.

Khó khăn trong giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi

Thứ Tư, 30/10/2013, 18:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù các hoạt động đào tạo, hướng nghiệp cho thanh niên được triển khai thường xuyên, nhưng hiện nay, việc giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Việc làm bấp bênh

Trước đây, người dân miền núi chủ yếu dựa vào rừng để kiếm sống nhưng nay rừng đã được Nhà nước quản lý nghiêm ngặt, không còn khai thác tự do. Trong khi đó, diện tích sản xuất đất nông nghiệp ở các vùng miền núi ít, lại chủ yếu là đất dốc nên nhanh bị xói mòn, rửa trôi, các ngành nghề truyền thống ngày càng bị mai một khi lớp trẻ không kế thừa và phát huy được, còn các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì không có điều kiện để phát triển... khiến cho sức ép về việc làm ngày càng lớn, nhất là đối với thanh niên.

Lực lượng lao động dồi dào, có sức khỏe nhưng thiếu đất, thiếu vốn, thiếu nghề, cộng với trình độ văn hóa thấp, nhận thức về hướng đi cho tương lai chưa rõ ràng dẫn đến nhiều thanh niên rơi vào tình trạng thất nghiệp, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp khiến họ không thể thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.

Anh Lưu Quý Dũng, Chánh văn phòng Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: Nhiều năm gần đây, lực lượng lao động trẻ của tỉnh bổ sung vào đội quân đi làm ăn xa ngày một tăng, nhất là ở các huyện miền núi và chủ yếu là lao động chân tay. Hằng năm, số lượng thanh niên rời ghế nhà trường phổ thông lại tiếp tục bổ sung vào lực lượng lao động địa phương và họ lại rời quê vào các tỉnh, thành phía Nam hoặc một số thành phố lớn để kiếm sống.

Anh Nguyễn Văn Tráng, Bí thư Đoàn xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh-một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh nói, hiện tại số lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã là 1.115 người, trong đó có đến 90% thanh niên chưa có việc làm, chủ yếu đi rừng, làm nương rẫy và làm thuê. Việc đào tạo nghề với thanh niên ở đây thật sự là rất khó, khi thanh niên là người Vân Kiều chiếm số đông mà trình độ thì chỉ mới học hết lớp 2, lớp 3, đến việc viết tên của chính mình cũng mất đến 30 phút thì khả năng tiếp thu học nghề là không thể.

Đào tạo nghề xây dựng cho lao động trước khi xuất khẩu.
Đào tạo nghề xây dựng cho lao động trước khi xuất khẩu.

Vấn đề khả quan nhất bây giờ theo anh Tráng chỉ có thể là giao đất giao rừng, hỗ trợ cây để thanh niên trồng rừng làm kinh tế. “Họ làm tốt nếu được giao đất và hỗ trợ giống, đất thì có nhưng lâm trường quản lý hết nên thanh niên không có việc làm, hàng ngày phát rẫy làm nương quen rồi, đòi hỏi có kĩ năng có trình độ thì không học kịp”, anh Tráng chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng giới thiệu việc làm, Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên cho biết: Những năm qua, với nhiều cơ chế chính sách quan tâm, ưu đãi nhưng nhiều thanh niên miền núi không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, nhận thức chưa cao, lại đơn giản trong suy nghĩ nên việc hướng nghiệp, dạy nghề cho họ gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi năm, Trung tâm phối hợp với các Huyện Đoàn thường xuyên mở các lớp dạy nghề  cho hàng nghìn lao động, chủ yếu là các nghề xây dựng, hàn, mộc, trồng trọt, chăn nuôi...

Thế nhưng, sau khi đào tạo, rất nhiều thanh niên vẫn chưa tìm được việc làm. Với những người có việc làm thì chỉ được thời gian đầu, về sau do “đầu ra” hạn chế, thu nhập không cao nên bỏ việc, thất nghiệp, phải ly hương kiếm kế sinh nhai. Nhiều lúc, chỉ cần tập hợp được quân số khoảng 10 đến 20 thanh niên tại các huyện thì trung tâm có thể cử giáo viên lên tận nơi để dạy nhưng số người tham gia rất ít. Điều này cho thấy nhiều thanh niên dù đã được định hướng nhưng số biết nắm bắt cơ hội không nhiều.

Cần thay đổi lối tư duy cũ

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng trong việc tìm hướng giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi là việc phải thay đổi nhận thức, cũng như lối tư duy ỷ lại. Hiện nay việc xuất khẩu lao động được xem là một hướng đi mới để người lao động thoát nghèo vươn lên làm giàu và hiện tại đã có hàng nghìn lao động đang làm việc tại khắp các nước trên thế giới.

Cụ thể, năm 2012 có 600 lao động và 9 tháng đầu năm 2013, có 480 lao động trên địa bàn tỉnh đi xuất khẩu các nước Myanma, Malaixia, Hàn Quốc... thông qua trung tâm giới thiệu việc làm. Việc tập hợp lao động trong độ tuổi thanh niên để đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho họ đã vất vả thì việc hướng dẫn họ tiếp thu lại càng khó khăn hơn.

Chị Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng giới thiệu việc làm của trung tâm cho biết, dù thanh niên miền núi được hỗ trợ rất nhiều về chi phí ăn, ở, đi lại, kể cả học phí nhưng một số không chịu học nghề, học ngoại ngữ, đại đa số chỉ làm việc phổ thông. Theo khảo sát của trung tâm, thì so với thanh niên ở các xã, phường, thị trấn, thanh niên miền núi làm việc tại nước ngoài chất lượng thấp hơn. Trong khi đó, chủ trương của các nước thuê lao động hiện nay luôn chú trọng đến lao động có tay nghề. “Để có thể giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi, trước hết phải thay đổi lối tư duy của họ” Chị Thủy chia sẻ.

Cũng theo chị Thủy, hiện nay Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên còn phối hợp với các trường nghề và các doanh nghiệp trong ngành xây dựng tổ chức cho các lao động vừa học lý thuyết vừa có thể thực hành trong thực tiễn, giúp các thanh niên miền núi tiếp xúc trực tiếp với công việc, để khi ra nước ngoài xuất khẩu lao động có tay nghề cao hơn.

Anh Lưu Quý Dũng, Chánh văn phòng Hội LHTN Việt Nam cũng nói giải pháp căn cơ hiện nay đối với thanh niên miền núi là tạo việc làm ngay tại địa phương. Trong đó việc giao đất giao rừng vẫn là giải pháp chủ đạo. “Hiện nay, Tỉnh Đoàn chú trọng đến việc vận động thanh niên miền núi tham gia trồng rừng làm kinh tế thông qua chủ trương giao đất giao rừng của tỉnh. Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ giống, cây trồng, tạo điều kiện để thanh niên vay vốn phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn thanh niên chuyển đổi khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Lan Chi