Mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước sang 103 tuổi:

Võ Nguyên Giáp: Vị tướng của lòng dân

Cập nhật lúc 07:49, Thứ Ba, 12/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự lỗi lạc của thế kỷ XX. Điều đó đã được sách báo nói nhiều. Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bình chọn 10 vị tướng giỏi nhất thế giới trong mọi thời đại, trong đó có Võ Nguyên Giáp.

Năm 2010, mừng Đại tướng 100 tuổi, Hội Sử học Việt Nam  đã đến tặng gia đình Đại tướng cuốn sách viết về 59 vị nguyên soái huyền thoại trong lịch sử 2.500 năm của thế giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người Việt Nam duy nhất, cũng là người duy nhất còn sống có mặt trong cuốn sách. Các tướng lĩnh nổi tiếng khác của thế giới thường học ở các trường võ bị, hay trường quân sự nổi tiếng, riêng Võ Nguyên Giáp không qua một trường lớp quân sự nào. Đó là điều lạ lùng nhất.

Về chuyện này, Đại tướng kể: "Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại làm sao Bác lại giao cho tôi phụ trách công tác quân sự. Bác cũng chỉ hỏi: “Chú Văn có làm quân sự được không?” và Bác giao cho tôi công tác này trong khi bản thân tôi chưa hề đọc một cuốn sách giáo khoa quân sự nào dù đó là dành cho cấp tiểu đội trưởng và lúc ấy đã có đồng chí tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố, từng là sĩ quan bên Trung Quốc”. 

Điều lạ lùng nữa là Võ Nguyên Giáp không có đội quân nào để thừa kế mà phải bắt đầu từ con số không theo đúng nghĩa đen, thế mà đã đánh thắng “hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”.  Bởi thế Đại tướng được thế giới tôn vinh là một vị tướng huyền thoại, một thống soái vĩ đại, một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi trên thế giới được chính những tướng lĩnh đã từng đối đầu trên chiến trường phải tâm phục khẩu phục.  

Đại tướng sinh ra trong ngôi nhà gỗ cấp 4, với 3 gian nếp xưa nằm nép mình dưới những tán cây xanh bên dòng Kiến Giang trong xanh. Tháng 5 năm 1947, giặc Pháp mở trận càn lớn vào Lệ Thủy, đốt cháy rụi ngôi nhà và bắt đi cụ thân sinh Võ Quang Nghiêm. Chúng bắt cụ đưa về nhà lao Đồng Hới rồi chuyển vào nhà lao Thừa Phủ ở Huế. Trong lao tù bọn giặc đánh đập, tra khảo cụ rất dã man. Chỉ thời gian ngắn, cụ ốm nặng. Chúng buộc lòng phải chuyển cụ sang Bệnh viện Huế để cứu chữa. Một ngày giữa trưa tháng 6-1949, cụ Võ Quang Nghiêm đã trút hơi thở cuối cùng.

Tin dữ đã được Thị ủy Thuận Hóa báo ra cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chiến khu Việt Bắc. Đại tướng đã khóc vì nỗi đau mất cha. Đó là nỗi đau lớn thứ hai trong đời Đại tướng. Trước đó nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái, người vợ thân yêu của Đại tướng, bị giặc giết chết  trong nhà lao Hỏa Lò, để lại đứa con gái Hồng Anh mười tháng tuổi bơ vơ... Hai lần Đại tướng có người thân yêu nhất bị giặc tra tấn cực hình và bị giết.

Nỗi đau lớn ấy đã khắc vào tâm trí vị Tổng Tư lệnh tối cao một ý chí lớn trong suốt 32 năm chiến trận của mình: Phải đánh thắng giặc với tổn thất sinh mạng binh lính ít nhất. Chính điều khắc sâu vào tâm khảm ấy đã thôi thúc Đại tướng quyết định “kéo pháo ra” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi là “kéo pháo ra”, thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” vì phương án đầu không bảo đảm chắc thắng”  là quyết định lịch sử dẫn đến “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”.

Ngắm những bức ảnh chụp các hiện vật mà Đại tướng dùng trong những năm 1942- 1945 ở Việt Bắc như chiếc áo thu được của địch, khẩu súng ngắn, chiếc la bàn cổ lỗ xỉ, chiếc lưỡi cuốc, lưỡi thuổng để Đại tướng  tăng gia sản xuất hay đào hầm, chiếc đèn dầu lạc có cái cán để treo lên bất cứ chỗ nào,  để đọc sách hoặc viết ban đêm ở Việt Bắc. Những đồ dùng cá nhân đó không khác gì một người lính. Ngắm những đồ dùng bình dị của Đai tướng, ta càng thấu hiểu sự vĩ đại của một tầm cao nhân cách của một vị Tổng tư lệnh thiên tài.

Đại tá Phạm Văn Ngà, bác sĩ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 30 năm, từ 1965 đến 1995 nhận xét: "Ông là người rất dễ thương người, coi mọi người như anh em, không phân biệt, không tỏ thái độ mình là cán bộ cao cấp, bình đẳng, chuyện trò cởi mở. Tôi ở 30 năm thấy đó là con người đối xử anh em từ cấp dưỡng, cán bộ làm việc rất bình dị, thoải mái".

Khi đi tìm tư liệu để viết cuốn sách “Cổ tích tàu không số”, tôi đã gặp nhiều hình ảnh cảm động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng không chỉ ra lệnh mở đường Hồ Chí Minh trên biển, duyệt phương án tác chiến, mà còn  lo lắng đến từng cán bộ chiến sĩ trên những con tàu không số. Đại tướng dặn đi dặn lại anh hùng Tư Mau, Lê Văn Một: "Việc mở đường  không được ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn...”.

