Vài suy nghĩ về tranh tường và tượng công viên ở TP. Đồng Hới

  • 08:19 | Chủ Nhật, 09/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tác phẩm mỹ thuật ngoài trời tại các điểm công cộng (công viên, quảng trường) là những thành tố quan trọng bao gồm công trình kiến trúc nghệ thuật, tranh tường, tranh trang trí, biểu trưng, tác phẩm điêu khắc… Các tác phẩm đó kết hợp với không gian, cảnh quan đô thị tạo nên yếu tố thẩm mỹ phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần cho người dân và thu hút du khách đến thưởng lãm.     
 
Vai trò của mỹ thuật trong việc kiến tạo không gian thẩm mỹ công cộng ngày càng được chú ý và đề cao trong quá trình quy hoạch, kiến thiết và xây dựng tại các đô thị, đặc biệt là thành phố, theo hướng hiện đại, định hướng phát triển du lịch hiện nay. Chúng ta có thể nhận thấy, các thời kỳ lịch sử, ở quốc gia, nền văn hóa nào cũng không thể thiếu sự đóng góp của mỹ thuật công cộng trong phát triển đô thị.
 
Nhiều tác phẩm đã trở thành di sản văn hóa cho nhân loại hôm nay. Xã hội phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đáp ứng mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các không gian sinh hoạt chung thường được tạo thành những không gian văn hóa, thẩm mỹ để người dân thụ hưởng.
 
Ở những thành phố phát triển, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu hay tại các tổ hợp thương mại và đô thị mới, khu du lịch nổi tiếng… đều được đầu tư lớn cho hạng mục mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật công cộng không chỉ làm đẹp mà còn có ý nghĩa giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, tôn vinh lịch sử, bảo tồn và phát triển văn hóa cũng như quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
 
Thời gian qua, Quảng Bình đã có những thành tựu to lớn về mọi mặt. Để phát triển Quảng Bình nói chung, TP. Đồng Hới nói riêng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam và quốc tế, tỉnh đã có sự quy hoạch, chỉnh trang phát triển đô thị và đầu tư những công trình, không gian lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ quan trọng, như: Quảng trường Hồ Chí Minh, tượng đài mẹ Suốt..., mang lại giá trị tích cực về đời sống văn hóa, xã hội.
 
Tuy nhiên, ngoài một số ít công trình được đầu tư đúng mức thì vẫn còn một số vấn đề bất cập trong việc thực hiện những hạng mục về mỹ thuật tại các không gian công cộng. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin đề cập đến hai loại hình là tượng công viên và bích họa (tranh tường) hiện nay ở TP. Đồng Hới. Đây là hai loại hình có tác động trực tiếp mà mọi người có thể thưởng thức, cảm nhận và tương tác gần gũi nhất.
Quảng trường Hồ Chí Minh.
Quảng trường Hồ Chí Minh.
Đối với tượng công viên, với địa thế thuận lợi có những công viên bên sông và bờ biển dài, chúng ta có rất nhiều vị trí, không gian đắc địa phù hợp cho việc tạo nên “vườn tượng” nghệ thuật. Có thể kể đến hệ thống công viên từ chợ Đồng Hới trải dài bên bờ sông Nhật Lệ nối với đường Trương Pháp đến đồi cát xã Nhân Trạch (Bố Trạch), quanh khu vực ngoại và nội Thành cổ Đồng Hới, hai bên bờ sông Cầu Rào…, rất tiềm năng và phù hợp để đặt tác phẩm tượng điêu khắc công viên. Hiện nay, cũng đã có một số tượng đặt rải rác tại các khu này…, nhưng chỉ dừng lại ở mức tạo hình trang trí, có nhiều yếu tố mỹ nghệ, chưa tạo nên sự riêng biệt, đặc trưng cho văn hóa lịch sử, con người của quê hương.
 
Những “bức tượng” này chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp bất cứ ở đâu bởi đề tài và cấu trúc, ngôn ngữ tạo hình chung chung, mảng hình trang trí đơn thuần như tượng về sinh vật biển, tượng trang trí không rõ về nội dung...Việc không có dấu ấn tác giả, tác phẩm cụ thể và đặt rời rạc xen lẫn cùng nhiều công trình khác mang lại ít hiệu quả về thẩm mỹ.
 
Thiết nghĩ, cần thiết phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng một tác phẩm điêu khắc khi đặt ngoài trời phù hợp với không gian. Cần có sự tham gia tư vấn của những nhà chuyên môn, như: Kiến trúc sư, nhà điêu khắc, nhà quy hoạch…thông qua việc tổ chức các trại sáng tác hoặc cuộc vận động, đặt hàng sáng tác với sự lựa chọn phác thảo khắt khe trước khi thể hiện nhằm bảo đảm tính hệ thống, liên kết trong tổng thể chung. Tác phẩm cần mang những đặc trưng về giá trị đất và con người Quảng Bình. Và điều quan trọng là cần bảo đảm các yếu tố về thẩm mỹ gắn với dấu ấn sáng tạo cá nhân của từng tác giả.
 
