Nâng cao chất lượng nguồn lực lao động

  • 07:11 | Thứ Tư, 08/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của một địa phương. Xác định được tầm quan trọng đó, huyện Bố Trạch đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng nguồn lực lao động (LĐ), xây dựng lực lượng LĐ tại địa phương có quy mô, cơ cấu, chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển.
 
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phú Mạnh (thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch) chuyên sản xuất đồ may mặc, đi vào hoạt động từ năm 2016. Đến nay, công ty giải quyết việc làm (GQVL) cho khoảng 100 LĐ địa phương. Thời gian qua, để duy trì sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, ngoài việc quan tâm đầu tư hệ thống thiết bị, máy móc, nguyên liệu, công ty đặc biệt chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực LĐ. Các LĐ trước khi đưa vào làm đều được công ty đào tạo bài bản, có kỹ năng, nghiệp vụ đối với nghề may.
 
Ông Nguyễn Văn Thảnh, Giám đốc công ty cho biết: “Công ty chúng tôi chủ yếu sản xuất các mặt hàng áo quần xuất khẩu thị trường châu Âu. Hiện nay, việc xuất khẩu đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực tiếp cận khách hàng để tìm kiếm đơn hàng, duy trì sản xuất, bảo đảm thu nhập cho người lao động (NLĐ). Các LĐ của đơn vị chủ yếu là người địa phương, chưa qua đào tạo. Để sản xuất ra sản phẩm đạt yêu cầu, điều quan trọng là phải có đội ngũ LĐ có tay nghề, chất lượng. Do đó, sau khi tuyển dụng, công ty phải đào tạo lực lượng này trước khi đưa vào làm việc. Ngoài việc tự đào tạo, công ty cũng phối hợp với các trung tâm dạy nghề để bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho LĐ”.
Lớp chế biến món ăn do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bố Trạch tổ chức thu hút nhiều học viên tham gia.
Lớp chế biến món ăn do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bố Trạch tổ chức thu hút nhiều học viên tham gia.
Với các tiềm năng, lợi thế sẵn có, Bố Trạch được xem là trung tâm du lịch của tỉnh, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Xác định phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, huyện Bố Trạch thường xuyên quan tâm triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn LĐ có chất lượng.
 
Toàn huyện hiện có trên 190.000 người dân, với hơn 128.000 người trong độ tuổi LĐ; tỷ lệ LĐ qua đào tạo chiếm 57%; tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề chiếm 48%. Trung bình mỗi năm, LĐ có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng khoảng 30 lớp với trên 1.000 học viên.
 
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, sát đúng nhu cầu học nghề của NLĐ, phù hợp với thế mạnh phát triển KT-XH của huyện, hàng năm, UBND huyện Bố Trạch đã ban hành các văn bản về hướng dẫn khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của NLĐ.
 
Trên cơ sở Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Chương trình hành động số 04) và Kế hoạch số 463/KH-UBND, ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh, UBND huyện, Ban Chỉ đạo đào tạo nghề huyện Bố Trạch đã chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho NLĐ.
 
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Bố Trạch cho biết, là đơn vị phối hợp thực hiện đào tạo, tổ chức các lớp dạy nghề theo kế hoạch của UBND huyện, thời gian qua, trung tâm đã chú trọng biên soạn các chương trình giáo dục, mở rộng các ngành nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐ trên địa bàn.
 
Trung tâm đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, ưu tiên các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ (chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, quản lý khách sạn, tiếng Anh giao tiếp) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch. Bên cạnh đó, trung tâm cũng làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền góp phần phân luồng học viên sau khi tốt nghiệp THCS.
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phú Mạnh chú trọng đào tạo lao động có tay nghề.
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phú Mạnh chú trọng đào tạo lao động có tay nghề.
Hàng năm, trung tâm tuyển sinh hơn 100 học viên học GDTX, đồng thời chủ động liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để đào tạo trung cấp nghề. 100% học viên vừa học văn hóa vừa học nghề. Khi tốt nghiệp, các học viên sẽ có hai tấm bằng tốt nghiệp gồm THPT và trung cấp nghề. Đây là hành trang rất cần thiết giúp các học viên tìm việc làm khi ra trường.
 
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 04, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên tất cả các lĩnh vực tại Bố Trạch đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu được phát huy trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao… Công tác GDNN được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch.
 
Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức trên 40 lớp đào tạo nghề với gần 1.500 học viên tham gia. Tỷ lệ LĐ sau học nghề được tuyển chọn vào các cơ sở dịch vụ du lịch ngày càng tăng, chất lượng từng bước nâng cao. GDNN đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, từng bước tác động chuyển dịch cơ cấu LĐ, cơ cấu việc làm trong các ngành và trên địa bàn; giúp NLĐ có cơ hội tìm việc làm dễ hơn, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Một số LĐ sau học nghề đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, liên kết kinh doanh theo ngành nghề được đào tạo, tạo việc làm thêm cho những LĐ khác.
 
Huyện Bố Trạch phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt trên 60%, trong đó, tỷ lệ LĐ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 47%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng LĐ; thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN. Huyện nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, đáp ứng nhu cầu học nghề của NLĐ và thị trường LĐ, bảo đảm ít nhất có 80% LĐ sau khi học nghề có việc làm ổn định và tăng thu nhập…

Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng LĐ-XH-XH huyện Bố Trạch cho biết, xác định định hướng đào tạo nghề và GQVL là hai lĩnh vực hết sức quan trọng, do đó, trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, phòng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện trong việc đào tạo nguồn LĐ, với các lĩnh vực, như: Du lịch, nông nghiệp, phi nông nghiệp. Sau đào tạo, việc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ áp dụng vào sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả. Huyện đã tạo điều kiện cho những LĐ có bằng cấp, chứng chỉ tiếp cận thị trường LĐ trong nước cũng như LĐ có thời hạn ở nước ngoài phát huy hiệu quả, đặc biệt là nhóm đào tạo nghề có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Điều đó thể hiện rõ nét khi chỉ tiêu đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của huyện vượt kế hoạch đặt ra (năm 2022 vượt gần 200%, 10 tháng năm 2023 vượt trên 100%), góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Với những kết quả đạt được, Phòng LĐ-TB-XH huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để thực hiện việc định hướng đào tạo nghề cho NLĐ nông thôn trong những năm tiếp theo. Căn cứ vào tình hình thực tế, bối cảnh về nền KT-XH được phục hồi sau dịch Covid-19, huyện có định hướng đào tạo nghề cho NLĐ trong một số lĩnh vực, như: Ngoại ngữ, lễ tân, một số ngành nghề chế biến để phục vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch trên địa bàn; phối hợp với ngành nông nghiệp tập trung đào tạo nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng phục vụ phát triển ngành nông nghiệp huyện bền vững, lâu dài.
Lê Mai

tin liên quan

Quảng Trạch: Giảm nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Quảng Trạch đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả trong công tác giảm nghèo.

Đại hội Hội Nữ hộ sinh Quảng Bình nhiệm kỳ 2023-2028

(QBĐT) - Sáng 7/11, Hội Nữ hộ sinh tỉnh Quảng Bình tổ chức Đại hội khóa IV, nhiệm kỳ 2023-2028.

Gia hạn nhận hồ sơ dự thi Giải thưởng ''Vô lăng vàng'' năm 2023

(QBĐT) - Ngày 6/11, Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình có Công văn số 253/BATGT
về việc gia hạn nhận hồ sơ dự thi Giải thưởng ''Vô lăng vàng'' năm 2023.