.

Khắc phục tình trạng "thừa thầy yếu, thiếu thợ giỏi"

Thứ Sáu, 01/11/2013, 09:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua 3 năm thực hiện hiện 4 chương trình trọng điểm giai đoạn 2010-2015, theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XV, trong đó Chương trình phát triển nguồn nhân lực đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên để chương trình này mang lại hiệu quả một cách thực sự, cần tập trung khắc phục tình trạng "thừa thầy yếu, thiếu thợ giỏi" đang xảy ra khá phổ biến hiện nay.

 

Lớp đào tạo nghề cơ khí.
Lớp đào tạo nghề cơ khí.

Trình độ học vấn tăng

Đánh giá một cách khái quát bức tranh nguồn nhân lực tỉnh ta sau 3 năm thực hiện chương trình cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng cao, được chuẩn hoá, song tính chuyên nghiệp, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, văn hoá công sở, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của tỉnh nhà.

Thời gian qua, tỉnh ta đã có chính sách thu hút nhân tài và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong 3 năm, tỉnh đã thu hút được 12 trường hợp thuộc đối tượng thu hút nhân tài, trong đó có 2 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 3 đại học thủ khoa xuất sắc; đồng thời tuyển dụng 69 sinh viên giỏi để bố trí công tác tại các xã, phường, thị trấn; tuyển chọn 279/300 sinh viên là con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học về làm việc tại tỉnh; cụ thể: 32 thạc sĩ, chiếm 11,47%; 247 đại học chiến tỷ lệ 88,53% (đại học công lập: 200 em, chiếm 81%; đại học dân lập 47 em, chiếm 19%).

Các trường hợp thu hút, hợp đồng lao động được bố trí tại các cơ quan, đơn vị bước đầu đã phát huy được chuyên môn của mình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng, tập trung vào các nội dung: lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức nâng cao và chuyên sâu. Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính từng bước đạt chuẩn, tỷ lệ đại học trở lên hiện nay đạt 84,8%, tăng 5,9% so với năm 2010 (mục tiêu chương trình đến năm 2015 đạt trên 90%). Trình độ đội ngũ viên chức từng bước được nâng lên, tỷ lệ đại học trở lên chiếm 53,7%, cao đẳng và trung cấp chiếm 39,4%, chưa qua đào tạo chiếm 6,5%.

Đội ngũ cán bộ công chức cấp xã từng bước đạt chuẩn và bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, đào tạo trình độ chính trị, trình độ ngoại ngữ, tin học theo quy định; tỷ lệ trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đạt 37,3%, tăng 15,1% so năm 2010 (mục tiêu chương trình đến năm 2015 trên 50%). Nguồn nhân lực ở khu vực sản xuất, kinh doanh qua đào tạo hiện đạt 48%, tăng 8% so với năm 2010 (mục tiêu chương trình đến năm 2015 đạt từ 55 - 60%).

Lao động qua đào tạo nghề đạt 27%, tăng 5% so với năm 2010 (mục tiêu chương trình đến năm 2015 đạt từ 35 - 40%). Nhóm lao động có trình độ văn hóa trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt 70%, tăng 5,5% so với năm 2010 (mục tiêu chương trình đến năm 2015 đạt từ 85% trở lên).

Lãng phí nguồn nhân lực

Nếu nói về số lượng thì cán bộ công chức, viên chức tỉnh ta đạt tỷ lệ đại học, cao đẳng xếp vào mức trung bình cao so với cả nước. Nhưng đánh giá về chất lượng, hiệu quả công tác còn một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học còn thấp, không có các chuyên gia đầu ngành. Có sự chênh lệch cao về trình độ giữa vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bằng. Trình độ ngoại ngữ, tin học của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở cấp xã.

Đào tạo nghề mây tre truyền thống.
Đào tạo nghề mây tre truyền thống.

Chất lượng lao động còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện nay. Hầu hết lao động ở tỉnh ta sau khi được đào tạo chưa sống được từ nghề. Nổi lên là có một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo nghề trên địa bàn. Theo ông Hoàng Dương Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Quảng Bình, hàng năm tỉnh ta có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, đang là vấn đề đặt ra cho công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh.

