.
Ngày 1-11-2013 dân số Việt Nam tròn 90 triệu người:

Dân số Việt Nam 90 triệu người cơ hội và thách thức

Thứ Sáu, 01/11/2013, 07:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng ta đón thời khắc dân số Việt Nam tròn 90 triệu người với nhiều cơ hội và thách thức. Liệu chúng ta sẽ có một tương lai bền vững, phát triển hay một tương lai đầy những bất bình đẳng cũng như với các vấn đề đặt ra về môi trường và kinh tế; đó là một bài toán khó cần giải quyết một cách thấu đáo và toàn diện.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Về mức sinh, năm 2002, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,28 con, đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 2,05 con và Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế vào năm 2006, tỷ lệ gia tăng dân số giảm từ 1,17% năm 2002 xuống còn 1,06% năm 2012; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm từ 21,7% (năm 2002) xuống còn 14,2% (năm 2012).

Quy mô dân số nước ta năm 2002 là 79,54 triệu người, đến 1-4-2012 đạt 88,78 triệu người. Theo số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, vào ngày 1-11-2013 Việt Nam sẽ đón chào công dân thứ 90 triệu chào đời. Đây cũng là mốc đánh giá Việt Nam đã thực hiện vượt mức chỉ tiêu Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020. Quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và 98 triệu người vào năm 2020.

90 triệu người- tính 2 mặt của một vấn đề

Việc đạt 90 triệu người vào tháng 11-2013 có thể được coi là một thành công trong công tác DS- KHHGĐ của chúng ta; điều này đồng nghĩa với việc dân số trung bình của năm 2015 sẽ vào khoảng 91,5 triệu người. Mọi người dân sống lâu hơn và nhiều trẻ em vượt qua được bệnh tật để tiếp tục sống...

Dân số Việt Nam cũng đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 30-35 năm. Cơ cấu dân số vàng tức là ít nhất có 2 người trong tuổi lao động “nuôi” 1 người trong độ tuổi phụ thuộc. Với nhóm dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử của đất nước. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường giáo dục, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm để đưa đất nước tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn cơ cấu dân số "có một không hai" này; đồng thời tạo tiền đề vững chắc để có thêm nhiều cơ hội chăm sóc người cao tuổi và trẻ em, Quỹ bảo hiểm xã hội được cân bằng.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Ảnh: T.H
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Ảnh: T.H

Tuy nhiên, thành tựu này không đồng nghĩa với việc chất lượng cuộc sống tốt hơn và không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ nó. Những khác biệt lớn vẫn tiếp tục tồn tại giữa các vùng miền, địa phương. Bất bình đẳng về quyền và cơ hội vẫn tồn tại giữa nam giới, phụ nữ, trẻ em gái, trẻ em trai. 90 triệu người với nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống, vui chơi, học tập... đã và đang tạo ra những áp lực ngày càng lớn cho mỗi chúng ta. Vấn đề ở đây là dù tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đã đạt mức sinh 2 con nhưng xét từng địa phương, vùng miền thì có nơi rất cao, nhưng có nơi lại rất thấp.

Ở những vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống đang gặp nhiều khó khăn thì tỷ lệ sinh lại cao hơn những vùng phát triển, điều này làm cho sự chênh lệch về điều kiện sống, và những nhu cầu thiết yếu khác ngày càng lớn và khó cân bằng giữa các vùng, miền, địa phương. 

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh bất thường trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì tỷ lệ này ở nước ta hiện nay đang ở mức 112,3 bé trai/100 bé gái và xu hướng này còn tăng lên trong thời gian tới; tỷ suất chết trẻ dưới 5 tuổi không đồng đều, vùng miền núi con số này còn cao; vấn đề chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự được đầu tư, hầu như chỉ mới tập trung tại các thành phố lớn, nơi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội...

Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng, vẫn còn có số đông dân số đang phải đối diện với đói nghèo, bất bình đẳng, vấn đề phụ nữ và trẻ em gái, thanh niên, sức khỏe sinh sản, môi trường, già hóa dân số và đô thị hóa...

Hãy cùng chung tay hành động

Trước những thách thức to lớn, vấn đề đặt ra là chúng ta phải hành động để biến những thách thức thành cơ hội. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, người trẻ tuổi chiếm hơn 30% dân số nước ta, tức là trong tổng số 90 triệu dân có hơn 27 triệu dân số trẻ.

Điều đó cho thấy, Việt Nam đang có một lực lượng lao động hùng hậu; chúng ta đang ở trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, thiết nghĩ chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa cho lực lượng trẻ nòng cốt này. Hãy tạo điều kiện và trao cho họ cơ hội được học hành, được tiếp cận khoa học kỹ thuật... để tạo lập tương lai cũng như việc học các kiến thức về tình dục và được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện để trở thành lực lượng trẻ với đủ tâm- trí- lực.

Đó cũng là cơ hội đầu tư vào phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường quyền năng cho họ, góp phần cải thiện phúc lợi, năng suất lao động... Phụ nữ là nhân tố lớn trong sự phát triển vì vậy đầu tư vào phụ nữ và trẻ em gái được coi là đầu tư có hiệu quả. 

Giám đốc Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women)-Bà Suzette Mitchell đã nói: “... phần lớn thu nhập của phụ nữ dành cho việc mua thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình. Điều đó góp phần làm tăng an ninh quốc gia thông qua việc củng cố sự vững mạnh của gia đình, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gìn giữ hoà bình và ổn định trong cộng đồng”.

Thế giới cũng đã đánh giá cao những nỗ lực mà Việt Nam đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong việc tăng cường bình đẳng và quyền năng cho người phụ nữ. Trong tương lai gần, cần đầu tư hơn nữa cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dễ gặp tổn thương.

Và để 90 triệu dân không chỉ là một con số vô tri vô giác mà là con số của nhiều cơ hội, thời cơ cho sự phát triển; điều đó đặt ra cho chúng ta những vấn đề cần quan tâm thấu đáo. Cần tăng cường hơn nữa công tác dân số- KHHGĐ, đưa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến gần với người dân.

Đây là chìa khóa giúp chúng ta giải quyết những bài toán khó như: tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh còn cao, tỷ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên/thanh niên đang gia tăng, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh đang có dấu hiệu bất ổn...

Trên thực tế, tại Việt Nam, tỷ suất chết mẹ đã giảm từ 85 trên một trăm nghìn trẻ sinh ra sống (năm 2003) xuống còn 68 trên một trăm nghìn trẻ sinh ra sống (năm 2010). Công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 66,6%. Những thành tích đáng ghi nhận đó là sự nỗ lực của Đảng, chính quyền các cấp, của người dân và sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế.

Dân số Việt Nam- 90 triệu người, một con số biết nói-chứa đựng nhiều cơ hội và thách thức. Chúng ta cần lạc quan hơn để nắm bắt và coi đây là vận hội lớn của đất nước trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Đó là những bài học của 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, 20 năm thực hiện Nghị quyết TW 4 về chính sách DS-KHHGĐ và hơn 50 năm thực hiện chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam.

Tiếp thu các bài học kinh nghiệm của quốc tế, những thành công và không thành công về công tác dân số, trên cơ sở thực tiễn phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước, những dự báo về môi trường, về văn hóa, phong tục, tập quán, thói quen của người dân cũng như những thành tựu về khoa học công nghệ... Và làm thế nào để khi nói đến công tác dân số- KHHGĐ là nói đến gia đình hạnh phúc, đất nước phát triển bền vững.

Nguyễn Thị Ngọc Hà
PGĐ Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh