Sinh kế cho phụ nữ nghèo

  • 14:34 | Thứ Sáu, 16/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm góp phần giúp phụ nữ (PN) nghèo, PN ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, thời gian qua, các cấp Hội PN huyện Bố Trạch đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho chị em. Nhờ đó, nhiều hội viên, phụ nữ (HVPN) trên địa bàn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mạnh dạn phát triển sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.
 
Từ những "điểm sáng"
 
Cuối năm 2023, qua bình xét, gia đình bà Hoàng Thị Vân (SN 1969) ở thôn Võ Thuận 2, xã Tây Trạch chính thức được ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Đây không chỉ là kết quả những nỗ lực tự thân của gia đình bà Vân mà còn là “trái ngọt” từ mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tây Trạch.
 
Nhận thấy hoàn cảnh gia đình bà Vân rất khó khăn, là hộ nghèo, chồng bà qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bản thân bà cũng bị ung thư đang phải xạ trị, Ban Thường vụ (BTV) Hội LHPN xã đã chỉ đạo Chi hội PN thôn Võ Thuận 2 thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình bà trên 20 ngày công lao động mỗi năm. Bên cạnh đó, tranh thủ mọi nguồn lực, hội đã hỗ trợ gia đình bà Vân mua một con bò giống sinh sản để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo.
Mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản của Hội LHPN xã Xuân Trạch.
Mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản của Hội LHPN xã Xuân Trạch.
Mặc dù ốm đau nhưng với bản chất chịu thương, chịu khó, bà Vân đã chăm sóc bò tốt và đến nay, bò đã sinh sản được 2 bê con. Số tiền bán bê con, một phần bà Vân trang trải chi phí sinh hoạt, nợ nần, một phần bà đầu tư trồng thêm rau màu, nuôi thêm gà để cải thiện đời sống. Nhờ đó, thu nhập gia đình bà dần ổn định và đến cuối năm 2023 thì chính thức thoát nghèo. “Gia cảnh khó khăn nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc có đủ tiền để mua bò. Nếu không có Hội LHPN xã hỗ trợ chắc gia đình tôi không có ngày hôm nay”, bà Vân chia sẻ.
 
Cùng với bà Hoàng Thị Vân, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã Tây Trạch đã hỗ trợ cho 17 HVPN trên địa bàn mua 17 con bò giống với tổng trị giá trên 204 triệu đồng để tạo sinh kế phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài mô hình hỗ trợ bò giống, hội còn xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ lợn giống, vườn cây ăn quả và tính đến nay đã có 42 con lợn giống trị giá trên 32 triệu đồng và một vườn cây ăn quả trị giá trên 5 triệu đồng đã được hỗ trợ cho các HVPN khó khăn trên địa bàn.
 
“Hình thức giúp công lao động cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn cũng đang được hội đẩy mạnh thực hiện với 777 ngày công từ năm 2021-2023. Ngoài huy động đóng góp của hội viên và tranh thủ nguồn lực bên ngoài, hội còn đẩy mạnh các hình thức làm quỹ, như: Nhận đất ruộng hoang để trồng lúa, trồng sắn; thu gom phế liệu biến rác thải thành tiền; bắt ốc bươu vàng, nhận làm công trồng sắn, trồng keo, tràm, hái tiêu...”, Chủ tịch Hội LHPN xã Tây Trạch Hồ Thị Hoa cho biết.
 
Qua rà soát toàn huyện Bố Trạch hiện có 1.359 hộ nghèo có PN, 1.878 hộ cận nghèo có PN; trong đó có 850 hộ nghèo do PN làm chủ hộ. Trong năm 2023, các cấp Hội PN trên địa bàn huyện đã giúp đỡ 1.087 hộ nghèo có PN (đạt 80%), 850 hộ nghèo do PN làm chủ hộ (đạt 100%); nhờ đó, có 43 hộ nghèo do PN làm chủ hộ đã thoát nghèo...

Hội LHPN xã Xuân Trạch cũng là một trong những điểm sáng trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho PN nghèo. Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho biết: Hiện tại, hội đã triển khai thực hiện 3 mô hình, gồm: Hỗ trợ bò giống, lợn giống và gà giống với 10 hộ được hưởng lợi.

