.

Trường mầm non Hưng Bình: Bão đi qua, khổ chồng lên khổ

Thứ Sáu, 01/11/2013, 10:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở trên một vùng quê còn lắm nghèo khó, những năm qua, công tác dạy và học của cô, trò Trường mầm non Hưng Bình (Hưng Trạch, Bố Trạch) gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Khi những khó khăn, thiếu thốn ấy chưa được khắc phục, bù đắp thì thiên tai ập đến, "dội" thêm cho ngôi trường này bộn bề những gian khổ, thiệt thòi.

 

Thiếu phòng học, nhà văn hoá thôn trở thành địa điểm học, vui chơi của các cháu Trường mầm non Hưng Bình.
Thiếu phòng học, nhà văn hoá thôn trở thành địa điểm học, vui chơi của các cháu Trường mầm non Hưng Bình.

Cô Trần Thị Liễu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thiên tai đã đi qua, sau những nỗ lực khắc phục thiệt hại, cô trò Trường mầm non Hưng Bình đang tiếp tục công việc dạy, học để bảo đảm tiến độ chương trình. Mọi thứ về cơ bản đã được ổn định nhưng đằng sau đó là biết bao cái khổ chồng lên nhau mà cô trò nơi đây đang phải gánh.

Nhìn cảnh các cháu chen chúc trong không gian nhỏ hẹp, chật chội của lớp học đã xuống cấp, cô Liễu  thở dài: "Hết bão rồi đến lũ, khắc phục cái này chưa xong thì lại bị thiệt hại cái khác. Trường đã nghèo giờ lại càng khó khăn, thiếu thốn hơn". Khó khăn nhất đó là việc thiếu phòng học.

Trường mầm non Hưng Bình có 3 điểm lẻ ở thôn Thanh Hưng 1, 2 và Thanh Bình 2 với 11 lớp học nhưng chỉ được 4 phòng học cấp 4 đã xuống cấp và 1 phòng được "cải biên" từ phòng chuyên môn rất chật chội, nhỏ hẹp. 6 phòng còn lại nhà trường phải mượn nhà văn hoá các thôn để làm phòng học cho các cháu. Cũng chính vì học nhờ, học mượn nên cô trò ở đây không tránh khỏi những tình huống "oái oăm" ngoài dự kiến.

"Nhiều khi đang học, chính quyền thôn đến thông báo có việc cần dùng đến nhà văn hoá, thế là cô trò nháo nhác thu dọn bàn ghế, đồ chơi dắt nhau đi về. Còn những ngày nghỉ học không nằm trong quy định của Sở đối với trường không phải là chuyện hiếm bởi lẻ học nhờ nên bị phụ thuộc "giờ giấc" của thôn. Hôm nào họ có việc thì mình phải gánh đồ đi gửi, trả lại nhà văn hoá, sau đó lại gánh đồ về để ngày mai  học tiếp", cô Liễu cho biết.

Năm học 2012-2013, địa phương có 358 cháu nằm trong độ tuổi huy động đến trường. Tuy nhiên, do thiếu phòng học nên mức độ huy động của trường dừng lại ở con số 337 cháu. Và khi phòng học cho các cháu vẫn chưa đáp ứng đủ thì việc tất cả giáo viên ở đây kể cả hiệu trưởng, hiệu phó đều không có phòng để làm việc là chuyện không thể tránh khỏi. Ấy thế mà khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó.

Cơn bão số 10 đi qua, trường bị thiệt hại khá nặng. Cả 3 điểm trường đều bị tốc mái. Riêng điểm trường ở thôn Thanh Bình 2 toàn bộ mái đã bị dỡ tung, nhiều đồ đạc trong phòng bị hư hỏng. Cô Liễu cho biết thêm: "Cả 3 điểm trường có 2 chiếc tivi và 2 cái đầu đĩa, trước bão đem đi gửi ở nhà dân nhưng nhà dân bị sập, tốc mái, hỏng cả rồi. Nhiều đồ chơi của các cháu và không ít bàn ghế bị bão phá tan. Hiện tại trường đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn".

Những thiệt hại do bão số 10 gây ra chưa kịp khắc phục xong thì đợt mưa lớn vừa rồi trường lại phải "gánh" thêm những thiệt hại mới. Cô Liễu cho biết, tổng thiệt hại của trường sau cơn bão số 10 và đợt mưa lũ vừa rồi lên đến 357 triệu đồng. Khổ nhất vẫn là tình trạng thiếu lớp học. Nhà văn hoá thôn Thanh Hưng 2, địa điểm mượn học của trường đợt mưa bão vừa qua bị hư hỏng nặng, toàn bộ mái bị tốc, tường nhà bị nứt, ngổn ngang gạch, ngói.

Sau bão, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bố Trạch đi kiểm tra, khảo sát tình hình, chỉ đạo tạm ngừng việc dạy học ở nhà văn hoá này cho đến khi khắc phục hoàn toàn. Tuy nhiên, do thiếu phòng, không thể để các cháu nghỉ học quá dài ngày nên nhà trường phải tiếp tục việc dạy học ở đây ngay khi vừa hoàn thành việc lợp lại mái, dọn dẹp vệ sinh nhà văn hoá. Không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu phòng học, hiện nay, hầu hết tại các điểm lẻ của trường, đồ chơi dành cho trẻ còn quá khan hiếm, cả cô và trò nhiều lúc phải dạy và học "chay". 

"Chỉ thương cho các cháu phải chịu thiệt thòi đủ đường. Đồ chơi ít ỏi, không có khuôn viên vui chơi ngoài trời, không gian học chật chội, không bảo đảm. Thêm vào đó, vì học nhờ, ở gửi nên việc tổ chức cho trẻ bán trú cũng trở nên "quá sức" đối với nhà trường", cô Liễu ngậm ngùi.

Chia tay chúng tôi, cô Trần Thị Liễu không giấu được niềm mong ước: “Trường nghèo, giáo viên chịu khổ đã đành, chỉ thương cho các cháu thiếu thốn điều kiện học hành như những nơi khác. Mới đây trường được Bộ LĐ-TB và XH và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam hỗ trợ 40 triệu đồng để mua sắm lại bàn ghế và một số đồ dùng đã bị hư hỏng do bão lũ, còn về phòng học thì chắc khó vì phải cần nguồn vốn lớn.

Do đó, hiện tại trường đang rất mong sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành, các nhà hảo tâm để có thêm nguồn lực khắc phục khó khăn, bảo đảm cho cháu có được một môi trường giáo dục theo đúng nghĩa”.

Đ.Vân