Đón Tết ở Khoa Cấp cứu

  • 09:57 | Thứ Bảy, 10/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Khi nhà nhà tất bật hoàn thành nốt những công việc cuối cùng để chào đón khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, thì tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, các bác sĩ và điều dưỡng vẫn hối hả với công việc thường nhật của mình, từng phút, từng giây giành lại niềm hy vọng cho bệnh nhân và người thân để mùa xuân thêm trọn vẹn!

Bệnh nhân Trần Thị Thẻ sau khi được cấp cứu, sức khỏe đã ổn định và tiếp tục được bác sĩ Võ Đức Tâm theo dõi
Bệnh nhân Trần Thị Thẻ sau khi được cấp cứu, sức khỏe đã ổn định và tiếp tục được bác sĩ Võ Đức Tâm theo dõi.

Chuyện bình thường trong ngày đặc biệt

Kíp trực ngày 9/2/2024 (tức 30 Tết) tại Khoa Cấp cứu gồm bác sĩ Võ Đức Tâm (sinh năm 1995) và 5 điều dưỡng. 7 giờ 30 phút, họ có mặt để nhận nhiệm vụ và giao ca vào 7 giờ 30 phút sáng 10/2 (tức mồng 1 Tết).

Dù đã hẹn trước nhưng khi đến Khoa Cấp cứu vào đêm 30 Tết, tôi phải đợi khá lâu bởi bác sĩ Võ Đức Tâm liên tục phải cấp cứu cho các bệnh nhân. Đi lại như con thoi trong phòng bệnh, bác sĩ Tâm và các điều dưỡng vừa làm thủ tục nhập viện, thăm khám, tư vấn, cấp cứu, trấn an, hướng dẫn… bệnh nhân và người thân.

 Bác sĩ Võ Đức Tâm thăm khám cho bệnh nhân
Bác sĩ Võ Đức Tâm thăm khám cho bệnh nhân.

“Tôi công tác tại bệnh viện hơn 4 năm thì có 3 năm tham gia trực cấp cứu và đây là năm thứ hai đón giao thừa tại khoa. Những năm trước, trong vòng 24 giờ, khoa tiếp đón khoảng trên 100 bệnh nhân. Bệnh nhân đủ các lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó khá phổ biến là tai nạn giao thông, đốt pháo nổ... Sau hơn ba năm công tác tại khoa và những ngày trực Tết, tôi và các anh chị em đồng nghiệp luôn mong khoa mình bị “ế”, nghĩa là mọi người đều an toàn!”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Để đảm nhận nhiệm vụ tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ, điều dưỡng, ngoài trình độ chuyên môn cơ bản, kinh nghiệm và kỹ năng, đều phải có chứng chỉ hành nghề. Và đặc biệt là sự nhanh nhạy, quyết đoán, chính xác cùng tấm lòng vì người bệnh. Họ là những "mắt xích" đầu tiên và quan trọng, bởi sau khi sơ cứu, chẩn đoán và có kết quả, khoa sẽ phối hợp với bác sĩ chuyên khoa liên quan để tiếp nhận, điều trị, nỗ lực giành chiến thắng trước tử thần, mang lại niềm hy vọng cho bệnh nhân và gia đình.

“Điều dưỡng Hà” động viên cháu N.V.A.Q bị bỏng do pháo
"Điều dưỡng Hà” động viên cháu N.V.A.Q bị bỏng do pháo.

Sinh năm 1972, “điều dưỡng Hà”, như cách gọi quen thuộc của đồng nghiệp và bệnh nhân, về công tác tại bệnh viện vào năm 2002, cũng từ bấy đến giờ chị gắn bó với Khoa Cấp cứu. Là người dạn dày kinh nghiệm bởi 22 năm công tác, chị thường xuyên đi trực, chỉ thời gian sinh con là được nghỉ. Còn trực Tết thì chị không nhớ nổi, có năm thì trực 30 Tết và đón giao thừa tại bệnh viện, năm thì mồng 1, 2, 3 Tết… đủ cả. Khi tôi muốn hỏi thêm đôi chuyện thì chị đã tất bật rời đi để tiếp đón bệnh nhân, bỏ lại câu nói và cái xua tay “Ai trực ở đây cũng rứa thôi, chị không có chi đặc biệt mô!”.

