, Nguyễn Văn Tài, Giang Nam, Hồ Xuân Kiều, Vương Hữu Lễ - Tài liệu “Sách học tiếng Bru-Vân Kiều”- UBND tỉnh Bình Trị Thiên xuất bản năm 1986.
(2). Hệ ngữ Nam Á gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau, phân bổ khắp vùng Nam Á. Ở Việt Nam hệ ngữ này có các ngôn ngữ: tiếng Viêt, Mường, Chứt, Bru-Vân Kiều, Katu Pacôh-Tà ôi, Khơme, Bana v.v....
 (3). Hoàng Tuệ, Nguyễn Văn Tài, Giang Nam, Hồ Xuân Kiều, Vương Hữu Lễ - Tài liệu “Sách học tiếng Bru-Vân Kiều”- UBND tỉnh Bình Trị Thiên xuất bản năm 1986, Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam- Trần Trí Dõi –NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 1999).
(4). Hệ ngữ Nam Á gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau, phân bổ khắp vùng Nam Á. Ở Việt Nam hệ ngữ này có các ngôn ngữ: tiếng Viêt, Mường, Chứt, Bru-Vân Kiều, Katu Pacôh-Tà ôi, Khơme, Bana v.v....
(5). Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam- Trần Trí Dõi –NXB Đại  học Quốc gia Hà Nội – 1999).




 

,
.
.
.