Chúng ta có thể "học hỏi" các mô hình tại TP. Hồ Chí Minh (công viên Tao Đàn), TP. Vũng Tàu (Bãi Trước), TP. Đà Lạt (vườn hoa trung tâm), TP. Hội An (bên sông Hoài), TP. Huế (hai bên bờ sông Hương)…, được thực hiện tại các trại sáng tác điêu khắc quốc tế của nghệ sĩ điêu khắc trong nước, nước ngoài với những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ, tư tưởng mang đặc trưng văn hóa, lịch sử của vùng đất.
 
Đối với bích họa (tranh tường), hiện nay, sự xuất hiện của tranh tường mang lại hiệu ứng tích cực trong việc tạo nên những địa chỉ được du khách tìm đến ở các địa phương. Tại TP. Đồng Hới, phố đi bộ đường Phan Bội Châu-Đồng Hải, quảng trường biển Bảo Ninh, biển Nhật Lệ… có trang trí trên thuyền, tạo hình từ vật liệu tái chế, vẽ lên tường… Tuy nhiên, khách quan đánh giá, việc lựa chọn đối tượng thể hiện cũng như khả năng thực hiện của đội ngũ các họa sĩ chưa có sự chắt lọc và đầu tư.
 
Phần kiểm duyệt có lẽ cũng thiếu sự tham gia của những người có chuyên môn. Nên chúng ta nhìn thấy nhiều hình ảnh quen thuộc thường xuất hiện đâu đó trên internet về biển, phong cảnh, đồ vật với bút pháp vờn tỉa còn nhiều sai sót trong xây dựng cấu trúc hình, lòe loẹt về màu sắc, thiếu câu chuyện văn hóa muốn truyền tải, chắp nối và không hài hòa về tổng thể.
 
Những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương chưa được chú trọng khai thác. Như tại quảng trường biển Bảo Ninh là các hình ảnh cá, tôm, đảo vàng, đồ vật trang trí…; trong khi đó, các lễ hội và loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, như: Múa bông-chèo cạn, cầu ngư… hay đặc trưng của văn hóa vùng biển Quảng Bình, của thành phố Hoa Hồng không được thể hiện.
 
Tranh tường là câu chuyện văn hóa, lịch sử được kể thông qua đường nét, màu sắc. Người dân và du khách thông qua đó có thể hiểu phần nào về những giá trị của vùng đất họ đang sinh sống hay đặt chân đến tham quan. Tác phẩm bảo đảm tính thẩm mỹ cũng thể hiện sự phát triển của đời sống văn hóa nơi ấy. Chúng ta có thể thấy, những làng bích họa tạo nên nét riêng như ở làng chiến đấu-làng biển Cảnh Dương thể hiện truyền thống đấu tranh anh hùng trong chiến đấu, hăng say trong lao động với các tác phẩm thể hiện về chính đất và người nơi đây, hay như ở làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam) với hình tượng thân quen lấy từ nhân vật đang sống của địa phương hay tại Nhật Bản với hình ảnh về quốc ngư Koi, Thái Lan và ẩm thực đường phố, xe Tuk-Tuk… Chính các yếu tố văn hóa bản địa góp phần tạo nên không gian độc đáo thu hút du khách.
 
Những nỗ lực đổi thay diện mạo thành phố trong thời gian qua của chính quyền các cấp đã tạo nên hiệu quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, để có hiệu quả dài lâu, cần có quy hoạch tổng thể và chi tiết đối với các hạng mục mỹ thuật thực hiện với sự đầu tư về thời gian, công sức và tài chính. Cần đưa nhiều loại hình mỹ thuật công cộng vào các không gian, như: Tranh trang trí với chất liệu gốm, sứ, tác phẩm điêu khắc chất liệu bền vững… Cần có kế hoạch xây dựng những không gian trở thành công viên có địa danh cụ thể gắn với danh nhân lịch sử, văn hóa của quê hương.
 
Quảng Bình có đội ngũ những người làm công tác mỹ thuật có chuyên môn, đã thực hiện nhiều tác phẩm chất lượng trong nước và quốc tế. Đây là điều thuận lợi để tham khảo ý kiến và liên kết thực hiện những dự án, sự kiện, trại sáng tác nghệ thuật có chất lượng. Các khu đô thị mới, tòa nhà hiện đại được xây dựng nên có thiết chế tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thực hiện công trình mỹ thuật lân cận, tạo nên không gian hiện đại, đẹp mắt, tôn vinh và quảng bá hình ảnh quê hương đến với bạn bè gần xa. Đồng thời, cần tích cực huy động các nguồn lực của xã hội sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng kiến thiết xây dựng thành phố "hoa hồng" ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng

tin liên quan