Để có nguồn quỹ, hội đã phát động cán bộ, HVPN tiết kiệm từ mô hình “Nuôi heo đất", tích cực vận động nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Nhằm bảo đảm công bằng, hội rà soát HVPN có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, chú trọng tạo việc làm, tặng phương tiện sinh kế. Mỗi người được giúp đỡ đều phải chủ động, có ý chí thoát nghèo dựa trên sức lao động của bản thân và gia đình, không trông chờ, ỷ lại để quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có thể thấy, các mô hình sinh kế không chỉ trao cơ hội cho HVPN khó khăn phát triển kinh tế mà còn là nguồn động viên để chị em nỗ lực tự thân, khắc phục hoàn cảnh, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo. 

“Trao cần câu chứ không trao con cá”
 
Hàng trăm gia đình HVPN thoát nghèo, thoát cận nghèo trong năm 2023 là con số ấn tượng của PN Bố Trạch trong nỗ lực vươn lên ổn định kinh tế. Quan trọng hơn, công tác giảm nghèo đang ngày càng bền vững hơn nhờ những mô hình sinh kế “sát sườn” theo phương châm "trao cần câu chứ không trao con cá".
 
Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch Nguyễn Thị Trí Hạnh cho biết: BTV Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội tích cực hỗ trợ PN phát triển kinh tế; rà soát, đánh giá các mô hình kinh tế của HVPN để có kế hoạch nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao; vận động, khai thác nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ PN phát triển kinh tế, khởi nghiệp và đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thông qua mạng xã hội và kênh sinh hoạt khác, hội đã truyền thông, hỗ trợ kết nối, quảng bá sản phẩm do PN sản xuất ra các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời phối hợp với các tổ chức mở 10 lớp tập huấn, đào tạo nghề tại địa phương cho 343 lao động nữ nông thôn.
Mô hình bắt ốc bươu vàng gây quỹ tình thương của Hội LHPN xã Tây Trạch.
Mô hình bắt ốc bươu vàng gây quỹ tình thương của Hội LHPN xã Tây Trạch.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương, các cấp hội luôn quan tâm hỗ trợ PN phát triển mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất theo mô hình sản xuất hàng hóa, qua đó góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng cũng như phát huy tối đa nội lực của mỗi cán bộ, HVPN. Trong năm 2023, đã phát triển thêm được 12/989  mô hình kinh tế do PN làm chủ. Có 39 mô hình có thu nhập bình quân từ 1 tỷ đồng/năm trở lên.
 
Các cấp hội tiếp tục vận động thực hiện tiết kiệm tại các chi hội, tổ PN tạo nguồn vốn tại chỗ để hỗ trợ HVPN nghèo, hoàn cảnh khó khăn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi. Trong năm đã huy động nguồn vốn tại chỗ thông qua các loại hình, như: “Nhóm PN tiết kiệm”, “Nuôi heo đất” được 986 triệu đồng, cho 152 HVPN mượn vốn phát triển kinh tế. Việc quản lý các nguồn tiết kiệm được các cấp hội chỉ đạo các tổ, nhóm làm việc chặt chẽ, khoa học, tránh xảy ra rủi ro.
 
“Những hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng PN vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững bằng các mô hình sinh kế đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều HVPN cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây chính là động lực để chị em tự thân nỗ lực, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để xây dựng thêm nhiều mô hình sinh kế giúp HVPN phát triển kinh tế bền vững”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch Nguyễn Thị Trí Hạnh cho biết thêm.
Tâm An

tin liên quan

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thăm, động viên doanh nghiệp nhân dịp đầu năm mới

(QBĐT) - Sáng nay, 16/2, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên một số doanh nghiệp nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn 2024.
 

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhờ dự án 8

(QBĐT) - Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em là những nội dung trọng tâm của dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".

Lệ Thủy: "Trâu điên" húc chết cụ bà

(QBĐT)- Tối 15/2, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) Dương Công Nhân cho biết, tại địa phương vừa xảy ra vụ "trâu điên" húc chết người.