Nói về những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian công tác tại khoa, nhất là trong những ngày Tết như bây giờ, bác sĩ Tâm suy nghĩ một lúc rồi bảo: "Bệnh nhân nào đến khoa cũng đều ở trong các tình huống đặc biệt, tôi chỉ nhớ là tất cả mọi người đều cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân. Mỗi tình huống, mỗi bệnh nhân đều là kỷ niệm và kinh nghiệm quý báu đối với chúng tôi!"

Kịp thời tiếp nhận và sơ cứu bệnh nhân
Kịp thời tiếp nhận và sơ cứu bệnh nhân.

Những phút giây quý giá

Anh Trần Nhật Thành, xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) đã quá quen với căn bệnh suy tim của mẹ là bà Trần Thị Thẻ (85 tuổi). Chiều 30 Tết, khi thấy mẹ bị mệt, đo chỉ số SPO2 (độ bão hòa oxy) là 90% thì anh lập tức đưa mẹ đến bệnh viện.

“Chỉ trong vòng 7 phút từ nhà đến Khoa Cấp cứu, chỉ số oxy của mẹ tôi đã giảm từ 90% còn 22%. Vô cùng may mắn cho gia đình tôi là bác sĩ Tâm và kíp trực đã xử lý rất kịp thời nên hiện sức khỏe mẹ tôi đã ổn định. Với bệnh tình của mẹ tôi, bà đã nhiều lần phải đi cấp cứu, nhưng đây là lần đầu tiên trong tình trạng khẩn cấp như hôm nay, gia đình tôi cảm ơn các y bác sĩ rất nhiều!”, anh Thành xúc động chia sẻ.

Cảnh thường ngày tại khoa Cấp cứu
6 thành viên kíp trực làm việc hết công suất.

Còn cháu N.V.A.Q (12 tuổi) ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch) bị bỏng do đốt pháo được bố đưa ngay vào khoa. Với kinh nghiệm, kíp trực đã nhanh chóng xử lý vết bỏng cho cháu. Sau khi được cấp cứu, sức khỏe và tinh thần cháu Q nhanh chóng ổn định. Trước mong muốn của gia đình là được xuất viện để về điều trị tại nhà, bác sĩ Tâm và điều dưỡng Hà đã thuyết phục hai bố con ở lại khoa tiếp tục theo dõi thêm để bảo đảm tình trạng thật ổn định trước khi ra viện.

Đợi người nhà làm xong các thủ tục để chuyển về khoa điều trị, bà Lê Thị Thé (58 tuổi) ở xã Đại Trạch (Bố Trạch) cho biết, bà bị mắc bệnh về máu, tối thiểu mỗi tháng phải truyền máu một lần. Nhưng lần này chưa đến một tháng, bệnh đã trở nặng với triệu chứng sốt cao, mệt mỏi. Người nhà nhanh chóng đưa bà đến đây và được cấp cứu kịp thời.

Làm việc không ngơi tay
Làm việc không ngơi tay.

Hàng trăm bệnh nhân trong kíp trực ngày 30 Tết là hàng trăm nguyên nhân khác nhau. Trở bệnh nặng do các căn bệnh mãn tính, tai nạn giao thông, tai nạn do đốt pháo, đau ruột thừa, bị ngã, dẫm đinh…, kíp trực gồm 6 người quán xuyến tất thảy. Những bóng áo trắng, áo xanh thoắt ẩn, thoắt hiện trong phòng bệnh, ngoài hành lang, sẵn sàng đón tiếp và xử lý mọi tình huống từ những phút giây đầu tiên.

23 giờ 59 phút, giữa đì đùng tiếng pháo hoa chào năm mới, cũng là lúc bác sĩ Tâm và ê kíp cấp cứu cho bệnh nhân Trần Ngọc Minh (36 tuổi) tại xã Hòa Trạch (Bố Trạch) trong tình trạng chảy máu tiêu hóa nghiêm trọng. Phút giao thừa trôi qua lúc nào không hay, nhưng bệnh nhân đã được sơ cứu và cầm máu sau những khoảnh khắc đầy hoảng hốt, âu lo. Cùng với bệnh nhân Trần Ngọc Minh là 3 bệnh nhân khác vừa được cấp cứu xong, đang tiếp tục theo dõi.

Cảnh thường ngày tại khoa Cấp cứu
Cảnh thường ngày tại khoa Cấp cứu.

Lúc này, vẫn còn sót lại chút không khí giao thừa qua những đốm sáng pháo hoa từ nhà ai đó, họ “tranh thủ” ngắm mùa xuân qua ô cửa kính bệnh viện rồi tiếp tục trở lại với công việc quen thuộc thường ngày. Theo kinh nghiệm trực cấp cứu ngày cuối năm, thì thường sau giao thừa, số bệnh nhân sẽ tăng lên. Đây cũng là thời điểm họ phải chạy đua với tử thần để cấp cứu những ca nguy kịch, trong đó phổ biến là tai nạn giao thông.

Tôi đã chụp rất nhiều bức ảnh, nhưng ngoài ánh mắt chăm chú, tập trung cao độ, thật khó hình dung gương mặt của các thành viên kíp trực được che kín sau chiếc khẩu trang, nhưng tôi tin đó là những gương mặt đầy ấm áp, trách nhiệm và yêu thương!

7 giờ 29 phút, khi đang chuẩn bị hoàn tất báo cáo ca trực ngày 30 Tết thì khoa lại tiếp nhận bệnh nhân tai nạn giao thông, kíp trực tiếp tục nhiệm vụ cấp cứu. Báo cáo số liệu đang làm dở cho biết, khoa đã đón 48 bệnh nhân, trong đó có 14 bệnh nhân bị tai nạn, chuyển hồi sức tích cực 4 bệnh nhân, không có ai bị tử vong. Đây là một kết quả đáng mừng so với những năm trước. Vào thời điểm bác sĩ Võ Đức Tâm đang cấp cứu cho bệnh nhân trước khi giao ca cũng là lúc người bạn đời của anh-điều dưỡng Trần Thị Thúy Hằng, Khoa Nội thận tiết niệu nhận ca trực đầu tiên của năm mới để đón bệnh nhân chạy thận.

Nghề nào cũng cao quý và đáng trân trọng, nhưng tôi tin với những con người luôn đứng giữa lằn răn sinh tử, đấu tranh để mang lại sự sống, niềm hy vọng cho bệnh nhân và gia đình, họ càng xứng đáng được trân trọng và tôn vinh!

Ngọc Mai

tin liên quan

Dự báo thời tiết trên cả nước từ đêm 30 Tết đến mùng 5 Tết

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia từ đêm 9 đến ngày 11/2 (đêm 30 Tết đến mùng 2 Tết), khu vực Bắc Bộ tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại. 

Thông báo cấm người và phương tiện tham gia giao thông để phục vụ bắn pháo hoa

(QBĐT) - UBND TP. Đồng Hới có công văn về việc thông báo thời gian, địa điểm tổ chức bắn pháo hoa; thông báo cấm người và các loại phương tiện tham gia giao thông để phục vụ bắn pháo hoa đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Nghĩ khác, mơ xa

(QBĐT) - Những bạn trẻ tuổi Canh Thìn, sinh năm 2000 đã và đang từng bước thể hiện được bản lĩnh của thế hệ gen Z.