Sự lãng phí nguồn nhân lực có trình độ cao đang xảy ra khá phổ biến. Thí dụ như, mới đây có một đơn vị hành chính cấp tỉnh cần tuyển một nhân viên tạp vụ, theo hợp đồng 68, yêu cầu trình độ trung cấp, nhưng có đến hàng chục ứng viên tốt nghiệp đại học, thậm chí có cả thạc sỹ, sinh viên tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội nộp hồ sơ dự tuyển. Hoặc như Xí nghiệp May xuất khẩu Hà Quảng, ở Khu Công nghiệp Tây bắc Đồng Hới, cần tuyển 300 lao động cho dây chuyền 2, yêu cầu trình độ tốt nghiệp THCS trở lên, đã có 89 hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đăng ký...

Qua thăm dò dư luận cho thấy hiện có một lượng không nhỏ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, có cả thạc sỹ đang phục vụ tại các quán cà phê, nhà hàng, làm nhân viên bảo vệ, tiếp thị...Điều này cho thấy việc đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn với nhu cầu thực tế của nền kinh tế, mà đang chạy theo bằng cấp, học vấn. Trong lúc đó tỷ lệ lao đông ở các doanh nghiệp qua đào tạo lại thấp, hầu hết lao động trong ngành Du lịch chưa qua đào tạo một cách bài bản, tình trạng "thừa thầy yếu, thiếu thợ giỏi" ngày càng gia tăng.

Đánh giá khái quát, lực lượng lao động qua đào tạo tuy có nâng lên về số lượng, nhưng chất lượng

Lao động chất lượng cao ở dây chuyền sản xuất bia.
Lao động chất lượng cao ở dây chuyền sản xuất bia.

còn thấp, tình trạng thiếu thợ giỏi trên tất cả các lĩnh vực sản xuất đang là yếu tố kìm hãm sự phát triển nền kinh tế.

Đãi ngộ người tài

Để khắc phục tình trạng vừa thiếu vừa thừa nguồn nhân lực, trước hết cần xây dựng quy hoạch sử dụng nguồn nhân lực dài hơi. Xây dựng kế hoạch hàng năm, trung hạn, dài hạn kể cả việc lồng ghép các chương trình, đề án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực của từng ngành, từng đơn vị, địa phương nhằm cụ thể hoá các mục tiêu của chương trình; phát triển nguồn nhân lực bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn hoá, chất lượng cao, có tính chuyên nghiệp, tính định hướng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế - quốc tế.

Quan tâm phát triển nhân lực ngành mũi nhọn, cần rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tôn vinh đãi ngộ và thu hút đối với những cán bộ khoa học, cán bộ quản lý có nhiều đóng góp và những nghệ nhân giỏi, những người có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và những doanh nhân giỏi, những bác sỹ, dược sỹ, cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi....về làm việc tại địa phương. Đổi mới nội dung thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức. Cử cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên giỏi đi đào tạo ở nước ngoài; khuyến khích du học tự túc hoặc được hỗ trợ một phần từ ngân sách của tỉnh.

Trước mắt, cần sắp xếp bố trí lại mạng lưới trường dạy nghề theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng đào tạo. Qua tìm hiểu được biết, tỉnh hiện có 26 cơ sở dạy nghề, trong đó có 3 trường trung cấp, 6 trung tâm dạy nghề và 17 đơn vị có đăng ký hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên sự gắn kết giữa các trường chưa tốt, nên trong tuyển sinh còn chồng chéo, manh mún. Sắp tới cần gấp rút thực hiện sát nhập 3 trung tâm (giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề) cấp huyện; thành lập trường cao đẳng nghề, quan tâm đào tạo, sử dụng thợ giỏi.

Tăng cường công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức của người lao động về tính thiết thực của việc học nghề, đa số học sinh, thanh niên vẫn muốn chọn con đường học để làm “thầy”, ít chọn con đường học để làm “thợ”.

Trọng Thái