Cán bộ, nhân dân Lệ Thủy đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình trong một chuyến về thăm quê. Ảnh: Tr. T
Cán bộ, nhân dân Lệ Thủy đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình trong một chuyến về thăm quê. Ảnh: Tr. T

Khi con tàu không số đầu tiên đến Vàm Lũng, Cà Mau, ngày 19-10-1964, đồng chí Phạm Thế Bường, Bí thư Khu ủy khu 9  đã điện cho Quân ủy Trung ương: "Tàu Lê Văn Một- Nông Văn Dìa đã về đến nơi an toàn...”.  Đại tướng đang họp, nhận được điện báo, hai mắt nhòa lệ... Đại tướng đã khóc vì mừng một phát kiến chiến lược đã khởi đầu thành công. Đại tướng nói: "...Tính ra theo đường biển, tàu chở 30 tấn vũ khí, trang bị cho một tiểu đoàn, chỉ đi trong 9 ngày  với một tiểu đội, lợi  hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người gùi cõng trên đường Trường Sơn A trong 5 tháng...”. Đó là con tính của một vị chỉ huy luôn lo lắng trước gian lao và sinh mệnh của binh sĩ.

Tháng 4-1971, sau một thời các chuyến tàu không số bị đánh phá ác liệt, phải tạm ngưng, Quân khu 9 lại cử một chiếc tàu vượt biển ra Bắc do tài công Tư Mau làm thuyền trưởng để bàn chuyện nối lại đường  tiếp tế vũ khí trên biển một cách công khai. Khi tàu ra tới cảng Hải Phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị phải đưa ngay chiếc thuyền ấy về giấu ở vùng núi của huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng...  Đại tướng dặn đi dặn lại: "Việc những con tàu trên biển Đông, phải báo tôi bất cứ giờ nào, không được trễ”. Đại tướng góp ý, chỉ thị cả về bến đỗ, chỗ giấu thuyền để giữ con đường vận tải chiến lược trên biển được lâu dài, nhằm chi viện hiệu quả cho chiến trường...

Vị Tổng tư lệnh đã từng đánh bại 10 tướng lĩnh đầu sỏ của Pháp, Mỹ  ấy lại là một người vô cùng liêm khiết, không bao giờ lợi dụng tiếng tăm, vị trí của mình để mưu lợi. Đại tướng luôn ghi tâm câu nói mà Bác Hồ đã dặn mình: "Chú Văn ạ! Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng" và "có dân là có tất cả".

Thấm nhuần lời dạy của Bác, suốt cả cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân cách  trong sáng, cao thượng. Xin dẫn vài việc nhỏ theo lời kể của  anh Võ Đại Hàm khi tôi thăm nhà lưu niệm Đại tướng ở quê. Năm 1977, ngôi nhà Đại tướng ở An Xá  được chính quyền phục dựng nguyên trạng trên nền đất cũ. Lúc đầu địa phương có ý kiến làm nhà xây thật khang trang, nhưng Đại tướng không đồng ý. Nhà được lợp mái đơn sơ, dưới mái lợp thêm chái tranh làm cửa chống lên che mưa, che nắng, giống tất cả mọi ngôi nhà trong làng.

Năm 1983, đưa phần mộ cụ Võ Quang Nghiêm - thân sinh Đại tướng từ Huế về quê. Trong nghĩa trang của huyện có khu đất dành để an táng các anh hùng. Chính quyền địa phương muốn đưa cụ Nghiêm vào khu đất đó, nhưng Đại tướng dứt khoát: "Ba tôi là liệt sĩ, phải đặt đúng chỗ chứ". Khi an táng phần mộ mẹ Đại tướng, chính quyền  lại muốn đưa phần mộ của bà vào nghĩa trang liệt sĩ cho gần cụ ông, Đại tướng phản đối: "Mẹ tôi không phải là liệt sĩ nên không thể an táng trong nghĩa trang. Chuyện này để gia đình tôi tự lo".

Đại tướng là vị tướng của dân, nên được nhân dân ghi công, truyền tụng. Nhiều  nhà thơ, học giả đã làm rất nhiều thơ, trường ca, câu đối tặng Đại tướng. Ví dụ câu đối rất hay của các cựu chiến binh: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”... Trong trường ca tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Bút Tre (Đặng Văn Đông) ở Phú Thọ có hai câu thơ xuất thần, đột khởi làm nên thương hiệu Bút Tre lưu truyền hậu thế.  Đó là câu lục bát:

Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên

                                              trở về

Đây là sự sung sướng, tự hào, sảng khoái kiểu dân gian, nên được lưu truyền đời đời. Các câu lạc bộ thơ ở Lệ Thủy, Đồng Hới  đã xuất bản 5 tập thơ và trường ca tặng Đại tướng. Các nhà thơ ví Đại tướng với cánh chim bằng đã vượt qua bão tố chiến tranh và cả bão tố thời bình để trở thành người con văn võ song toàn, thủy chung, trung hiếu của dân tộc.

Theo đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký văn hóa Văn phòng Đại tướng, nhiều chùa, nhiều nhà sư, tăng ni phật tử đã tự nguyện tổ chức làm lễ cầu chúc sức khỏe cho Đại tướng. Còn các đoàn đại diện Ủy ban Công giáo yêu nước đã đến tận gia đình để chuyển lời thăm hỏi sức khỏe và chúc thọ Đại tướng của đồng bào công giáo.  Nghĩa là Đại tướng được tất cả các giới chức, tôn giáo trong nước yêu mến, kính trọng.

Bởi Võ Nguyên Giáp là vị tướng từ nhân dân mà ra, vị tướng của lòng dân!

                                                                                 Ngô Minh



 

,
.
.
.